Trang chủ Quốc tế Đi qua nóc nhà thế giới – Kỳ 3: “Tam bộ nhất...

Đi qua nóc nhà thế giới – Kỳ 3: “Tam bộ nhất bái” – con đường khổ hạnh

50

Tây Tạng chỉ có dân số khoảng sáu triệu người, nhưng có đến 16.000 tự viện. Đó là một con số vĩ đại cho vùng đất với mật độ dân số khoảng 2km2/người. Trải qua bể dâu lịch sử, nhiều tự viện bị tàn phá. Thế nhưng, Phật giáo Tây Tạng vẫn luôn là một pháo đài sừng sững trong tâm linh của người Tạng. Trong tận cùng khắc nghiệt của thiên nhiên và biến động lịch sử, người Tạng vẫn giữ niềm thuỷ chung với tôn giáo thiêng liêng. Và ngược lại, tôn giáo như chiếc cầu giải thoát họ khỏi những sợ hãi giữa thiên nhiên hoang dã. Trên khắp các nẻo đường xuyên qua vùng núi thẳm, chúng tôi thực sự bất ngờ về những cuộc hành hương. Đó là cách thể hiện niềm tin mãnh liệt nhất, khổ hạnh nhất.









Một thanh niên người Tạng đang thực hành “tam bộ nhất bái” về Lhasa


Tam bộ nhất bái


Hôm từ hồ Namtso trở về, chúng tôi gặp bốn thanh niên Tạng. Họ xếp thành một hàng dài. Hai tay chắp trên đầu theo thế liên hoa. Sau đó, cả bốn cùng lạy đổ dài người xuống đường. Hai chiếc guốc đeo trên đôi tay có tác dụng như hai bánh xe giữ cho da tay đỡ xây xát và dễ chuồi người về phía trước. Bốn bề tuyết phủ trắng xoá. Hàn thử biểu đã tụt xuống âm 200C. Gió ùa ra từ các khe núi. Mặc! Họ vẫn thực hành đúng nghi thức “tam bộ nhất bái”, tức đi ba bước, lạy một lạy.


Panjor, một thành viên trong nhóm cho biết cả bốn là người cùng làng ở phía nam Tây Tạng đang trên đường hành hương về Lhasa. Họ đã đi được hai tháng 20 ngày. Hành trang mang theo là ít tiền từ việc bán lúa mạch sau vụ mùa, vài đôi guốc đeo vào tay để trượt trên đường dài, một tấm da trâu Yak đeo trước ngực để tránh gió và xây xát, hai miếng cao su bịt ở mũi giày. Ngày đi, đêm nghỉ. Nếu gặp tự viện hay nhà dân ven đường, những người hành hương sẽ có nơi tá túc. Nếu không, những hốc núi là nơi trú chân của họ, vừa tránh rét, vừa tránh thú dữ.


Phần lớn người Tạng đều xem hành hương về kinh đô xưa Lhasa để nhìn nơi ở của Phật sống là chuyến đi bắt buộc phải có trong đời. Theo Panjor, mỗi chuyến hành hương thường dài khoảng một năm trời. Không ít người đã bỏ xác trên những nẻo đường hành hương. Thế nhưng, người Tạng vẫn tin rằng những người ấy được chết thanh thản vì họ đã đi một chuyến đi ý nghĩa của cả một đời người.


Sau khi tặng ít lộ phí và thức ăn cho những nhóm thanh niên, chúng tôi tiếp tục lên đường. Bốn chàng trai vẫn chuồi người xuống đường tiếp tục cuộc hành hương. Tôi nhẩm tính với cách di chuyển “tam bộ nhất bái” tốc độ 8km/ngày thì chỉ cần ngủ một giấc trên xe là chúng tôi đã vượt qua quãng đường bằng những người hành hương di chuyển hàng tháng trời. Tôi nhớ câu chuyện về Thánh tăng Hư Vân gần 170 năm trước. Người đã “tam bộ nhất bái” để thể hiện tấm lòng báo hiếu cha mẹ. Xuất phát từ núi Phổ Đà, sau ba năm ròng rã, người đã hoàn thành tâm nguyện là đến được núi Ngũ Đài. Cuộc hành trình từ Đông sang Bắc dài hơn 3.000 dặm.









Những người hành hương châm bơ trâu Yak trước tượng đức Phật


Niềm tin chốn bụi trần


Nhiều người Tạng cho biết, điểm đến của những người hành hương từ khắp những rặng núi cao là một ngôi đền nằm giữa chợ Bakhor ở thủ phủ Lhasa – đền Jokhang. Tương truyền, gần 1.400 năm trước, nơi đây có hồ nước mang trái tim của một ma nữ, ngăn cản việc xây dựng những nơi thờ phụng. Công chúa Văn Thành đã ném một chiếc nhẫn xuống hồ để trấn yếm, cho những chú dê chở đất lấp hồ và việc xây đền rất hanh thông. Từ đó, khu vực này trở thành “đất thánh”. Ít lâu sau trở thành thủ phủ Lhasa.


Câu chuyện Phật – ma trong truyền thuyết; hay sự xếp đặt tượng Đức hạnh cao quý chung với những ác thần nhắc nhở về sự tồn tại giữa thiện – ác, hai mặt đối nghịch tất nhiên trong cuộc sống. Cũng như nhiều thế kỷ nay, người ta chấp nhận sự xô bồ của chợ búa bao vây vẻ trầm mặc của ngôi đền thiêng.


Rì rầm niệm câu chú “Om Mani Pad Me Hum…”, dòng người hành hương lặng lẽ trôi qua những cuộc trả giá ồn ào. Đến cửa đền, hàng trăm người tự buộc hai chân mình, lạy theo nghi thức “ngũ thể nhập địa”. Thân người đổ dài, đầu, tay, chân chạm đất. Nhiều bà mẹ lam lũ địu con còn đỏ hỏn chen chân trước tượng Thích Ca châm bơ vào những chiếc dĩa cháy rừng rực. Họ ở lại quanh đền, trong giá rét và thực hành những nghi thức cúng bái trên trong nhiều tháng ròng.


Người Tạng quan niệm vật chất là tạm bợ. Đó chỉ là phương tiện kết nối với thế giới vô hình của thần linh. Vì vậy, rất nhiều người đã bán hết gia sản để đi hành hương. Chúng tôi dừng lại, tấp vào lề, nhường đường cho một thanh niên đang chuồi người theo nghi thức “tam bộ nhất bái” giữa ngổn ngang hàng hoá trong chợ Bakhor. Anh khiến tôi nhớ những người trong bộ quần áo rách bươm đang đi ba bước lạy một lạy trên con đường sỏi đá. Trời lồng lộng. Núi trùng trùng. Khuôn mặt Đức Phật được tạc trên khắp các vách núi họ đi qua. Thế nhưng, còn con đường giữa chợ? Có lẽ đó mới chính là con đường gian khổ nhất trong tâm của mỗi con người. Cầu mong cho người thanh niên kia và những ai đi qua con đường này đều gặp được đấng từ bi…


Bài: Yến Trinh
Ảnh: Trần Việt Đức