Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Đề xuất bỏ cụm từ xe hoa, thuyền hoa Phật đản

Đề xuất bỏ cụm từ xe hoa, thuyền hoa Phật đản

128

Thực tế, hầu hết xe hoa Phật đản, thuyền hoa Phật đản trong những năm trước đây đều là xe rước Phật, thuyền rước Phật. Mỗi xe đều trần thiết tượng Phật, ảnh Phật trang nghiêm. Đó là những BÀN THỜ PHẬT DI ĐỘNG, những BÀN THỜ PHẬT CÁCH ĐIỆU, MỸ THUẬT HÓA, ĐA DẠNG HÓA DƯỚI NHIỀU HÌNH THỨC. Đoàn xe hoa, thuyền hoa Phật đản là một đoàn xe rước Phật, đoàn thuyền rước Phật.

Dùng cụm từ xe rước Phật, thuyền rước Phật, thì trong cụm từ đã có động từ “rước”. Không cần phải nói dài dòng là diễu hành hay diễn hành xe hoa Phật đản. Chỉ nói đoàn xe rước Phật, đoàn thuyền rước Phật là đủ ý, lại ngắn gọn, trong sáng, chính xác, dễ hiểu và nhất là hàm ý tôn nghiêm, thành kính, thể hiện qua động từ “rước”.

Cụm từ xe hoa Phật đản, thuyền hoa Phật đản có thể dễ gây hiểu lầm là xe cổ động, xe chào mừng, xe tuyên truyền, cũng như gây ngộ nhận là “cầu vui”. Từ “xe hoa” lại đồng âm với xe dùng trong hôn lễ, tạo sự lẫn lộn trong ngôn ngữ, là đều rất nên tránh. “Hoa” cũng chỉ là một trong những yếu tố trong đoàn xe rước Phật. Ngoài hoa, còn có tượng Phật, ảnh Phật, tượng ảnh thánh mẫu Maya, các chư thiên, cung nữ, quan quân, đạo sĩ A tư đà, tranh vườn Lâm Tỳ Ni, cờ phướn, lư hương, chân đèn, nến, các loại đèn, trái cây… Do vậy, chỉ dùng hoa để gọi đoàn xe rước Phật là phiến diện. Có xe hoa nhưng không có hoa, chỉ có hình Phật, quả địa cầu, trăng sao… Thế mà gọi “xe hoa” là gượng ép.

Dùng cụm từ “xe rước Phật”, “thuyền rước Phật” ngoài việc chính xác về ý nghĩa, nội hàm tôn kính, còn có ý đây là một nghi lễ, lễ rước Phật hoàn toàn không phải là trò vui. Xe rước Phật chính là sự phát triển nghi lễ rước Phật trong lễ Phật đản có từ thập niên 1930 ở Huế. Việc rước bộ chuyển thành rước xe chỉ là thay đổi phương tiện di chuyển cho thích hợp với hoàn cảnh thành phố Sài Gòn, rộng lớn hơn nhiều lần so với Huế. Vì thành phố lớn hơn nên phải dùng xe, tốc độ nhanh hơn để đi qua được nhiều đường phố, tạo duyên lành cho nhiều người chiêm ngưỡng bái kính đức Phật.

Nay dùng lại từ rước Phật cũng là điều hợp lý. Như vậy, đây không phải là sự thay đổi từ ngữ, mà chỉ là sự trở về với một từ ngữ thích hợp.

Trong lễ tang Hòa thượng Thích Trí Tịnh, chúng ta thấy có xe rước Phật. Hình thức xe rước Phật ở lễ này không có gì khác xe hoa Phật đản, nhưng chúng ta không gọi xe hoa. Vì vậy, thống nhất gọi tất cả là xe rước Phật là điều phù hợp.

Xe rước Phật có thể sử dụng không chỉ trong lễ Phật đản, mà sử dụng trong tất cả mọi trường hợp rước Phật, kể cả  lễ tang, lễ cung nghinh bài vị, lễ rước xá lợi… Rước Phật là một nghi lễ, vì vậy xe rước Phật là phương tiện nghi lễ.

Điều xin được nhấn mạnh ở đây, khi coi xe rước Phật, thuyền rước Phật là một nghi lễ thì phải hết sức trang nghiêm, kính ngưỡng, tôn trọng, KHÔNG PHẢI MUỐN BỎ LÀ BỎ, MUỐN LÀM LÀ LÀM, KHÔNG ĐƯỢC COI LÀ TRÒ VUI, BỎ XE RƯỚC PHẬT LÀ BẤT KÍNH, LÀ PHẠM VÀO NGHI LỄ.

Xe rước Phật, thuyền rước Phật là một hình thức cung nghinh ảnh tượng Đức Phật đến với mọi người, rước hình ảnh Phật đến mọi phố, mọi nhà. Đó là một thực tế cần được tôn trọng. Đó là sự hòa nhập nghi lễ của đạo Phật với niềm vui chung của cộng đồng, của toàn xã hội. Vì vậy, cần hết sức quý trọng.

Xác định cụm từ mới xe rước Phật, thuyền rước Phật chúng ta không bỏ qua tác dụng truyền thông, cổ động, chào mừng của đoàn xe. Những xe làm nhiệm vụ cổ động, truyền thông, chào mừng, có thể do cá nhân tự trang trí thì đi sau những xe rước Phật. Đoàn xe nên có xe trang trí lư trầm tỏa hương mở đầu để tôn cao sự kính ngưỡng, sau đó là các xe rước Phật, trang trí bàn thờ, ảnh tượng Phật có thể cách điệu, mỹ thuật hóa, phục dựng hình ảnh từ kinh điển. Sau đó nữa sẽ là các xe cổ động, hưởng ứng, truyền thông chào mừng. Tất nhiên, những xe sau có vai trò phụ.

Một lần nữa, xác định XE RƯỚC PHẬT LÀ MỘT NGHI LỄ (1), THÌ PHẢI TRANG NGHIÊM CUNG NGHINH MỖI MÙA PHẬT ĐẢN. (2).

MT

(1)    Nhiều chùa tại TPHCM trên lộ trình xe rước Phật đã bày hương án nghênh đón. Điều này cho thấy xe rước Phật là một nghi lễ trang nghiêm, long trọng.
(2)    Phản hồi, thông tin riêng: [email protected], facebook.com/cusiminhthanh.