Trang chủ Thời đại Truyền thông “Đánh thức” di sản nhờ công nghệ

“Đánh thức” di sản nhờ công nghệ

106

Áp dụng thành tựu khoa học công nghệ là câu chuyện ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong đời sống văn hóa, nghệ thuật. Với bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng không là ngoại lệ.


Công nghệ giúp mở thêm những cánh cửa mới, hấp dẫn hơn về một lĩnh vực vốn bị mặc định là ít và khó nhận được sự quan tâm của số đông hiện nay.

Những ngày qua, nhiều người quan tâm đến di sản văn hóa –  kiến trúc đã bất ngờ đến sửng sốt khi Tiến sĩ Trần Trọng Dương và các thành viên của SEN Heritage công bố mô phỏng kiến trúc chùa Diên Hựu – chùa Một Cột bằng công nghệ VR3D (công nghệ thực tế ảo).

Giả thiết cho rằng chùa Diên Hựu – chùa Một Cột là trung tâm quần thể kiến trúc mô phỏng một tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo đã được TS Trần Trọng Dương ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm công bố từ nhiều năm trước, dựa trên cơ sở kế thừa thành tựu của PGS Ngô Văn Doanh và PGS Nguyễn Duy Hinh. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, nhóm kiến trúc sư và công nghệ hiện thực hóa giả thiết và dựng kiến trúc này trên không gian số.

Chùa Một Cột vốn đã nổi tiếng trong tâm thức trong nhiều thế hệ người Việt trở nên lạ lẫm, rực rỡ, lộng lẫy khác thường trong không gian số. Người chiêm ngưỡng không chỉ ngạc nhiên đến choáng ngợp trước một diện mạo mới của một di sản kiến trúc đặc biệt như chùa Một Cột, mà còn cảm nhận được sự đồ sộ, kỳ vĩ và tự hào hơn về những thành tựu của cha ông, của đất nước.

Theo ê kíp thực hiện, chùa Diên Hựu – chùa Một Cột trong không gian số được xây dựng dựa trên các kiến thức, số liệu cụ thể. Mô phỏng kiến trúc chùa Diên Hựu – chùa Một Cột bằng công nghệ VR3D là một phần của một dự án văn hóa chuyên nghiên cứu, quảng bá và đề xuất ứng dụng di sản Việt Nam vào đời sống xã hội hiện tại của SEN Heritage.

Dự án do nhóm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, họa sĩ, và các bạn trẻ yêu thích văn hóa cổ truyền Việt Nam thành lập, trong đó có TS Trần Trọng Dương. Sản phẩm chính của nhóm là mẫu công trình kiến trúc, vật phẩm văn hóa và phần mềm thăm quan, phục vụ công tác bảo tàng (trình bày thực tế ảo, thuyết minh), và phục vụ giáo dục kiến thức lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhà trường.

Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp công chúng hình dung rõ hơn, sống động hơn về những công trình kiến trúc từng là niềm tự hào của cha ông trong quá khứ nhưng hiện nay chỉ được biết đến một phần qua nhưng hiện vật còn sót lại, qua những ghi chép chưa đủ đầy.

Dự kiến, sau chùa Diên Hựu- chùa Một Cột, nhóm sẽ còn tái lập nhiều các di sản kiến trúc- mỹ thuật thời Lý Trần trên không gian số: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí, …

 

Mô phỏng kiến trúc chùa Diên Hựu – chùa Một Cột trên không gian số của TS Trần Trọng Dương và các thành viên của SEN Heritage.

Thực tế, những nỗ lực nhằm phát huy những di sản của quá khứ đang được khá nhiều đơn vị, nhóm nghiên cứu triển khai trong vài năm trở lại đây. Viện Bảo tồn di tích đã bước đầu vận hành thử nghiệm trang Ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích với mong muốn chia sẻ và quảng bá về di tích Việt Nam.

Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội triển khai đưa công nghệ ảo 360 độ vào phục vụ du khách. Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… cũng áp dụng công nghệ trong nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, số hóa tư liệu…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc mô phỏng kiến trúc chùa Diên Hựu – chùa Một Cột bằng công nghệ VR3D (công nghệ thực tế ảo) có tác động trực quan, sinh động, hấp dẫn và làm cho di sản lộng lẫy và thấy tự hào hơn về di sản cha ông, đưa di sản dễ tiếp cận hơn với số đông, phát huy tốt hơn giá trị của di sản này trong đời sống đương đại.

Về vấn đề này, PGS.TS.Phạm Hùng Cường cho rằng, việc bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0 sẽ có những thay đổi lớn so với giai đoạn trước. Với sự hỗ trợ của công nghệ, cách thức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị sẽ có những cách làm mới hiệu quả, chính xác hơn và đặc biệt việc phát huy giá trị của di sản sẽ có nhiều cách tiếp cận mới hấp dẫn hơn.

Với công tác nghiên cứu, đào tạo cho ngành bảo tồn, ngành: “Khoa học và công nghệ trong bảo tồn các di sản văn hóa” là ngành đào tạo đã được hình thành sớm ở các nước phát triển. Các nội dung sử dụng đến các công nghệ hiện đại là: Can thiệp chẩn đoán, đặc biệt liên quan đến việc xác định các phương pháp, vật liệu, phép đo và kỹ thuật để bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa; Quy hoạch bảo tồn, quy hoạch và tổ chức các bảo tàng khoa học, thành phố khoa học, triển lãm khoa học; Triển khai các hệ thống công nghệ thông tin để xử lý dữ liệu di sản văn hóa. Thực tế khoảng 10 năm gần đây, các xu hướng sử dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin cũng đã được đưa vào Việt Nam.

Nhiều phần mềm, công nghệ mới đã được giới thiệu, sử dụng trong các lĩnh vực xây dựng trong đó có công tác bảo tồn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải dùng công nghệ 4.0 để cổ súy cho xu hướng du lịch ảo. Không có gì thay thế được sự trải nghiệm của con người. Dù rằng, thực tế ảo giúp chúng ta hình dung tốt hơn về quá khứ để gìn giữ những đặc trưng, dấu ấn, giá trị văn hóa của quá khứ. Công nghệ giúp truyền bá thông tin nhanh và rộng hơn tới cộng đồng để khuyến khích tới điểm đến…


N.Nguyễn/CAND