Trang chủ PGVN GHPGVN Đoàn kết, hòa hợp trong lòng dân tộc là yếu tố cơ...

Đoàn kết, hòa hợp trong lòng dân tộc là yếu tố cơ bản để xây dựng và phát triển Giáo hội

83

I/ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, 25 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN TỐT ĐẸP


1/ Diễn Tiến Khái Quát:


Theo sử liệu thì đạo Phật đã có mặt trên đất nước Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ I đầu thế kỷ thứ II, kể từ đó đến nay, trãi dài suốt gần 20 thế kỷ, từ lúc ban sơ, cho đến khi hình thành các tổ chức hệ phái… Đạo Phật chưa bao giờ đoàn kết thống nhất để có chung một tiếng nói, đại diện cho toàn thể Tăng Ni, Tín đồ PGVN. Ngày 30 tháng 04 năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, nhân dân Việt Nam được hưởng nền hòa bình độc lập thống nhất !… Thì ngày 07 tháng 11 năm 1981 quả là một ngày thiêng liêng trọng đại cho toàn thể Tăng Ni, Tín đồ PGVN! Một ngày mà chư Tôn Đức lãnh đạo 9 tổ chức Hệ phái đã ý thức rõ giá trị của sự hòa hợp đoàn kết. Quý Ngài đã ra sức vận động để đi đến thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


Mục đích của GHPGVN là điều hợp tất cả các hệ phái Phật giáo trong cả nước để hộ trì và hoằng dương chánh pháp, phục vụ Dân tộc và Tổ Quốc Việt Nam, góp phần hòa bình, an lạc của dân tộc và thế giới, đặt trên nguyên tắc chung là “Thống nhất ý chí hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức… các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn phương tiện tu hành đúng với chánh pháp đều được tôn trọng duy trì”. Đây là một đặc điểm sáng chói thể hiện quyền tự do, dân chủ, công minh, bình đẳng đúng đắn và là nguyện vọng chung của toàn thể Tăng Ni, Tín đồ Phật giáo trong cả nước, trước sự hoà hợp thống nhất GHPGVN.


Sau 25 năm thống nhất, một chặng đường phát triển của Giáo hội cùng đồng hành với sự thăng trầm của đất nước, nhất là giai đoạn có chủ trương và đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, thì kể từ đó đất nước và xã hội không ngừng phát triển, đem đến nhiều thành tựu to lớn trên các lãnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học.v.v.., nhất là công nghệ thông tin ngày càng bùng nổ dữ dội và lan tỏa trên nhiều lãnh vực khoa học, đất nước đang chuyển mình gia nhập WTO, mọi người ra sức thực hiện đời sống theo phương châm: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, thì GHPVN cũng từng bước ổn định và đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trên chặng đường 25 năm nhìn lại.


2/ Hai mươi lăm năm – Một chặng đường phát triển tốt đẹp


Dưới sự lãnh đạo của GHPGVN, trong vòng 25 năm qua, PGVN đã có những gặt hái vô cùng tốt đẹp: Tăng đoàn ngày càng ổn định và phát triển, các cơ sở tự viện ngày càng nguy nga và tráng lệ, số lượng Tăng Ni, tự viện, tín đồ ngày càng đông đúc và hoành tráng, ý thức tu tập và trình độ Phật học của Tăng Ni và Phật tử được minh định rõ ràng và sâu sắc, các Trường Phật học từ cấp Đại học cho đến Cao Trung ngày được mở rộng trên phạm vi toàn quốc, số lượng Tăng Ni du học ngày càng đông đúc, các khoá tu Phật thất, Bát quan trai dành cho tín đồ ngày càng phổ cập rộng rãi trong các tự viện.v.v…


Có được những thành quả tốt đẹp như thế, trước tiên chúng ta phải nói đến vai trò lãnh đạo của GHPGVN đối với Phật giáo đồ của cả nước. Thật vậy, nếu không có sự thống nhất lãnh đạo và tổ chức, thì Phật giáo cả nước không thể có tiếng nói chung được, sinh hoạt Tăng đoàn trở nên lõng lẻo và cục bộ, điều này không những ảnh hưởng đến hiệu năng tu tập của Tăng đoàn mà còn tác hại nghiêm trọng đến sự tín ngưỡng của đồng bào Phật tử. Nhìn lại những trang sử phát triển của PGVN, kể từ lúc ban sơ du nhập cho đến ngày hôm nay, chúng ta có thể thấy rõ: Dù phải trãi qua những bước thăng trầm, dù có những lúc PGVN tồn tại dưới hình thức nhiều tổ chức, Tông phái khác biệt, nhưng nguyện vọng chung củaTăng Ni và Phật tử từ trước đến nay vẫn nhất quán sống chung tu học trong cùng một giềng mối tổ chức của Tăng đoàn Giáo hội, điều này đã được minh định một cách rõ ràng qua những thành quả đáng kể của Giáo hội suốt chặng đường 25 năm qua.


Là một thành viên trong lòng của Giáo hội, Phật giáo Bình Dương luôn tự hào với những đóng góp tích cực của mình vào những thành quả tốt đẹp của Giáo hội, nhằm: “Trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”. Tính đến nay, Phật giáo Bình Dương đã trãi qua 6 nhiệm kỳ, với 7 BĐD của 7 huyện thị trong toàn tỉnh, 175 các cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường và trên 413 Tăng Ni. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của GHPGVN, sự quan tâm và giúp đỡ tận tình của Đảng, Nhà nước, Mặt Trận Tổ Quốc, Ban Tôn Giáo và Dân Tộc…, sự điều phối nhịp nhàng của BTS tỉnh Bình Dương và các BĐDPG của 7 Huyện Thị, Phật giáo Bình Dương đã nhanh chóng lớn mạnh và phát triển đến mức chưa từng có trong lịch sử PG tỉnh nhà như: tổ chức 6 đại giới đàn cho hàng ngàn giới tử thụ giới, hằng năm mở khoá an cư cho Tăng Ni tu học, mở trường Phật học, giới thiệu hàng chục Tăng Ni sinh tham dự vào các trường Cao cấp, Cao – Trung Phật học… và nhiều Phật sự quan trọng khác. Đặc biệt là công tác từ thiện, Phật giáo Bình Dương đã làm được hàng chục tỷ đồng trong suốt 23 năm kể từ khi thành lập tỉnh hội Phật giáo 1983.


Kính thưa toàn thể Hội nghị,


Có được những thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay, đó là do trong 25 năm qua, trãi qua 5 nhiệm kỳ chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội đã phải hy sinh, xả thân kiên trì phấn đấu với những bước đầu khó khăn và thử thách đối với những thế lực nội tại lẫn ngoại tại, trong thế thế lực ngoại tại là những phần tử quá khích, muốn gây chia sẽ Tăng đoàn hầu làm suy yếu PGVN, và thế lực nội tại thuộc về hàng ngũ Tăng Ni chúng ta, vẫn còn một số ít nhận thức thiếu sâu sắc, chưa quán triệt được tính ưu việt của sự hoà hợp trong Tăng đoàn Giáo hội. Hôm nay, chúng ta ngồi đây trong Hội nghị không phải chỉ để ca ngợi và tán thán những thành quả của Giáo hội đã gặt hái được trong những nhiệm kỳ vừa qua, mà quan trọng hơn nữa là phải biết dựa trên những thành quả đã có để ưu tư và hoạch định những phương thức nhằm kế thừa và phát huy cao độ tiền đồ của PGVN trong thời đại mới.


II/ NHỮNG YẾU TỐ HỮU CƠ ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PGVN TRONG THỜI ĐẠI MỚI


1/ GHPGVN Phải Là Một Tổ Chức Duy Nhất Đại Diện Cho Tiếng Nói Chung Của PGVN Trong Và Ngoài Nước


Nhìn lại dòng lịch sử phát triển của PGVN kể từ khi du nhập đến ngày hôm nay, nhìn lại những thành quả đáng kể của GHPGVN trong 25 năm vừa qua, chúng ta có quyền khẳng định GHPGVN là một Giáo hội duy nhất có đầy đủ năng lực và uy tín để đưa PGVN phát triển đến đỉnh điểm trong thời đại mới, thời đại mà Đảng, Nhà nước và toàn dân đang ra sức thực hiện nếp sống mới: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Vì vậy, muốn tồn tại và phát triển một cách tốt đẹp, chúng ta cần phải kế thừa và phát huy một cách tích cực tính năng ưu việt của PG trong tinh thần lục hoà cộng trụ của Giáo hội Tăng Đoàn dưới hình thức một tổ chức Phật giáo duy nhất, theo đúng như lời dạy của đức Phật: “…Ngày nào mà chư Tỳ kheo còn ngồi lại với nhau trong tinh thần hoà hợp, bàn thảo với nhau trong tinh thần hòa hợp và đứng lên giải tán trong tinh thần hoà hợp thì ngày ấy Phật pháp vẫn còn hưng thịnh…”.


Trong tình hình đất nước đang mở cửa để hội nhập vào dòng chảy của WTO, công nghệ thông tin đang trên đà phát triển cao độ, những thông tin về những sự kiện diễn tiến trên thế giới luôn được cập nhật một cách nhanh nhất sẽ làm phát sinh 2 tình huống tương phản song song tồn tại:


a/ Tình Huống Tích Cực


• Thị trường được lưu thông, kích thích công nghiệp trong nước phát triển, tạo điều kiện kiện toàn và nâng cao kỹ thuật khoa học trong lĩnh vực công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế nước nhà, từng bước ổn định và phát triển nền kinh tế cả nước đi đến chỗ cường thịnh trong khu vực và trên thế giới.


• Khi nền kinh tế phát triển hiện đại, thị trường được lưu thông thì thông tin là những yếu tố rất quan trọng trong việc cập nhật sao cho phù hợp với thời đại của thế giới bên ngoài.


• Để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá và công nghệ thông tin hiện đại, đòi hỏi con gnười phải nâng cao trình độ tri thức, thúc đẩy sự sáng tạo và khai thông kho tàng trí tuệ của mọi người trên toàn quốc. Do vậy, một ai đó đã nói rằng: “Kỷ nguyên của thế kỷ 21 không còn là kỷ nguyên của sự cần cù, mà thực sự là kỷ nguyên của trí tuệ mà thôi”.

b/ Tình Huống Tiêu Cực


• Khi thị trường mở của lưu thông thì những văn hoá phẩm mang tính tiêu cực sẽ có cơ hội để chạy vào nước ta. Khai thác dữ kiện này, những phần tử quá khích, tiêu cực sẽ tìm cách phân tán tình đoàn kết, gây chia rẽ nội bộ giữa các cơ chế tổ chức với nhau, hầu làm suy yếu sự cường thịnh của đất nước ta.


• Mạng lưới công nghệ thông tin cũng là một cửa ngõ để những phần tử tiêu cực dễ dàng xuyên tạc, gây hoang mang, làm mất lòng tin… đối với những ai còn có quan điểm cuc bộ, thiếu trình độ nhận thức cũng như không đủ đậm đặc với bản sắc văn hóa dân tộc và nhất là thiếu lập trường tư tưởng chính trị cũng như Tôn giáo.v.v…


Kính thưa Hội thảo


Thấy rõ được những thách thức trong thời đại mới, chúng ta có thể quả quyết rằng PGVN muốn tồn tại và phát triển trong thời đại mới thì nhất thiết phải phát huy một cách tích cực tinh thần hòa hợp, đoàn kết của Giáo hội trong cùng một tổ chức duy nhất, điều này cũng có nghĩa là muốn tồn tại kế thừa và phát triển PGVN một cách tốt đẹp nhất trong thời đại ngày nay thì GHPGVN phải là một tổ chức duy nhất đại diện cho tiếng nói của PGVN cả trong và ngoài nước và đây là yếu tố thứ nhất. Muốn được như vậy thì Giáo hội ta phải nhanh chóng xây dựng một đội ngũ kế thừa có tầm vóc kiến thức khoa học cao, có đạo đức và tư cách xứng đáng của một hành giả trí tuệ mới có thể xây dựng một tổ chức Giáo hội lớn mạnh cho tương lai trong thời đại mới.


2/ Phật Giáo Việt Nam Phải Gắn Liền Với Dân Tộc Việt Nam


Tính ưu việt thứ hai của Phật giáo đó là “khế cơ và khế lý”:


Quả thật như vậy, từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, thì đã nhanh chóng hòa nhập tập tục, truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam và cuối cùng trở thành PGVN của DTVN, chúng ta có thể thấy rõ ý nghĩa này qua lịch sử của DTVN từ khi Phật giáo bắt đầu có mặt trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta cho đến ngày hôm nay. Chúng ta có thể lấy dữ kiện gần nhất trong lịch sử, đó là sự kiện thống nhất ba miền của DTVN ngày 30 tháng 04 năm 1975 mà nói: Nếu không có sự kiện thống nhất toàn quốc năm 1975 thì cũng không bao giờ có chuyện 9 tổ chức hệ phái Phật giáo cùng ngồi lại với nhau tại chùa Quán Sứ Hà Nội ngày 7-11-1981, và như vậy thì PGVN cũng không thể có được những thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Qua đó ta có thể mạnh dạn nói rằng: “Vận mệnh của DTVN chính là vận mệnh của PGVN và ngược lại”.


• Hệ quả: Chính vì sự gắn bó mật thiết ấy, mà từ bao đời Tăng Ni và Tín đồ PGVN đều có một truyền thống yêu nước mãnh liệt, điều này đã được minh chứng khi đất nước lâm nguy thì Phật giáo luôn đóng vai trò hộ quốc, khi đất nước độc lập thì Phật giáo đóng vai trò an dân.


Minh định một cách rõ ràng như vậy, chúng ta có thể quả quyết rằng: yếu tố hữu cơ thứ 2 để giúp cho PGVN tồn tại và phát triển trong thời đại mới thì PGVN phải luôn luôn sát cánh và gắn liền với DTVN.


3/ Phật Giáo Việt Nam Phải Luôn Trung Thành Với Phương Châm: “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội”.


Tính ưu việt thứ 3 của Phật giáo đó là: “Nhớ ơn và đền ơn”. Sở dĩ mà PGVN có được những thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay, đó đều là do sự quan tâm giúp đỡ chân tình của Đảng và Nhà nước, đây là một sự thật không thể chối bỏ được. Thật sự mà nói, không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội đưa ra phương châm “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội”…


Đến đây, chúng ta có thể khẳng định: yếu tố hữu cơ thứ 3 để giúp cho PGVN có thể tồn tại và phát triển một cách tốt đẹp trong thời đại ngày nay đó là: PGVN phải luôn trung thành với phương châm: “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội”.

III/ KẾT LUẬN.


Kính thưa toàn thể Hội thảo,


Lời xưa có dạy: “Ôn cố tri tân”, cũng có nghĩa là ôn việc đã qua để rút kinh nghiệm cho những sự việc của ngày hôm nay. Cũng vậy, hôm nay chúng ta ngồi lại với nhau trong hội nghị, để bàn thảo và tán thán những thành quả mà suốt chặng đường 25 năm, với 5 nhiệm kỳ lãnh đạo và điều hành Phật sự của GHPGVN kể từ ngày được thành lập tại chùa Quán Sứ Thủ đô Hà Nội, để chúng ta thấy rõ ràng hơn những tính năng ưu việt của Giáo hội, mà kế thừa và phát huy nhằm mục đích làm cho Phật pháp được hưng thịnh trong thời đại mới, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước và toàn dân xây dựng thành công nếp sống: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trong hôm nay và ngày mai, đúng với lời dạy của Đức Phật trước khi vào Niết bàn: “Bất cứ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào sống đúng với chánh pháp, tự mình ứng xử hợp với đạo, có hành động chân chánh, thì chính người đó tôn trọng, đãnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai một cách tốt đẹp nhất”.


Kính chúc toàn thể Hội thảo thành công tốt đẹp.