Trang chủ Nghiên cứu Thiền học Công án Thiền

Công án Thiền

249

Trong Thiền tông Trung Hoa, công án là một bài (tắc) ghi lại hoàn cảnh, sự việc, qua đó một thiền giả đạt ngộ hay sự đối đãi, chỉ dạy của một thiền sư khiến cho một đệ tử hay một người đến tham vấn đạt đến lý chân thật của thực tại tuyệt đối vốn không dính dáng gì đến thứ lý luận phân biệt, chấp trước bằng ngôn ngữ, tư duy thông thường.


Do đó mà ta thường thấy sự việc, hành tác, ngôn ngữ, cử chỉ… của nhân vật, đặc biệt là của các thiền sư trong công án rất nghịch lý, khó hiểu.


Ví dụ: Một ông Tăng hỏi Hoà thượng Động Sơn: “Phật là gì?”. Sư đáp: “Ba cân mè”, hoặc: Hoà thượng Thủ Sơn giơ gậy trúc trước chúng và nói: “Này các vị, nếu gọi là gậy trúc thì xúc phạm, không gọi là gậy trúc thì trái nghịch. Vậy gọi là gì?“.


Đây là ngôn ngữ của một thứ biện chứng pháp siêu việt, nhằm tạo sự ngỡ ngàng, hụt hẫng, làm bung vỡ mọi chấp trước, phân biệt, phá tan mọi kiến thức, nghi nan, mọi tư duy nhị nguyên, đưa đến sự đạt ngộ ngay liền (đốn ngộ).


Phương pháp trao truyền và thể cách thọ nhận “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” và “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự” giữa thầy và trò là nét đặc biệt của Thiền tông Trung Hoa khởi từ Bồ Đề Đạt Ma (thế kỷ VI), tiếp đó là 5 vị Tổ, rồi trải đến các dòng Thiền về sau, đặc biệt là dòng Lâm Tế và dòng Tào Động.


Đến đời Tống (thế kỷ X), những trường hợp dạy dỗ, chứng đạt đặc thù trước kia được ghi chép lại, phổ biến trong thiền môn để các hành giả tham cứu, quán các đề tài trong đó, nhằm khơi dậy cái trực giác về trí tuệ uyên nguyên vốn có ở mỗi người nhưng bị che lấp vì phiền não, phân biệt. Những trường hợp được truyền thuật này được gọi là các công án.


Người ta bảo rằng có đến 1.700 công án nhưng phần lớn bị trùng lặp, thêm bớt, nhầm lẫn hoặc nguỵ tạo. Hiện nay, theo các thống kê không chính thức, có khoảng 500 hay 600 công án (kể cả các công án phát xuất từ Nhật Bản).


Các sách ghi chép công án thường có thêm lời bình, lời tụng của người biên soạn, cũng khó hiểu không kém các công án. Có 5 bộ sách chính là: Bích Nham Lục, Thung Dung Lục, Vô Môn Quan, Chính Pháp Nhãn Tạng và Cảnh Đức Truyền Đăng Lục; ngoài ra, các sách Thiên Nhân Nhãn Mục, Chỉ Nguyệt Lục, Tục Chỉ Nguyệt Lục cũng được xem là những sách quan trọng về công án. Một công án nêu lên một lời kinh hay lời nói của một vị thiền sư thường được gọi là thoại đầu hay thoại đầu công án.


Ngoài mục đích sưu tập công án đã nói trên, người ta còn phân biệt 5 lợi ích của công án là: công cụ cho việc ngộ Thiền, làm phương pháp để khảo nghiệm, làm phương thức nương tựa cho đời sau, làm tín vật cho sự ấn chứng và làm tiêu điểm cứu cánh.


Theo chúng tôi, rất khó, thậm chí là không thể đạt ngộ bằng việc tham công án.


Tiểu sử chư Tổ, chư Đại Thiền sư cho ta thấy chư vị đều chuyên cần tụng kinh, niệm Phật, thiền định cho đến khi đạt ngộ chứ không phải chỉ tham cứu công án. Những trường hợp đạt ngộ của hành giả là do căn cơ, do nhân duyên, kể cả những cơ duyên nhỏ nhất như cơn gió, làn mây, viên sỏi, … và phần lớn là nhờ một bậc thầy biết rõ tâm của hành giả và thiện xảo đẩy đưa hành giả đến chỗ đạt ngộ ngay tại một thời điểm đặc biệt…


Lại nữa, “như người uống nước, nóng lạnh tự hay” cho nên những trường hợp đạt ngộ là trường hợp của một cá nhân, trong một sự hội tụ cơ duyên đặc biệt, chứ không thể có hai trường hợp giống nhau được.


Chúng ta ngày nay lật xem công án, nhìn cái phong cách dạy dỗ, tu tập, truyền đạt, thọ nhận của người xưa là chỉ thấy cái bề ngoài, dù có hiểu được phần nào cái nội dung công án thì đấy cũng chỉ là nội dung biểu kiến, không thật.


Sự đốn ngộ thật ra là kết quả của một quá trình tu tập lâu dài, cần có Đại phấn chí (ý chí mãnh liệt), Đại nghi đoàn (sự trăn trở, tư duy, nghiền ngẫm đề tài chứ không phải mối nghi ngờ thông thường) và Đại tín căn (niềm tin tuyệt đối vào chính pháp và khả năng trí tuệ của chính mình); đặc biệt là Đại nghi đoàn mà Thiền sư Bạch Ẩn nói đến: “Nghi lớn thì ngộ lớn” và ngài Vô Môn cũng dặn: “Hãy tận dụng 360 xương cốt, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông, vận dụng cả thân tâm, khởi thành một mối nghi”.


Như vậy là để đạt ngộ, hành giả phải đem hết thân tâm, cả sinh mạng của mình để nghiền ngẫm, quán xét cái thực tại siêu việt cho đến khi đạt ngộ.


Sau cùng, chúng ta cần ghi nhận rằng các công án không phải do chư Tổ, chư Đại sư tự tay chép lại. Người chép lại có thể là một đệ tử, hoặc là một chú tiểu hầu trà, thậm chí do nhiều người sau kể lại…


Sự “truyền riêng ngoài giáo” rất riêng tư giữa hai thiền giả làm sao người khác biết được? Làm sao xác định được những động tác, những lời lẽ kia đúng là một công án hay chỉ là một sự giao tiếp rất bình thường? Và như vậy, làm sao nhận biết những công án không thật trong số 500 hay 600 công án hiện nay để khỏi phải tốn công tham khảo vô ích?