Trang chủ Văn học Đâu chỉ Đào Nguyên có cội đào

Đâu chỉ Đào Nguyên có cội đào

236

Đào nguyên, Thiên Thai, Niết bàn… ở đâu? lúc nào?
Và Đào nguyên (nguồn đào) có khác với Tiên nguyên (nguồn tiên)? Hoa đào là mùa Xuân hay còn là gì khác nữa? Khi mà Thi Phật Vương Duy phải thốt lời bi cảm trong Đào Nguyên Hành:

Xuân lai biến thị đào hoa thuỷ
Bất biện tiên nguyên hà xứ tầm.
(Xuân về tuôn nước đào hoa
Tìm nguồn tiên ấy biết là nơi đâu?).


Đang khi Xuân về tuôn nước đào hoa, ta lại nhớ chuyện Đào nguyên. Mỗi người có một nguồn đào khác nhau và những giấc mộng khác nhau.

Theo dòng nước đào hoa mùa này, tôi gặp gỡ Hải Lượng Đại Thiền sư (tức Ngô Thì Nhậm), cũng như người đã từng gặp chủ nhân núi Thiên Thai trong mộng.

Mộng, hay tự bày ra mộng thì cũng thế (Dư thiết vi mộng dã).

Tự bày ra mộng mà chơi, người soạn nên bài phú Mộng Thiên Thai, một trong những bài phú tuyệt vời nhất xưa nay.

Kể rằng: Ta đang ẩn náu ven mây thì có khách phương xa đến thăm. Khách nói: Ta là chủ nhân núi Thiên Thai…, muốn đưa ông đến núi ta mà ngao du.

Ta hỏi: Bạn có phải là chủ nhân của Lưu Nguyễn không…? Họ đã cùng bạn giao kết bao đời, sao còn tìm đến ta làm gì?

Khách kêu lên: Kiến thức con ếch! Núi Thiên Thai của ta đâu là núi của Lưu Nguyễn… Ta làm sao dắt ông đến làng “vô hà hữu” (không có đâu)?… Đây là núi mà ba vị tổ Trúc Lâm từng ghé qua truyền đạo và là nơi ta giác ngộ… Ông nên theo Tam Tổ mà học đạo từ bi.

Và người nằm mộng đã đáp lời khách như sau:

Có đôi khi:
Đất trời không hẹp
Non nước mời nhau
Chiếc bầu quẩy tứ xứ
Tay áo phất ba đào
Nhà ngụ trong vũ trụ
Cánh hồng bay vút cao
Bạn về chăm núi bạn
Đợi ta về tiêu dao
Nhân gian gặp gỡ duyên tiền định
Đâu chỉ Đào nguyên có cội đào?


Đó là phỏng dịch. Nguyên văn thế này:

Kỳ hoặc:
Thiên địa vô ải
Giang sơn tương yêu
Quải nhất biều hề thảng dương
Phất lưỡng tụ hề du ngao.
Biến vũ trụ dĩ vi lư
Phù hà hệ hồ hồng mao
Ngô tử điểm kiểm tư sơn
Đãi ngô tiêu dao
Nhân sinh giải cấu giai tiền định
Khởi trực Đào nguyên năng thụ đào?


Mộng Thiên Thai ở Ngô Thì Nhậm (1746-1803) không chỉ là giấc mộng Đào nguyên. Theo gương cha là Ngô Thì Sĩ, cả đời người ôm mộng thi thiết “Tam giáo nhất nguyên”. Vượt lên hầu hết các nhà nho đồng thời, người có cái nhìn nhất nguyên rực sáng. Cái nhìn ấy soi chiếu cả vũ trụ và nhân gian. Vũ trụ là một nên Tam giáo là một. Bao nhiêu thanh âm cũng chỉ là một tiếng lời. Cả những nơi mà người ta thấy biệt lập, người cũng xem là nhất nguyên, chẳng hạn như hai lãnh vực văn và võ. Trả lời thái độ thiển cận của Ngô Văn Sở, người nói: “Không thể tách văn ra khỏi võ. Văn võ chỉ là một”.

Chính cái nhìn nhất nguyên về vạn sự ấy đã biến Ngô Thì Nhậm thành Hải Lượng Đại Thiền sư. Và tư tưởng kỳ diệu ấy đã thể hiện thâm trầm diệu vợi trong thiền thư Đại Chân Viên Giác Thanh, nơi người luận bàn về 24 thanh của trời đất cũng như con người. Những thanh âm ấy gọi chung là Nguyên thanh, là Tiếng, là Lời, là Nguyên ngôn, là Logos của sự sống. Sau này, tác phẩm ấy trở thành phần chính văn của bộ sách nhiều người soạn là Trúc Lâm TôngChỉ Nguyên thanh. Ở đây, khi nhắc đến bộ sách này, ta sẽ gọi tắt là Nguyên thanh.

Đọc Mộng Thiên Thai trong ánh sáng của Nguyên thanh, ta sẽ thấy tầm vóc phi thường của Ngô Thì Nhậm – Hải Lượng Đại Thiền sư.

Có đôi khi
Đất trời không hẹp,
Non nước mời nhau.


Làm sao nghe được tiếng gọi mời (tương yêu) của đất trời, của nước non?

Tiếng lời ấy, thanh âm ấy chính là tiếng lời mà Hải Lượng gọi là “Tiếng lời của cái thấy”, tức Kiến thanh. Thấy mà biết. Cái mà ta nghe được là Tiếng của Đạo. Đạo thì vô hình nhưng phát ra thì như thanh phát ra. Cái Nguyên thanh đó ta nghe được vì ta cũng có tinh thần và chân thân như vũ trụ. Nhiều người hỏi chân thân của mình, Hải Lượng đáp:

Nguyên tinh là Thần
Nguyên khí là Thân
Thần giáng nguyên ấy
Ta có chân thân.
(Nguyên tinh ngô thần
Nguyên khí ngô thân
Thần giáng kỳ nguyên
Ngô thân nãi chân)


Cho nên non nước với ta bình đẳng, phát ra lời mời, mời nhau đi chơi. Và tất nhiên ta nhận lời.

Chiếc bầu quẩy tứ xứ
Tay áo phất ba đào
Nhà ngụ trong vũ trụ
Cánh hồng bay vút cao.


Ta đi chơi. Quẩy bầu, phất tay áo mà đi chơi. Đi theo tiếng gọi của Lưu động thanh. 

Lưu thì như suối chảy cuồn cuộn, động thì như gió dâng phơi phới. Trên đời không có gì không trôi, không động.

Hải Lượng đưa ra một kiến giải độc đáo: Cái trôi và cái động ấy chính là luân hồi:

“Một năm có cái luân hồi của một năm, một tháng có cái luân hồi của một tháng, một ngày có cái luân hồi của một ngày… Thích Ca chuyển bánh xe Vô ngại, Khổng Tử chu du vòng quanh các xứ, đó là luân hồi”.

Ngày tháng là luân hồi, là lữ khách trong trời đất. Ta làm lữ khách, phiêu du vào cuộc luân hồi.

Theo nghĩa đó, ta luân hồi trong niềm vui ngây ngất, thoả thích rong chơi, xem vũ trụ là nhà. Không còn ràng buộc nào, ta tung bay tuyệt vời như một cánh hồng lừng lẫy.

Ôi, tiếng gọi của Trôi, tiếng gọi của Động!
Bạn về chăm núi bạn
Đợi ta về tiêu dao.


Bạn là chủ nhân núi Thiên Thai ư? Ừ, thì bạn có núi của bạn, có cuộc chơi của bạn, và có cả sự giác ngộ của bạn nữa.

Nhưng xin bạn chờ đợi. Ta có, tất nhiên cũng có non nước của mình, Thiên Thai của mình, phải vậy không?

Rồi ta sẽ có cuộc tiêu dao chung. Nhưng trước hết, mỗi người tự chăm ngọn núi của mình. Mời là mời nhau (tương yêu), không có cái mời nào đơn phương. Cái mời đơn phương không phải là mời. Tôi đến với bạn là đang mời bạn gặp tôi.

Đó là ý nghĩa của “đợi” – Đãi ngô tiêu dao.
Đợi là Tịch nhiên vô thanh: tiếng gọi của lặng lẽ vô thanh.


Trong tiếng gọi ấy, sách Nguyên Thanh viết: “Phượng Hoàng không kêu, hễ kêu thì người ta kinh ngạc… Nhưng tiếng kêu đã chứa đựng từ trong chỗ không kêu. Đào Uyên Minh có cái đàn mộc không dây nhưng tinh thần âm luật là ở đấy”.

Cũng vậy, trong chờ đợi đã có gặp gỡ.

Gặp nhau không chỉ khi tỉnh thức. Trong mộng vẫn có thể gặp nhau. Và đó mới là cuộc gặp gỡ sâu xa, một hẹn hò bí ẩn đầy tình yêu.

Gặp nhau không chỉ khi đối diện. Thực ra, có khi đối diện mà chẳng hề gặp nhau. Có duyên thì ngoài ngàn dặm vẫn gặp nhau mà.

Và gặp gỡ thì phải có nhân duyên chứ.
Nhân gian gặp gỡ duyên tiền định
Đâu chỉ Đào nguyên có cội đào?


Bao giờ cũng thế, nhân duyên và tiền định làm sao mà không u huyền, bí ẩn. Đó là tiếng lời của ẩn dấu (Tàng thanh)

Trong Tàng thanh, Hải Lượng Đại Thiền Sư nói: “Trời đất khéo dùng âm…, biết đạo mà ở trong bóng tối, đó là Thần, Phật, Thánh hiền khéo dùng âm vậy. Cho nên đạo trời đất quý ở u, vi, bí, ẩn”.

Nếu mà không phải vậy, không có u huyền, nếu mọi cuộc gặp gỡ đều được biết trước thì đời sống còn gì vui?

Nếu như cội đào chỉ trồng được một lần và ở một nơi duy nhất? Nếu như trên đời chỉ có mỗi một người thành Phật?

“Khởi trực Đào nguyên năng thụ đào” có nghĩa là, há chỉ Đào nguyên mới trồng được đào?
Cội đào không chỉ là cội đào. Đó chính là cội nguồn mà ta muốn khám phá trong ta. “Thụ đào” (trồng đào) trong câu thơ trở thành biểu tượng cho việc gầy dựng những mảnh đất đầy hoa.


Trong Tàng thanh, Hải Lượng lại nói:

“Trăm hoa nở  sớm mai, muôn cây nứt chiều hôm, đó là trời đất khéo dùng âm”.

Và nơi đâu ta trồng được cội đào là nơi đó ta nghe thấy tiếng gọi ẩn giấu của trời đất.

Chính tiếng gọi đó đã xui cho hoa đào nở những nụ đầu tiên trong gió mưa hung hãn như một bài Haiku mùa Xuân đã cho thấy:

Cuồng dại gió mưa 
Giữa chừng vẫn nở
Đào hoa đầu mùa.
 (Amekaze no
araki hima yori
hatsu Zakura).
                     Chora


Đâu chỉ Đào nguyên có cội đào? Giữa gió mưa trần thế đào vẫn ra hoa. Đứng trên thềm địa ngục, nhà thơ của Tịnh độ là Issa vẫn nhìn thấy hoa đào chói lọi.

Đâu chỉ ở Đào nguyên? Rót rượu mời khách, gõ án mà hát vang: “Chơi Đào nguyên, hẹn cùng Thiên Thai… Ai người biết đài thiêng của trái tim ta? Trái tim ta đối cùng chính khí… Ca xong một bài, rót thêm một chén. Tâm ta bình yên…”.

Đó là lời trong mộng của tác giả. Và rồi:

Bài ca dứt lặng,
Người đi mất rồi.
Giấc mộng tàn, chợt tỉnh
Nhưng đâu mộng? đâu người? 
Bởi vì ta đấy
Tự bày ra mộng thôi!
(Ca bãi khách khứ
Dư mộng diệc giác
Tuy nhiên phi mộng dã
Dư thiết vi mộng dã).


Cuối bài Mộng Thiên Thai là tỉnh mộng. Cũng như bài thơ Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt của Lý Bạch. Nhưng thi tiên đời Đường từ mộng quay về thực tại thì buồn bã thở dài:

Hoảng kinh khởi nhi trường ta
Duy giác thời chi chẩm tịch
Thất hướng lai chi yên hà
(Tỉnh ra, hoảng hốt than dài
Gối chăn trơ đó, còn mây khói nào!).


Khác với lời than dài ấy, cái tỉnh giác trong Mộng Thiên Thai thì đầy niềm bình an, hoan lạc. Và dù không nhắc đến tiếng cười nhưng người đọc vẫn nghe dư vang một tiếng cười lồng lộng, một phong cách chơi đùa thượng thừa, chơi đùa bằng mộng: Bởi vì ta đấy, tự bày ra mộng thôi.

Cuộc chơi bày mộng của tác giả thật là kỳ tuyệt, mang đủ hình và khí của Dư thanh (tiếng lời của dư vang), vang vọng như trong hang núi của thời gian. Hay Dư thanh là tiếng của những giấc mơ?

Hoa đào vẫn nở. Hơn hai trăm năm đã trôi qua. Nhìn Xuân có thấy cội đào? Có nghe tiếng lời NGUYÊN THANH của Hải Lượng Đại Thiền sư?