Trang chủ Tin tức Đại lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học về HT. Kim...

Đại lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học về HT. Kim Cương Tử

115

Đến chứng minh và tham dự có HT. Thích Đức Nghiệp – Phó Thư ký HĐCM Giáo hội Phật giáo Việt Nam; HT. Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế TW; HT. Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban KTTC TW; HT. Thích Trí Tâm – Trưởng Ban Nghi lễ TW; TT. Thích Bảo nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hà Nội; chư Tôn giáo phẩm HĐTS, HĐTS, Ban Trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo; chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng và các địa phương.

Buổi lễ hân hạnh đón tiếp ông hà Văn Núi – Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam; Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu; PGS. TS Nguyễn Hồng Dương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; quý vị Giáo sư, Phó Giáo sư Tiến sĩ, các nhà khoa học, nghiên cứu, học giả; các Bộ ngành TW, Tp. Hà Nội và hàng ngàn Phật tử tham dự.

Trong phần nghi thức tưởng niệm, TT. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hà Nội cung tuyên Tiểu sử Hòa thượng Kim Cương Tử (1914 – 2001).

Thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Hà Nội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS đọc lời tưởng niệm lần thứ 10 (2001 – 2011) ngày Hòa thượng Kim Cương Tử viên tịch:

“Cố Hòa thượng Kim Cương Tử – Thành viên Hội đồng chứng minh, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Phân viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội; Trụ trì Tổ đình Trấn Quốc – Hà Nội, là một bậc cao tăng thạc đức, thạch trụ chốn Tòng Lâm, là ánh hải đăng định hướng cho Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, Thành phố Hải Phòng đi đúng mục tiêu hộ quốc an dân, phụng đạo yêu nước trong quá trình xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam theo từng thời đại khác nhau của lịch sử. Như Cổ Đức đã nói:

    “Lưng mang bức tượng Di Đà

    Chữ Trung chữ Hiếu thiệt là vẹn phân”

Hòa thượng đã hiện hữu ở thế gian vào những năm đầu thế kỷ và đã ra đi vào những cuối thế kỷ XX. Gần 90 năm trụ thế, hơn 60 năm tùy duyên hóa độ chúng sinh thực hành Bồ Tát đạo, Hòa thượng đã để lại cho Phật giáo Việt Nam, cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam một tấm gương đạo hạnh trang nghiêm, tỏa ngát hương thiền, công đức vô biên của một hiện thân Bồ Tát Ân, Nghiêm, Uy dũng, kiêm toàn; thì mới biết:

    "Kim Cương mở mắt không hoa rụng
    Đại địa đồng qui tịch diệt trường"

Về mặt xã hội, Hòa thượng đã sử dụng phương tiện quyền xảo, bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến hành xử mọi phương diện trong những chặng đường lịch sử khác nhau của dân tộc, đạo pháp và xã hội, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước phồn vinh, an vui, hạnh phúc.

Quả thật :

    “Hương thiền toả ngát gần xa
    Vườn hoa xã hội nở hoa bốn mùa”

Về Đạo pháp, bằng thiện căn có sẵn, đạo hạnh khiêm ưu, tự tại trang nghiêm công đức thanh tịnh, Hoà thượng đã tỏa sáng gương lành, gióng trống lôi âm, vang rền tiếng pháp, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng già, phát huy tinh thần Thích hải côn bằng. Linh sơn cốt nhục, tình pháp lữ Đại thừa trong chánh pháp, phát triển đạo vàng trong những chặng đường khác nhau của lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhằm thể hiện ý nghĩa :

    “Mỗi người mỗi nước mỗi non
    Khi vào cửa Phật như con một nhà
    Cùng nhau thực hiện lục hòa
    Chúng sinh lợi lạc, chan hoà tình thương”

Qua tự thân, Hòa thượng là nguồn vổ vũ tinh thần, động viên Tăng Ni Phật tử Việt Nam phát huy tinh thần Đạo pháp, làm Tốt đạo Đẹp đời. Nhờ vậy mà qua các giai đoạn của lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni Phật tử Việt Nam mãi mãi chan hòa, hiện hữu và chuyển lưu trong dòng chảy của dân tộc, thật là :

    “Dù cho đi vạn đường trần
    Đạo tâm không để một lần phôi pha”

Có thể nói, hiện thân của Hòa thượng là bóng đại thụ che mát cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, là ánh hải đăng định hướng cho Phật giáo Việt Nam xuyên suốt dòng lịch sử truyền thừa và phát triển, mà đỉnh cao là thời đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do đó, mỗi cử chỉ, mỗi ngôn từ của Hòa thượng không những đã biểu hiện một sức sống mãnh liệt cho Đạo pháp, cho Tăng Ni Phật tử nói chung, mà còn là một bài học đạo đức muôn đời cho các thế hệ hiện tại và mai sau noi theo gương Hoà thượng để sống và hành xử trong khi thi hành Phật sự.

Quả thật :

    “Hư không còn có ngày mòn
    Bao lời huấn thị sắt son muôn đời”

Với công tác Phật sự, Hòa thượng đã trang trải tình thương và bình đẳng đối với tất cả mọi người, mọi nơi và mọi Phật sự từ Trung ương đến địa phương, từ phạm vi cơ sở của Giáo hội cho đến Tăng Ni, Tự viện và Phật tử. Qua đó không những Hòa thượng đã tạo được niềm tin, sự hoan hỷ vô biên, mà sự an ủi, khích lệ tinh thần đạo pháp cho Tăng ni, Phật tử địa phương, mà còn cho mọi sự thành công của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Quả thật :

    “Mặc dù Ngài đã đi xa
    Pháp thân mãi mãi chan hòa núi sông”

Đối với Sơn Môn, Pháp Phái, Hòa thượng đã thể hiện trọn tình trọn nghĩa, làm tròn trách nhiệm đối với tông phong, Thầy tổ, đoàn kết hòa hợp như nước với sữa, để được lợi ích an vui trong Phật pháp, hòa mình trong Giáo hội và dân tộc qua sự hiện hữu của mình và Tăng Ni, Phật tử trong suốt dòng thời gian và không gian vô tận, như người xưa đã nói :

    “Giữ gìn tổ ấn tông phong
    Tốt Đời đẹp Đạo giữa lòng dân gian”

Đối với chốn Tổ, Hòa thượng đã dồn hết tâm lực, trí lực duy trì trùng tu chốn tổ Trấn Quốc được trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Thủ đô. Thế rồi, khi Phật sự tròn xong, Hòa thượng đã tự tại ra đi, không luyến tiếc. Quả thật:

    “Trời không cánh Nhạn bay qua
    Bóng in đáy nước xóa nhòa một khi
    Nhạn không để bóng làm gì
    Nước không giữ bóng bởi vì vô tâm”

Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam chốn Tổ đã và đang phát triển trang nghiêm trong lòng dân tộc, nhưng Hòa thượng không còn nữa ở thế gian này, Hòa thượng đã trở về thế giới Niết Bàn, vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh sáng ngời, giới đức trang nghiêm thanh tịnh của Hoà thượng vẫn còn sống mãi với thời gian vô cùng và không gian vô tận, nhất là trong lòng người con Phật và trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Quả thật :

    “Một mai thân xác tiêu tan
    Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời
    Pháp thân lồng lộng sáng ngời
    Chiếu soi pháp giới, rạng ngời Chân như”

Sau phần nghi lễ tôn giáo, Hội thảo khoa học về sự gnhiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng Kim Cương tử (1914 – 2001). Tại Hội thảo có 40 bài tham luận và phát biểu ý kiến của chư Tôn giáo phẩm, các nhà khoa học, nghiên cứu, học giả trình bày nhiều góc độ về cuộc đời của Hòa thượng Kim Cương Tử đối với đạo pháp, dân tộc qua nhiều thời ký lịch sử, nhất là sau khi Việt Nam độc lập, thống nhất Tổ quốc.