Trang chủ Quốc tế Đài Loan: "Tam bộ nhất bái" đầu tiên tại Kỷ Niệm Quán...

Đài Loan: "Tam bộ nhất bái" đầu tiên tại Kỷ Niệm Quán Phật Đà

65

Pháp sư Từ Dung – Viện trưởng Viện giáo dục Phật Quang Sơn và Pháp sư Tuệ Truyền – Viện trưởng Đô giám viện đều hết sức quan tâm đối với hoạt động triều sơn lễ Phật này.

Vừa sáng sớm, mọi người đã tập họp trước hội trường "Lễ Kính". Pháp sư Tuệ Chiêu – trụ trì Phúc Tuệ Gia Viên khuyến khích đại chúng, Pháp sư nói có 5 loại chân tâm, khi triều sơn phải mang theo, đó là "tâm cảm ân, tâm chân thành, tâm sám hối, tâm từ bi và tâm hồi hướng", khi tâm thanh tịnh rồi thì tâm mình mới có thể tương ưng với tâm Phật.

Dưới sự hướng dẫn của các Pháp sư, mọi người ba bước một lạy, đồng thinh xướng niệm Phật hiệu, họ từ từ xuyên qua hội trường Lễ Kính, rồi hướng đến đường Đại đạo Thành Phật, sau đó tiến dần về quảng trường Bồ Đề. Mỗi một lạy, khi ngẫng lên họ đều có thể nhìn thấy Phật Quang Đại Phật phía trước như đang vẫy tay mỉm cười từ bi khuyến khích, và từng lạy, từng lạy, họ đã đến gần cõi Phật Tịnh độ.

Pháp sư Từ Dung khen ngợi sự phát tâm của mọi người, có thể tranh thủ thời gian thắp hương triều sơn lễ bái Phật Quán, nhân duyên này rất thù thắng. "Người có tâm thành, Phật có cảm ứng", đem tâm cung kính, tâm kiền thành triều bái, là cách tốt nhất để tiếp ứng tâm Phật. Lễ Phật chính là học tập những đức hạnh từ bi, nhẫn nhục, bố thí, kết duyên… của Phật. Những đức hạnh này đều là thực phẩm dinh dưỡng cho tâm, làm cho tâm thêm sức mạnh. Thế gian dù có thăng trầm thay đổi thế nào đi nữa, chỉ cần hiểu rõ chánh pháp của Phật, tiếp xúc giáo pháp của Phật, mới có thể khiến cho tâm trong sạch, bình ổn an định. Nếu buồn phiền theo cảnh, thì tâm giống như dòng nước đục bẩn, không cách nào nhìn thấy được hình ảnh thanh tịnh chân nguyên.
 
Pháp sư Từ Dung khuyến khích các hội viên, một mặt kinh doanh sự nghiệp, một mặt phát tâm rộng kết thiện duyên. Hơn nữa, bố thí thường là biểu hiện cho sự giàu có của chính mình, người mà "một xu không cho" là người bần cùng. Bố thí ở đây không hạn định nơi đồng tiền, chỉ cần mỉm cười vẫy tay chào hỏi khi gặp mặt nhau là đã kết thiện duyên. Sự nghiệp kinh doanh có thể thành công hay không, cứ nhìn người rộng kết duyên lành thì biết.

Pháp sư Từ Dung còn giới thiệu sơ nét về Kỷ Niệm Quán Phật Đà, nói rõ Phật Quán chủ yếu phụng thờ xá lợi chân thân của Phật Tổ, xá lợi Phật tuy nhỏ, mà đệ tử Phật thì ở khắp năm đại châu, ai ai cũng đều tưởng nhớ đến Phật, đều muốn lễ Phật, muốn tiếp xúc tâm Phật, cho nên cần phải có hội trường lớn, để có nơi rộng chứa và mời gọi họ quay về. Ngoài hàm nghĩa tôn giáo, Phật Quán còn có đủ nội dung sâu sắc về nghệ thuật và văn hóa (đã nói rõ trong bài dịch "Lạc thành Kỷ Niệm Quán Phật Đà"), hoan nghinh mọi người thường đến tham quan.

Khóa tối, các hội viên Hội Cơ Kim Văn Giáo Quan Âm Nam Hải tụng "Kinh Dược Sư" tại Đại hội đường, do Pháp sư Tuệ Đắc – Viện trưởng Nam chúng học bộ Học viện Tòng lâm Phật Quang Sơn chủ lễ. Sau đó, Pháp sư trao tặng bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni để họ kết duyên.

Đoàn thể Hội Cơ Kim Văn Giáo Nam Hải Quan Âm ngoài việc lần đầu đến triều bái Phật Quán, cũng lần đầu lập kỷ lục với hơn 20 chiếc xe du lãm qua đêm tại Phật Quán.

Tiến sĩ Ngô Thiên Trì nói, ông cảm nhận đầy đủ pháp hỷ ở nơi đây, ông cho rằng quá trình xây dựng Phật Quán tuy vô cùng gian nan, nhưng toàn cảnh lại rất giản đơn mà rộng thoáng, khiến cho tâm mình dễ dàng lắng đọng và an tĩnh. Mỗi lạy đều cảm thấy như gần với Đại Phật, cảm nhận được sự kêu gọi của Phật, và cũng bởi sự thay đổi của ánh hào quang từ Bát Tháp, Tứ Thánh Đế Tháp, Chánh Quán, cho nên ngắm xem vô cùng thù thắng.