Trang chủ Quốc tế Đạo Phật tại Hàn Quốc

Đạo Phật tại Hàn Quốc

262

Đạo Phật do một nhà sư tên là Sundo đến từ triều Tiền Tần Trung Quốc du nhập vào Hàn Quốc năm 372 sau CN – thời kỳ vương quốc Goguryeo. Năm 384, nhà sư Malananda đã đưa đạo Phật vào Baekje từ bang Đông Tấn Trung Quốc. Ở vương quốc Silla, nhà sư Ado từ vương quốc Goguryeo đã truyền bá đạo Phật vào khoảng giữa thế kỷ 15. Đạo Phật dường như được giai cấp thống trị của cả ba vương quốc ủng hộ vì nó là chỗ dựa tinh thần phù hợp với cơ cấu thống trị thời bấy giờ với Đức Phật là biểu tượng thờ cúng duy nhất giống như vua là người nắm quyền hành duy nhất.


Dưới sự bảo trợ của hoàng tộc, nhiều chùa và miếu thờ được dựng lên, số lượng tín đồ Phật giáo không ngừng tăng nhanh. Vào thế kỷ thứ sáu, các nhà sư và các thợ thủ công di cư sang Nhật Bản với các cuốn kinh và vật thờ đã hình thành cơ sở của nền văn hoá Phật giáo ở Nhật.


Vào thời kỳ Silla thống nhất các vương quốc trên bán đảo Triều Tiên năm 668, vương quốc này đã đưa đạo Phật trở thành quốc đạo, mặc dù hệ thống chính quyền vẫn theo cơ cấu đạo Khổng. Sự ưu đãi của Hoàng tộc đối với Đạo Phật trong giai đoạn này đã tạo nên sự bùng nổ các tác phẩm nghệ thuật mang tư tưởng Phật giáo cũng như các kiến trúc đền chùa, trong đó có Đền Bulguksa, cùng các miếu thờ khác ở Geyongju, thành đô của vương quốc Silla. Sự tôn sùng của Nhà nước đối với đạo Phật bắt đầu suy thoái vì giới quý tộc đắm chìm trong những thói vui chơi của cuộc sống xa xỉ. Đạo Phật lúc đó hình thành nên môn phái Seon (trong tiếng Nhật là “zen” có nghĩa là thiền) để tập trung vào tìm kiếm sự thật của vũ trụ thông qua cuộc sống đạm bạc.


Những người cai trị kế vị triều đại Goryeo thậm chí còn nhiệt tình hơn trong việc ủng hộ tôn giáo. Trong suốt thời kỳ Goryeo, nghệ thuật và kiến trúc mang phong cách Phật giáo tiếp tục phát triển với sự hỗ trợ của các tầng lớp thượng lưu. Tripitaka Koreana được sinh ra trong thời kỳ này. Khi Yi Seong- gye, người sáng lập ra triều đại Joseon, khởi xướng cuộc nổi dậy và tự tuyên bố lên ngôi vua năm 1392, ông đã cố gắng loại bỏ mọi ảnh hưởng của Phật giáo ra khỏi chính quyền cai trị và đưa đạo Khổng trở lại như những nguyên tắc chỉ đạo cho việc cai trị đất nước và những nền tảng đạo đức. Trong suốt năm thế kỉ trị vì của triều đại Joseon, bất kì nỗ lực nào nhằm làm sống lại Đạo Phật đều bị coi là chống lại các học giả và quan lại theo đạo Khổng.





Khi Nhật Bản dùng bạo lực quân sự để lật đổ Joseon, đặt vào đó chế độ cai trị thực dân năm 1910, Yi Seong- gye đã cố gắng đồng hoá các trường phái đạo Phật ở Hàn Quốc với các trường phái đạo Phật ở Nhật Bản. Mặc dù vậy, ông đã không thành công, và thậm chí còn làm sống dậy niềm tin ở những người Hàn Quốc theo đạo Phật. Những thập kỷ trước có thể xem như thời kỳ phục hưng của đạo Phật và đã có những nỗ lực để thích ứng với sự thay đổi xã hội hiện đại. Đa số các nhà sư đều ở lại trong vùng núi để tu hành, đắm mình trong giáo luật tự giác và thiền, một số khác đi đến các thành phố để truyền đạo. Có rất nhiều nhà sư đi theo con đường nghiên cứu học thuật về tôn giáo ở các trường đại học trong và ngoài Hàn Quốc. Đạo Phật Hàn Quốc có xu hướng Seon (thiền định) đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều phật tử trong đó có nhiều người nước ngoài qua các bài giảng tại chùa Songwangsa ở tỉnh Jeollanam-do, các trung tâm Seon ở Seoul và nhiều tỉnh thành khác.