Trang chủ Tin tức Đồng Tháp: Chiêm bái xá lợi của Phật và các Thánh...

Đồng Tháp: Chiêm bái xá lợi của Phật và các Thánh Tăng tại chùa Vạn An

829

Đi qua cầu Mỹ Thuận, rẽ sang hướng Đồng Tháp, đi khoảng 8 km thì đến chùa. Dẫn vào chùa là một lối đi hẹp, tráng xi măng, hai bên là vườn cây xanh. Trước cửa chùa treo cờ nước và cờ Phật giáo như ngày hội và biểu ngữ kính mừng đại lể cung nghinh chiêm bái xá lợi Phật và lễ  vía A Di Đà.


Mặc dù tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn nhưng chùa chỉ là một ngôi cổ tự nhỏ, hiện nay mới xây thêm một gian chính điện mới tương đối khá rộng, phần đất còn lại chủ yếu trồng một số cây ăn trái.


Xá lợi của Phật và các thánh tăng như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp Tôn Giả và Savaly Tôn Giả được trưng bày trang nghiêm trong các tháp đặt trong các tủ kính để tại gian chính điện mới xây. Bày quanh các tủ kính là các giỏ hoa các loại và đèn ly thắp sáng để cúng dường.


Thầy Thích Quảng Nghiêm, trụ trì chùa Phước Hậu ở Úc nói rằng thầy đã mượn một số xá lợi của các thầy bên Sri Lanka và Thái Lan và phối hợp với thầy Thích Chơn Tài, trụ trì chùa Vạn An để tổ chức buổi trưng bày này.


Sau khi lễ Phật xong, trong khi đợi thầy chuẩn bị buổi lễ đọc kinh để cúng dường Tam Bảo, mọi người tranh thủ đỉnh lể và chiêm bái xá lợi.


Xá lợi của Phật gồm có xá lợi xương, máu,mật và mỡ. Có xá lợi lớn bằng đầu ngón tay út, có xá lợi nhỏ như hạt mè, xá lợi máu đỏ, xá  lợi mật màu vàng đất, xá lợi xương màu trắng, có những hạt xá lợi trong, sáng,  láng và có màu xanh như ngọc bích hoặc đen như hạt huyền, chưa bao giờ tôi được nhìn thầy nhiều xá lợi đến vậy!  Nghĩ đến ai đó có lần nói với tôi rằng thấy xá lợi Phật cũng như nhìn thấy Phật, tôi không nén được sự bồi hồi, xúc động.


Thầy Thích Quảng Nghiêm bắt đầu làm lễ, các Phật tử tập trung vào chính điện để đọc kinh Đại Bát Niết Bàn cùng thầy. Do tôi không thích đọc kinh, cứ mỗi khi phải ngồi đọc kinh là tôi cảm thấy buồn chán ghê gớm nên tôi nghĩ bụng sau khi chụp hình xong, tôi sẽ qua ngôi cổ tự, lúc này chắc hẳn là yên tĩnh lắm vì chẳng có ai, để ngồi thiền.


Nghĩ là làm, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chụp hình, tôi lẻn qua ngôi cổ tự. Ngôi chủa nhỏ chỉ có hai gian, một gian thờ tổ và một gian thờ Phật. Do không thắp đủ đèn nên trong chính điện khá tối, bên trong yên lặng như tờ. Chùa cổ nên đẹp tuyệt, các cây cột bằng gỗ quý to gần bằng một ôm tay đen bóng, chính điện thếp vàng lộng lẫy,  tượng Phật Thich Ca và A Di Đà và các Bồ tát sơn son với vẽ mặt hết sức từ bi.



Khi tôi đang loay hoay ghi lại vẻ đẹp của gian chính điện bằng cách bấm một vài tấm hình thì tự nhiên có tiếng chuông ngân lên. Tôi nhìn quanh chẳn thấy ai, tôi không nghĩ là mình nghe nhầm, rõ ràng là có tiếng chuông thật, tôi ngờ ngợ, chẳng lẽ chùa có …ma. Mà thôi kệ – tôi tự nhủ – ma mà biết gõ chuông thì có lẽ là ma có căn tu, chắc cũng chẳng sao và tôi lại tiếp tục với công việc của mình.



Vài phút sau, bỗng nhiên lại nghe tiếng chuông ngân lên, tôi lại dáo dác nhìn quanh chẳng thấy ai thật, kể cũng lạ, tôi cho là tiếng chuông là do từ phía ngôi chính điện mới xây vọng lại, chẳng phải ở bên kia mọi người đang đọc kinh đó sao.


Tôi lại tiếp tục công việc của mình và lần này tiếng chuông lại vang lên, tôi chắc chắn là mình không nghe nhầm. Tôi mở căng mắt và đi lần về phía tiếng chuông. Ôi trời ơi, phía sau một cây cột là một vị Sư đứng tuổi mặc áo vàng đang ngồi trên một chiếc bàn nhỏ. Trước mặt thầy là cuốn kinh Đại Bát Niết Bàn, thầy đang theo dõi theo tiếng đọc kinh ở bên kia và trang nghiêm lật từng trang kinh một, đúng lúc cần thỉnh chuông thì thầy gõ một tiếng chuông.


Biết mình bị phát hiện, thầy cũng chẳng buồn nhìn tôi, vẫn an nhiên, thanh thản để tâm của mình vào cuốn kinh. Tôi tiếp tục công việc của mình, đi loanh quanh trong chính điện,  thầy cũng chẳng buồn lên tiếng trách tôi sao quầy rầy thời công phu của thầy.


Sau khi chụp hình xong, tôi đi quanh lễ Phật và bắt đẩu tìm đến một chỗ trước chính điện để ngồi thiền.


Không gian yên bình đến lạ thường, mọi sự dường như dừng lại. Tôi ngồi dõi theo hơi thở và dõi  theo tiếng đọc kinh từ bên kia vọng lại. Thỉnh thoảng, thầy gõ một tiếng chuông. Tôi lắng nghe tiếng chuông ngân nga trong không gian, dõi theo từ lúc nó mới bắt đầu cho đến lúc nó lịm tắt để quán chiếu tính vô thường – đến rồi đi –  của vạn pháp.


Tôi cứ ngồi như thế để tận hưởng sự tuyệt vời của một thời thiền có lẽ có một không hai trong đời. Đến khi bên kia vọng sang tiếng đọc bài chú “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”, tôi hiểu rằng buổi đọc kinh đã chuyển sang phần hồi hướng và sắp kết thúc, tôi xả thiền, lạy Phật và tiến tới trước mặt thầy đỉnh lễ để qua bên kia, thầy cũng chẳng buồn động tâm, vẫn thản nhiên ngồi lật những trang kinh và gõ chuông.  Tôi thật sự xúc động trước định tâm của một đấng chân tu.
 
Kết thúc thời kinh, chúng tôi tha hồ chiêm bái các xá lợi. Đặc biệt có hai cuốn sách dày do thầy Quảng Nghiêm mượn từ bên Thái Lan đem về chụp hình các xá lợi của Phật và các thánh tăng in ấn rất đẹp. Xá lợi chụp trong sách có kích thước to bằng kích thước thật.


Xem cuốn sách, người chiêm bái có thể thấy đủ loại xá lợi của Phật,  rất lớn, bóng láng, có vân và có nhiều màu khác nhau, đẹp còn hơn những viên ngọc quý. Các xá lợi của các thánh tăng cũng đẹp, nhưng  so với xá lợi của Phật thì  không  bằng. 


Thầy Quảng Nghiêm nói đức Phật là đấng Vô thượng Chính đẳng Chính giác nên định lực của ngài là bất khả tư nghì, không một ai có thể sánh được nên xá lợi của Ngài để lại cũng thù thắng hơn hết.


Chùa Vạn An tọa lạc tại ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Điện thoại 0673611267. Các xá lợi sẽ được trưng bày cho đến hết ngày 11/12/2009 (tức 15 tháng 11 âm lịch).




































Xá lợi đỉnh đầu Phật (chụp từ sách của Thái Lan)








Xá lợi Thánh Tăng (chụp từ sách của Thái Lan)


Xá lợi Thánh Tăng (chụp từ sách của Thái Lan)


Xá lợi xương Phật