Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Di tích 500 tuổi đẹp như vẽ

Di tích 500 tuổi đẹp như vẽ

70

Ngoài tên gọi là Chùa Lương, chùa còn có nhiều tên gọi khác như Phúc Lâm Tự, Trăm Gian… Lý giải về những tên này, ông Nguyễn Thanh Tiêu, Ban quản lý khu di tích cho biết: Phúc Lâm Tự có nghĩa là làm phúc như rừng. Còn tên gọi chùa Trăm Gian lại xuất phát từ chính kiến trúc tổng thể của ngôi chùa.

Sau 500 năm, trải qua nhiều lần trùng tu mở rộng, hiện nay chùa có tổng cộng đúng 100 gian. Phía trước ngôi chùa có một hồ rộng bờ xây bằng đá, hàng cây uốn lượn xung quanh, mặt nước như tấm gương in bóng “Thiên đài thạch trụ”.

Kiến trúc Chùa Lương mang đậm phong cách kiến trúc của thế kỷ 17-18. Chùa quay hướng Nam, chia làm 2 phần gắn bó chặt chẽ với nhau. Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ được 79 tượng Phật đồ sộ hiếm có.

Cách đó 100m là cây Cầu Ngói có giá trị kiến trúc độc đáo. Người xưa có câu: “Nội thập giáp, ngoại tứ thôn”, nghĩa là trong có 10 cây cầu, ngoài có 4 thôn làng.

Sư cụ Thích Đàm Mận, trụ trì Chùa Lương cho biết: Cầu Ngói là cây cầu thứ 10 trong xã Hải Anh. Cầu Ngói cũng có tên gọi khác là Thượng gia hạ kiều (trên nhà dưới cầu). Buổi đầu xây dựng, cầu được lợp hoàn toàn bằng cỏ khô. Phần phía trên được làm từ gỗ lim, mái được lợp bằng ngói vảy rồng. Cầu được đặt trên 18 chiếc trụ đá vô cùng chắc chắn. Mỗi trụ đá cao khoảng 4-5m, phần chân chôn sâu xuống lòng sông, bên trên ăn khớp với thân cầu. Giữa trụ và thân cầu không hề có bất cứ một chất kết dính nào.

Cầu Ngói có bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỉ. Từ ngõa, nề, mộc đều đạt tới độ điêu luyện, tinh xảo. Bộ khung cầu vừa chắc chắn lại vừa mềm mại, uốn lượn như con rồng đang vươn mình bay lên.

Cầu vừa là nơi đi lại, vừa là nơi để khách bộ hành dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh quan sông nước. Cầu đẹp đến nỗi, nho sĩ Trần Phúc Khiêm đã thốt lên: “Quần Anh non nước xem như vẽ/ Đề cột nhà thơ cảm hứng sâu”.

Cuối năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Chùa Lương đã diễn ra lễ cởi áo cà sa mặc áo lính lên đường cứu nước.

Từ ngôi chùa này, 6 vị sư, 6 thanh niên địa phương đã hòa mình vào dòng người hừng hực ý chí đánh giặc bảo vệ quê hương, trong đó có 3 người đã nằm lại nơi chiến trường.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Chùa Lương là cơ sở họp hành, liên lạc của chính quyền Việt Minh. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sân Chùa Lương trở thành nơi luyện tập, động viên lớp lớp thanh niên địa phương lên đường tòng quân giết giặc cứu nước. Hòa bình lập lại, chùa dành phòng khách để dạy văn hóa cho các lớp học cấp II của xã và cấp III của huyện.

Với những giá trị kiến trúc độc đáo và giá trị lịch sử cách mạng, cụm di tích Chùa Lương-Cầu Ngói đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1990. Hiện nay, cụm di tích này đang được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đầu tư tu bổ, sửa chữa với số vốn 18 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành điểm đến tâm linh của nhân dân địa phương và du khách khắp nơi.