Trang chủ PGVN Cửa thiền Đến chùa tu rèn đạo đức, học ngoại ngữ

Đến chùa tu rèn đạo đức, học ngoại ngữ

106

Nằm trong làng quê đang mùa vụ thơm mùi rơm mới và âm thanh rộn ràng của máy tuốt lúa, chùa Phúc Nghiêm (thuộc thôn Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn giữ vẻ yên ả, thanh bình của chốn tu hành. Tiếng chuông chùa và tiếng cầu kinh Phật như thức dậy điều thiện tâm trong mỗi con người.

Đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng cách đây  trên 500 năm, được gọi là Phúc Chí Hoa Nghiêm Tự. Đến đầu thế kỷ XVIII, đời vua Gia Long năm thứ 11 đã cho đúc chuông, đúc khánh và xây dựng lại chùa. Trải qua thời gian, tới năm Mậu Thìn, vua Khải Định lại cho sửa và mở rộng khuôn viên chùa. Mấy thế kỷ trôi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, chùa Phúc Nghiêm vẫn tồn tại cùng với lịch sử đấu tranh cách mạng. Trong dòng chảy lịch sử đó, chùa Phúc Nghiêm là nơi che chở đời sống tinh thần, tâm linh cho nhân dân Thuần Mỹ. Bởi thế, bà con nhân dân đã cùng với chính quyền, các sư trụ trì của chùa, tôn tạo, biến di tích thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa lành mạnh.

Từ năm 2011, nhà chùa mở lớp học tu rèn đạo đức cho thanh thiếu niên vào các chủ nhật cuối tháng, dạy các em nếp sống, lối sống lành mạnh, bảo tồn những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc, hướng đến đời sống đạo đức chân-thiện-mỹ, xa rời các tệ nạn tiêu cực của xã hội. Riêng trong 3 tháng hè, nhà chùa còn mời các giảng viên đến dạy tiếng Anh cho các em hết trình độ A.

Đại Đức Thích Minh Nguyên cho biết: “Chúng tôi mong muốn góp phần giáo dục để thanh niên có phẩm chất tốt, có lý tưởng sống đẹp, có ý thức về giá trị văn hóa truyền thống và có khả năng xây dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc. Nếu giúp được thanh niên thấy được giá trị của chính mình và cống hiến giá trị ấy cho đời, đó là cách làm cho nguyên khí của quốc gia hưng thịnh, đó cũng là một cách làm “hộ quốc an dân, tốt đời đẹp đạo”

Là người rất tâm đắc với chương trình giáo dục thanh thiếu niên về đạo đức, lối sống và kiến thức văn hóa, sư thầy Thích Đạo Duân đã dành khá nhiều công sức để tu bổ, xây dựng khuôn viên rộng rãi, đẹp đẽ của lớp học trong ngôi chùa, đồng thời bảo tồn những giá trị truyền thống của chùa Phúc Nghiêm. Thầy Duân cho biết, từ sau lần trung tu chùa Phúc Nghiêm của vua Khải Định cách đây 200 năm, tới năm 1995 nhà chùa cùng nhân dân đã tu sửa lại chùa và năm 2005 trùng tu lại lần nữa, đặc biệt đã dành riêng không gian rộng rãi để tổ chức lớp học và các hoạt động văn hóa, hoạt động từ thiện. Những hoạt động này đã được sự ủng hộ của chính quyền và các tổ chức đoàn, thể bởi không những đã phát huy được sức mạnh đoàn kết mà còn tạo nên một nếp sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ.

Ông  Đặng Hữu Tình, Chủ tịch MTTQ xã Trạch Mỹ Lộc nói: “Chúng tôi thấy các hoạt động giáo dục lớp trẻ như thế rất hữu ích nên luôn ủng hộ các thầy, xem như một hình thức phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong nhân dân…”

Thuần Mỹ- quê hương giàu truyền thống cách mạng là nơi có nhiều danh nhân tiêu biểu từng hoạt động cách mạng trên mảnh đất này như cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhà cách mạng Khuất Duy Tiến – cũng là người con của Thuần Mỹ. Bà con nhân dân ở đây đã rất tích cực trong việc tôn tạo di tích nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ông Nguyễn Văn Nghiên, Trưởng thôn Thuần Mỹ cho biết: “Thuần Mỹ có một ngôi chùa và một ngôi đình, đều là những nơi sinh hoạt văn hóa và cũng là nơi còn nhiều dấu tích lịch sử cách mạng. Làng đã được mang danh là làng truyền thống cách mạng nên ngày nay chúng tôi phải cố gắng phát huy. Việc làm của nhà chùa cũng là một cách phát huy  tốt…”

 

 

Được tiếp thu những kiến thức, những điều răn dạy về đạo đức, về tấm lòng nhân ái và tham gia các hoạt động từ thiện như đóng góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt miền trung, em Kiều Thu Uyên, học sinh lớp 7A trường THCS Trạch Mỹ Lộc nói: “Cháu rất vui được học ở lớp tiếng Anh và tham gia các sinh hoạt tại chùa. Cháu được hiểu hơn rằng còn nhiều bạn khó khăn hơn mình mà bạn vẫn vươn lên trong cuộc sống. Cháu lại được cùng các bạn quyên góp để ủng hộ nhân dân vùng bão và trẻ em thiệt thòi. Những việc đó thật ý nghĩa với cháu…”

Cũng như nhiều thầy cô giáo  khác được tham gia dạy học từ thiện, cô giáo Kim Thị Hạnh 27 tuổi, giáo viên trường PTTH Hợp Đức- Vân Cốc đã tìm được niềm vui, hạnh phúc trong công việc này: “Mặc dù công việc dạy học ở trường cũng rất bận, nhưng tham gia dạy học từ thiện ở chùa đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Tôi thấy rằng có những em học sinh đặc biệt khó khăn đã được nhà chùa giúp để em học hành, đó là điều hạnh phúc với em. Tôi cũng cố gắng để nhân thêm hạnh phúc ấy…”

Không chỉ vẻ đẹp thanh tịnh nơi chùa chiền hấp dẫn người dân đến đây mà chính những hoạt động văn hóa ý nghĩa đã cuốn hút cả các cha mẹ học sinh, các thấy cô giáo và các bạn trẻ, khiến họ cùng chung tay làm những việc thiện, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, ngập tràn tình yêu thương.