Trang chủ PGVN Cửa thiền ĐĐ. Thích Thanh Vân: Gương sáng tốt đời đẹp đạo

ĐĐ. Thích Thanh Vân: Gương sáng tốt đời đẹp đạo

367

Đồng thời với những công lao và những đóng góp xuất sắc đối với việc đạo-việc đời, đại đức Thích Thanh Vân đã được tặng thưởng:

– Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân.
– Huy chương vì sự nghiệp Chữ Thập đỏ Việt Nam.
– Bằng khen của UBND tỉnh Hải Dương.
– Bằng khen của UBMTTQ tỉnh Hải Dương.
– Bằng khen của hội chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương.
– Bằng tuyên dương công đức của Trung ương GHPGVN.
cùng nhiều phần thưởng khác của các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương….

Ai đã từng về thăm Hải Dương và vãn cảnh chùa, hẳn trong hành trình không thể không đến một nơi mà hàng trăm năm qua được xem là di tích, danh lam thắng cảnh của xứ Đông: Tổ đình Đống Cao (tức chùa Sếu-xã Tân Hưng-TP.Hải Dương). Ngôi chùa đã có tuổi gần 700 năm tuổi, do chính Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông khởi lập từ Thế kỷ 13, khi Ngài hạ sơn và về Trấn Hải Dương. Chùa chính tọa lạc trên gò đống hình Hoàng quy vọng nguyệt-Phượng múa long triều-Thần quy ấp ngọc, nhìn về hướng Đông – Nam, với tổng diện tích khuôn viên chùa trên 1ha.  Phía  trước chùa là Liên Trì (ao sen), xung quanh chùa xưa kia được bao bằng những luỹ tre xanh biếc. Nay được thay thế bằng những bức tường thành xây trang nhã. Vì vậy, chùa Đống Cao từ xa xưa đã là chốn tổ đình gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử…

Đồng hành với Ngôi chùa Đống Cao từ khi khởi lập đến nay đã có 10 đời các bậc cao tăng về đây hoằng đạo và đã trở thành một chốn tổ đình ảnh hưởng của dòng Thiền Trúc Lâm, một biệt phái Thiền tông Việt Nam. Kế thừa và phát huy thiền phái này là thiền sư Chân Nguyên và thiền sư Như Cảm. Các Ngài đã có công lớn truyền thừa khai sáng chốn thiền môn…Tương truyền, xưa kia mỗi khi Thiền sư Như Cảm niệm Phật, chim Sếu cùng nhiều loài chim lạ từng đàn bay về triều tổ, đồng họa Thánh ca Lăng tần già với tiếng chuông nhịp mõ, như cảnh giới Tâp Phương cực lạc được miêu tả trong Kinh A-di-đà. Vì vậy, chùa mới có tên là chùa Sếu. Và nhân dân cũng gọi Thiền sư với cái tên thân kính là Tổ Sếu…Thiền sư Như Cảm hóa thân ngày 17-2 năm Ất Mão(1735). Ngày Hóa nhật của Thiền sư từ đấy trở thành Ngày lễ hội truyền thống của nhân dân trong vùng.

Chùa Đống Cao không chỉ là một công trình kiến trúc văn hóa cổ, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân mà năm 1968, sau khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam và leo thang ra bắn phá miền Bắc, cố Hoà Thượng Trụ Trì đã cùng với anh em bộ đội đào hầm làm lán trại để trực chiến bắn máy bay Mỹ. Đến năm 1970, chùa rất vinh dự đón UBMTTQ tỉnh về sơ tán học tập.…Có lẽ, là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi quy tụ nhân tâm và có tầm ảnh hưởng lớn không những trong tỉnh mà cả trong vùng, nên liên tục sau này, Tổ đình Đống Cao lại tiếp nối với các vị tu hành kiến thức uyên thâm, uy tín về trụ trì như Cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Luân, Ngài về đảm lãnh ngôi trụ trì trong suốt thời gian trên 40 năm. Cố Hoà Thượng liên tục trùng tu xây dựng quy hoạch, kiến tạo cảnh giới. Đặc biệt, vào thập kỷ 90 các công trình đều được mở mang, trang nghiêm tú lệ. Nổi bật là ngôi Tam Bảo được xây dựng đầu năm 1999, nhà thờ Tam Tổ Trúc Lâm và giảng đường được xây dựng năm 2001.

Từ sau khi Hòa thượng Thích Minh Luân viên tịch năm 2003, Đại đức Thích Thanh Vân-Uỷ viên hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (TWGHPGVN).Uỷ viên thường trực Ban hoằng pháp Trung ương. Đương nhiệm Trưởng ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương. Giảng viên Trường Cao – Trung Phật học…đã kế nhiệm. Với vai trò là trụ trì chùa Đống Cao, thầy Thích Thanh Vân đã tiếp tục cùng với Tăng ni Phật tử làm nhiều nghĩa cử cao đẹp, trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trong Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương. Vừa giữ vai trò là trụ trì Tổ đình Đống Cao, lại đảm nhiệm cương vị chính đại diện Phật giáo tỉnh, bằng uy tín của mình thầy đã làm tất cả để thu hút Phật tử gần xa sống “Tốt đời-đẹp đạo”.

Trên cương vị Trưởng ban trị sự lãnh đạo tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hải Dương. Đại đức Thích Thanh Vân  đã đem hết khả năng để phụng sự Đạo pháp – Dân tộc, nhất là tập hợp Tăng Ni – Phật tử đoàn kết hoà hợp, trên nguyên tắc tuân thủ Hiến chương – Nội quy Ban tăng sự TWGHPGVN, cũng như phương châm hoạt động của giáo hội “Đạo pháp dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Tập trung các kỳ bồi dưỡng kiến thức nội điển Phật học – thế học cho Tăng Ni với thời gian mỗi năm 3 tháng. Tổ chức tốt các khóa An cư kết hạ.

Ở tỉnh Hải Dương có 2 trường Hạ, một đặt tại chùa Đông Thuần cho Tăng Ni 5 huyện và 1 thành phố và các huyện còn lại mở tại Tổ đình Đống Cao.Với tâm nguyện của một vị xuất gia tu hành trên chính mảnh đất quê hương, Đại đức Thích Thanh Vân đã dành tất cả cho tăng ni về an cư có đủ mọi điều kiện tốt nhất để tu học. Trong các thời khóa công phu hàng ngày, chư Tôn đức tăng ni nghiêm mật hành trì tinh tấn, vừa kế thừa truyền thống an cư theo lối Phật giáo cổ truyền miền Bắc vừa phát huy tinh thần nhập thế của PGVN.

Cùng với đó, với cương vị và trách nhiện của mình trước Giáo hội và với các cấp chính quyền, đại đức Thích Thanh Vân còn rất chu đáo, tỉ mỷ và thận trọng đối với công tác tổ chức Giới Đàn truyền giới cho các giới tử Tăng Ni (phong chức); Công tác bổ nhiệm trụ trì ( tức quản lý điều hành các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo cho các tín đồ Phật tử tại các cơ sở tự viện của giáo hội),Công tác giáo dục Tăng tài là nhiệm vụ trọng tâm của giáo hội và Công tác hoằng Pháp, hướng dẫn Phật tử tu học đúng chính Pháp trên tinh thần“Tự giác – Giác tha – Giác hạnh viên mãn”.

Cũng trên cương vị người cao nhất của Phật giáo Hải Dương, đại đức Thích Thanh Vân còn được Trung ương GHPG Việt Nam mời tham dự và tham gia nhiều hoạt động Phât sự-xã hội lớn của khu vực và quốc gia. Trong tỉnh thầy cũng luôn thể hiện trách nhiệm cao trong việc tham gia với vai trò là thành viên của ban tổ chức các hoạt động văn hóa, tôn giáo lớn, những lễ hội quan trọng có quy mô trên địa bàn tỉnh. Thầy đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong các nghi thức của tôn giáo hoặc của các lễ hội, đảm trách vai trò chủ trì hành lễ…

Thông qua đó, góp phần đẩy lùi các tập tục mê tín dị đoan. Công tác nghi lễ văn hoá, trùng tu tôn tạo chùa cảnh, bảo tồn Văn hoá vật thể và phi vật thể, góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc. Các hoạt động trên đều được diễn ra thường xuyên trên phạm vi toàn tỉnh, dưới sự trực tiếp lãnh đạo và giám sát của Ban Thường Trực….thầy Vân luôn là người trực tiếp chịu trách nhiệm điều hành trên nguyên tắc “Thống nhất ý chí hành động, thống nhất tổ chức và lãnh đạo” theo hiến chương của Giáo Hội và nội quy Ban tăng sự.

Đại đức Thích Thanh Vân là một nhà sư kế nhiệm trụ trì chùa Đống Cao, từ năm 2003 đến nay, cùng với việc hoàn thành xuất sắc công tác Phật sự, thầy còn có công lao trong việc trùng tu, quy hoạch, đầu tư xây dựng nội tự và cảnh quan ngôi chùa cho tương xứng với lịch sử phát triển và tầm vóc của một trung tâm Phật giáo lớn, một di tích danh thắng không chỉ của Hải Dương mà cả trong vùng.

Các công trình xây dựng đều thể hiện sinh động kết quả hoạt động Phật sự và minh chứng cho sự quy tụ lòng người của tăng ni -phật tử nhằm mục đích tri ân các bậc cao tăng tiền nhiệm, làm đẹp cảnh quan . Số tiền chi phí cho xây dựng không phải là nhỏ , nhưng nhờ công lao của Đại đức cộng với sự phát tâm công đức của nhiều người, nên nay chùa nay được xây dựng khang trang, phật tử và nhiều khách thập phương biết đến.

Đối với bất kỳ bậc tu hành chân chính nào, song hành với Phật sự, các thầy đều tâm nguyện đồng thời luôn là những điển hình, những nhân tố tích cực trong tổ chức thực hiện và thực hiện các hoạt động xã hội, có như vậy, sự nghiệp hành đạo mới thực sự viên thành.

Với truyền thống hơn 2500 năm của Phật giáo, cùng với tăng ni phật tử cả nước, Phật giáo tỉnh Hải Dương cũng luôn đồng hành cùng dân tộc, kế thừa truyền thống Phụng đạo – Yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và là thành viên khối đại đoàn kết dân tộc. Trong những năm qua đại đức Thích Thanh Vân đã động viên toàn thể Tăng Ni – Phật tử đoàn kết cùng với các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh trong thời kỳ hội nhập, đoàn kết tham gia tích cực phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở các làng, khu dân cư… phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu – Nước mạnh – Xã hội công bằng dân chủ văn minh”.

Với năng lực và uy tín của mình, đại đức Thích Thanh Vân đã được tín nhiệm bầu làm thành viên nhiều tổ chức xã hội. Hiện tại, thầy tham gia làm Uỷ viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương khoá XIII. Hội viên tán trợ Hội chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương. Ủy viên UBMTTQ huyện Gia Lộc và xã Tân Hưng – TP. Hải Dương.v.v…Và, cũng với vai trò trách nhiệm ấy, thầy Vân đã được cử tham gia hội nghị phát huy vai trò tôn giáo trong việc phòng chống HIV/AIDS do Ủy ban TWMTTQ Việt Nam tổ chức tại Huế. Cùng với đó các hoạt động nhân đạo, ích nước, lợi dân được Tỉnh Hội Phật giáo nói chung, đại đức Thích Thanh Vân-Tổ đình Đống Cao nói riêng đặc biệt chú ý và đã luôn nhận được sự đồng thuận ủng hộ cao của tăng ni, phật tử.

Thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Lá lành đùm lá rách ” đại đức Thích Thanh Vân cùng Tổ đình Đống Cao đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia các phong trào xã hội, làm công tác từ thiện….Với tâm niệm “cứu một người Phúc đẳng hà sa", trong những năm qua, Thầy đã đã làm và vận động đông đảo tăng ni phật tử trong tỉnh tham gia vào các hoạt động từ thiện như: chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người già cao tuổi cô đơn, gia đình liệt sĩ, các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tham gia xây dựng Quỹ chăm sóc NCT, xây dựng nghĩa trang, đền liệt sĩ v.v…

Thầy Vân cùng nhà chùa nhận trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời bà mẹ Việt Nam anh ở xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Bên cạnh còn làm nhiều việc từ thiện khác như xây dựng một căn nhà tình nghĩa người nghèo ở xã Tân Hưng TP.Hải Dương. Thường xuyên và định kỳ tặng quà cho thương binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng chính sách hàng chục triệu đồng mỗi năm…

Cuộc sống hôm nay dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn, rất nhiều đồng bào nghèo cần được giúp đỡ, thầy Vân cùng tăng ni chùa Đống Cao luôn chung sức chung lòng và tham gia nhiều hoạt động vì người nghèo. Thấy thực tế quanh mình vẫn còn nhiều những trẻ nhỏ lang thang, vất vả , thầy luôn cố gắng tìm cách để bù đắp phần nào những khó khăn ấy. Vì chữ “Tâm”, thầy đã nhận đỡ đầu cháu một nghèo khó không nơi nương tựa.

Công việc tu bổ, cải tạo chùa ngổn ngang nhưng thầy vẫn không quên để ý tới những cháu bé có hoàn cảnh khó khăn…Đại đức Thích Thanh Vân thường nói: Phương châm của Phật giáo là “an trú nội tâm”, thực hành tâm bình đẳng, ngoài việc tụng kinh niệm Phật thì hãy cùng nhau chung tay làm những thiện, giúp người khó khăn cơ nhỡ có cơ hội hòa nhập cộng đồng, tạo công ăn việc làm, bớt đi những nỗi bất hạnh trong xã hội.

Đối với các bậc cao niên, hàng năm nhà chùa tổ chức tặng quà cho các cụ nhân dịp chúc thọ tuổi bạc, tuổi vàng ở xã Tân Hưng, ủng hộ các gia đình chính sách neo đơn, người già khó khăn trong cuộc sống…Ngoài ra còn tham gia các hoạt động khác như khuyến học, khuyến tài, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam…mỗi khoản hàng chục triệu đồng. Ủng hộ xây dựng nhà văn hoá của thôn Khuê Liễu gần 15 triệu đồng.

Là Uỷ viên hội đồng trị sự TWGHPGVN, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo, thành viên UBMTTQ, đoàn thể các cấp, đại đức Thích Thanh Vân từng tham gia làm chủ lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ, tử tù chính trị tại đảo Phú Quốc ; tham gia cùng với đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27-7 năm 2009 tại đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh.Với tinh thần tương thân tương ái, Đại đức Thích Thanh Vân còn chia sẻ, đóng góp tích cực ủng hộ những người bị thiên tai, bão lụt trong nước và thế giới v.v…

Có thể thấy mỗi chương trình, mỗi việc làm từ thiện đã đem đến sự hỗ trợ không chỉ về vật chất mà còn cả về tinh thần. Đó cũng là sợi dây kết nối lòng nhân ái của mọi người để cùng san sẻ những khó khăn. Thầy Vân còn mong muốn qua những hoạt động và việc làm như sẽ tập hợp tình thương của nhiều người hơn nữa để có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho những người nghèo.

Bằng những việc làm ấy, Đại đức Thích Thanh Vân được bình chọn là điển hình tiên tiến giai đoạn 2006-2010 và là đại biểu chính thức của Phật giáo dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Hải Dương lần thứ III.