Trang chủ PGVN Cửa thiền Có vị Đại đức trẻ như thế trên vùng Cao Nguyên đất...

Có vị Đại đức trẻ như thế trên vùng Cao Nguyên đất đỏ

90

Trong những ngày cận kề tết Kỷ Sửu, bỏ lại sau lưng và xa rời sự náo nhiệt của một thành phố như Sài Gòn, chúng thầy có chuyến đi thăm người thân cách Thành phố khoảng 200 cây số. Đó là thị xã Gia Nghĩa – tỉnh Đắc Nông. Tại đây có 1 ngôi chùa được thành lập đầu tiên của tỉnh Quảng Đức cũ, nay là tỉnh Đăk Nông, đó là chùa Pháp Hoa (Văn phòng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Đắc Nông).


Trong dịp này, phóng viên phattuvietnam.net đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với một vị ĐĐ trẻ, đó là ĐĐ. Thích Quảng Hiền. Thầy hiện nay là uỷ viên Ban hoằng pháp TW –  Phó ban thường trực – kiêm trưởng Ban hướng dẫn Phật tử – trụ trì chùa Pháp Hoa – thị xã Gia Nghĩa – tỉnh Đắc Nông.


Với tâm huyết của một tu sĩ trẻ với sự nghiệp Hoằng pháp, đem ánh sáng giáo lý Phật đà phổ biết rộng rãi trong nhân gian, thầy đã làm rất nhiều công trình xây dựng, tổ chức những sự kiện hoạt động văn hoá Phật giáo để khơi dậy sự sống cho một vùng mà sau hơn 30 năm không có chư Tăng về trụ xứ.


PV: Thưa thầy, thầy có thể cho biết tình hình Phật giáo của tỉnh trước đây và  từ khi thầy về làm việc và hành đạo cho tới nay có gì thay đổi gì không?


ĐĐ.Thích Quảng Hiền: Từ khi thầy về trụ trì chùa Pháp Hoa này tới nay đã trên 5 năm. Ban đầu mới về gặp rất nhiều khó khăn, phải nói là rất khó vì Phật giáo tại tỉnh đã lâu không có một bóng dáng của chư tăng tu tập và hành đạo. Trong toàn tỉnh có tổng số 13 ngôi chùa, mà không có chùa nào có thầy trụ trì, kể cả chùa Pháp Hoa – Văn phòng BTS.


Ngôi chùa này là ngôi chùa đầu tiên của tỉnh Quảng Đức cũ do cố Hoà Thượng Thích Trí Huy khai sơn. Từ khi cố Hoà Thượng khai sơn viên tịch năm 1970, trong suốt thời gian trên 30 năm, Chùa không có thầy trụ trì, chỉ có Phật tử Ban hộ tự tới lui tụng kinh lễ bái và nhang khói. Tất cả công tác hoằng pháp và Phật sự ở đây suốt thời gian dài không có người kế thừa.


Tỉnh Đắc Nông mới thành lập cách đây vừa tròn 5 năm được tách ra từ tỉnh Đắc Lắc. Sau khi chia tỉnh xong thì Ban Đại diện Phật giáo lâm thời cũng được thành lập. Sau trên 3 năm hoạt động, Ban Đại diện tỉnh đã tiếp nhận trên 10 vị Tăng ni ngoài tỉnh về tỉnh nhà làm công tác Phật sự, rồi Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ I đã được HĐTS GHPGVN chuẩn y, bổ nhiệm nhân sự vào làm việc và hiện nay Phật giáo tại tỉnh đã thay đổi diện mạo rất sáng sủa.


Trong suốt thời gian qua, BTS đã bổ nhiệm trụ trì tất cả 13 ngôi chùa trên toàn tỉnh, thành lập ban đại diện Phật giáo các huyện, hiện nay trong toàn tỉnh đã có được 19 ngôi chùa, trên 20 Tăng ni, nói chung trong thời gian này Phật giáo tại Đắc Nông đang có chiều hướng phát triển tốt.


PV: Thầy có thể nói rõ về những khó khăn vừa qua?


ĐĐ. Thích Quảng Hiền: Cái khó đâu tiên là chưa được Phật tử tin tưởng và chính quyền địa phương thì rất khó khăn. Bản thân thầy là một tu sĩ còn rất trẻ, sau khi tốt nghiệp cao đẳng Phật học tại Đồng Nai xong, thầy có tâm nguyện đi về vùng Cao Nguyên để tu tập và hành đạo. Thời gian đầu thầy xin về chùa Sắc Tứ Khải Đoan – Buôn Ma Thuột, một thời gian sau được BTS Phật giáo tỉnh Đắc Lắc cử về làm trụ trì chùa Pháp Hoa.


Khi thầy về thì một số người cho rằng còn trẻ vậy làm sao làm trụ trì được, thậm chí là có nhiều người còn cho rằng thiếu kinh nghiệm nên không thể gánh vách Phật sự được. Tuy nhiên, thầy nghĩ rằng thực tế sẽ là câu trả lời tốt nhất. Công việc Phật sự thì lúc nào cũng gặp sự trắc trở, nhưng với trái tim cháy bỏng vì lòng tôn kính Phật cùng mong muốn hoằng pháp lợi sinh thì những chuyện đó không thể làm cho thầy thối chí được.


PV: Khi thầy làm trụ trì chùa Pháp Hoa, công việc tiến triển như thế nào?


ĐĐ. Thích Quảng Hiền: Sau khi về Trụ trì được hơn 2 tháng thì địa giới hành chính tỉnh Đắc Lắc được tách thành hai. Thời gian về tu tập và trụ trì chùa Pháp Hoa, thầy có nhiều trăn trở lắm. Bàn thờ Tổ khai sơn được đặt một góc khiêm tốn nơi Chính điện, không có nơi để phụng thờ, thậm chí Chính điện cũng bị dột khi vào mùa mưa.


Tâm nguyện của thầy là phải xây dựng cho bằng được ngôi Tổ đường cho trang nghiêm để thờ Tổ khai sơn và chư vị Tổ sư, cũng để cho có nơi thờ các hương linh quá vãng mà bá tính đã ký gửi vào chùa. Sau đó là khởi công xây dựng nhà tổ trong khi kinh phí làm không có một đồng trong tay. Sau khi hoàn thành xong ngôi Tổ đường thì kinh phí lên đến trên 500 triệu đồng, rồi cũng được chi trả xong.


PV: Thưa thầy, khi mới về trong tay không có tiền, sao thầy mạnh bạo đột phá làm một công trình xây dựng tốn nhiều tiền như vậy?


ĐĐ. Thích Quảng Hiền: Thầy nghĩ hoàn thành được Phật sự quan trọng này là nhờ sự gia hộ của chư Phật và tổ khai sơn vì thầy có niềm tin mãnh liệt vào Phật và Tổ đã khai sơn ra chùa Pháp Hoa này. Quan trọng là phải dám nghĩ dám làm, và khi nguyện làm việc gì thì phải nỗ lực thực hiện cho bằng được.


PV: Thầy còn thực hiện Phật sự đáng chú ý nào nữa không?


ĐĐ. Thích Quảng Hiền: Trong năm 2008 vừa qua, chùa cũng đã xây dựng thêm một hội trường và tăng xá với kinh phí 2 tỷ đồng, bao gồm tầng trệt dùng làm hội trường và tầng lầu để chư Tăng sinh hoạt. Muốn phát triển Phật pháp tại vùng này không phải chỉ có mình thầy mà làm được mà cần phải có đông chư tăng, dựa vào sức mạnh của tăng chúng để hành đạo thì kết quả sẽ hiệu quả hơn.


Năm qua, chùa cũng cho xây tường rào, làm cổng Tam Quan, sửa lại tháp tổ, làm vườn Lâm Tỳ Ni, xây dựng đài Quan Âm. Chùa cũng đã khoan được 1 giếng khoan sâu 100 mét, trang bị máy phát điện.v.v… nhằm phục vụ các ngày lễ khi bị cúp điện.


Trong thời gian qua, ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, chùa còn tổ chức các hoạt động văn hoá khác như tổ chức hội thảo chủ đề về “Mẹ” trong mùa Vu Lan báo hiếu, tổ chức đêm nhạc “Thương về miền trung” để vận động cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai ở các tỉnh miền trung, tổ chức Lễ mừng thọ tập thể cho quý Phật tử cao tuổi của Chùa, tổ chức tuần lễ ẩm thực chay trong mùa đại Lễ Phật đản LHQ, tổ chức trại huấn luyện huynh trưởng A Dục – Lộc Uyển cho GĐPT toàn tỉnh.v.v…


Vì chùa là nơi trung tâm Phật giáo và hoằng pháp của tỉnh, cũng là  nơi tu học của quần chúng Phật tử nên thầy rất thiết tha với việc xiển dương Phật pháp tại nơi này.


PV: Thưa thầy, hiện giờ Chính quyền có tạo thuận lợi cho Phật giáo không?.
 
ĐĐ. Thích Quảng Hiền: Hiện nay thì chính quyền địa phương và cả chính quyền tỉnh đã có sự quan tâm và hỗ trợ hoạt động và sinh hoạt của Phật giáo tại tỉnh. BTS đã phối kết hợp với UBND tỉnh thành lập Ban điều phối Đại Lễ Phật đản của tỉnh. PG tỉnh đã tổ chức 19 chiếc xe hoa trong toàn tỉnh và tập trung về trung tâm thị xã để diễu hành làm nô nức lòng người của vùng đất cao nguyên này. Chính quyền đã hộ trợ tích cực và tốt đẹp cho cuộc diễu hành thành công và an toàn.


PV: Thưa thầy, trong năm 2009 thầy có dự định gì về công tác Phật sự và Hoằng Pháp cho Phật giáo địa phương và tỉnh nhà?


ĐĐ. Thích Quảng Hiền: Trong năm 2009, thầy sẽ cố gắng vận động kinh phí để để bù giải toả cho 2 hộ dân trong khuôn viên chùa dời đi nơi khác để tu chỉnh lại khuôn viên cho trang nghiêm,nhằm phục vụ cho việc sinh hoạt tu học của bà con Phật tử. Kinh phí đền bù giải toả cho 2 hộ kia cũng phải trên 500 triệu đông, nhưng kinh phí chùa thì hiện tại chưa có đồng nào. Thầy cũng mời gọi thêm quý thầy trẻ về ở cùng tu học và làm Phật sự, chứ chùa Tỉnh hội mà ít chư tăng ở quá công việc Phật sự cũng kém hiệu quả.


Năm 2009, BTS dự định sẽ tổ chức trại hè cho thanh thiếu niên và GĐPT trong toàn tỉnh, nhằm tạo sân chơi cho các em và hướng các em về với Tam Bảo. Trong công tác hoằng pháp, thầy mong muốn từ lâu là phải làm sao dẫn dắt đồng bào dân tộc thiểu số các vùng trong tỉnh, gần gũi họ để họ tiếp xúc với Phật giáo rồi dần dần đưa họ về chùa quy y Tam Bảo.


PV: Vâng! Kính tri ân thầy đã có cuộc trao đổi với phattuvietnam.net. Kính chúc thầy bước sang năm mới thân tâm an lạc, Phât sự viên thành.



Tam quan chùa Pháp hoa

























































































Hồng Trung – CLB TNPT TP.HCM