Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Gã họa sĩ vào chùa cai nghiện

Gã họa sĩ vào chùa cai nghiện

181

Bức tranh đầu tiên đánh dấu sự trở lại thế tục của Tuấn có tên là Hội làng, một bức sơn mài với gam màu nóng, nổi lên trong sự nhộn nhịp hội hè là hình ảnh những ông thần, bà chúa dân gian. Tuấn bảo rằng bức tranh ấy tái hiện gần như toàn cảnh tuổi thơ anh.


Tuổi trẻ tự huyễn








Nhịp vỡ
Tuấn người Hà Nội, là con trai một nên rất được nuông chiều. Hồi nhỏ Tuấn đi chùa cùng mẹ, rất tò mò về những pho tượng Phật, rồi tự hỏi “tại sao những bức tượng lại cứ trầm tư, và cứ ngồi im lìm mà không thể khác!”. Vào đại học, Tuấn từng hình dung mình là một luật sư trong tương lai, nhưng ám ảnh tuổi thơ với những bức tượng Phật khiến Tuấn đã chọn con đường nghệ thuật.


Với người đàn anh trong nghề là nhà nghiên cứu – họa sĩ Phan Cẩm Thượng thì Hà Minh Tuấn là một người sớm bộc lộ cá tính nghệ thuật, thậm chí có nhiều biểu hiện hơi thái quá. Chàng sinh viên ấy lại sớm bị thu hút bởi những cuộc chơi và sinh thói cuồng ngạo.


Rồi Tuấn lao vào ma túy với ý nghĩ để tìm cảm giác và hứng thú sáng tạo. Cuối năm 4 Tuấn bắt đầu hút, sau đó là chích. Có những ngày Tuấn tự tiêm vào cơ thể mình những tám xilanh, mỗi xilanh ít cũng 2cm, nhiều tới 5cm. Bao nhiêu tiền thu được từ những buổi làm tượng, thiết kế các mô hình Tuấn đều ném vào ma túy. Cả với tiền bố mẹ cho để làm các dự định về tranh, tượng. Dù vậy kẻ nghiện ấy cũng chưa bao giờ trộm cắp thứ gì ngay cả của gia đình mình.


Đôi lúc, sự nhạy cảm và khát khao sáng tạo của Tuấn sống lại nhưng ma túy và đám con nghiện dặt dẹo tụm năm tụm ba ở vỉa hè nhà Tuấn đã lôi tuột đời Tuấn đi. Tuấn cũng chưa có bạn gái, chưa có một tình yêu đầu đời…


“Làm hòn đảo cho mình nương tựa”








Văn minh lúa nước
Ra trường, Tuấn vào Huế thực hiện những bức tượng tốt nghiệp, nhưng thật ra chuyến đi ấy cũng vừa là một cuộc chạy trốn: Tuấn tìm đến với chùa Thiền Lâm. Ở chùa, anh làm tượng đức Phật nhập niết bàn. Hết thời gian, Tuấn rất sợ về lại Hà Nội. Một chút ám ảnh thời thơ ấu lóe lên: “Tại sao những bức tượng cứ trầm tư, cứ ngồi im lìm như thế mà không thể khác”. Lúc này Tuấn mới hiểu ra tại sao thầy Phan Cẩm Thượng lại hay dẫn sinh viên đi chùa, thường kể nhiều cho họ nghe về những vẻ đẹp u nhã, tĩnh mặc sau những bức tượng. Trong sâu thẳm, cái niềm tin vào nghệ thuật của Tuấn đang được phục thiện. Nhưng phải bắt đầu từ đâu?


Để làm được, trước tiên phải cai nghiện. Nhưng bằng cách nào? Đi trại cai nghiện? Tự cai? Đi thanh niên xung phong một thời gian? Và liệu có thể xóa được mặc cảm trong khi cả phường này ai cũng biết gã trai trẻ máu me nghệ thuật ấy đã rách nát tả tơi vì ma túy?


Tuấn nhớ hồi ở Huế đã gặp thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh ở chùa Huyền Không Sơn Thượng. Đó là một nhà sư có tâm hồn nghệ sĩ mà có hồi Tuấn nghĩ rằng ông là một bức tượng không giống bất cứ một bức tượng nào và cũng không im lìm… Thế là Tuấn lại vào Huế, đến chùa gặp thầy Minh Đức và nói nguyện vọng, quyết tâm muốn tự mình làm một hòn đảo để chính mình nương náu.


Thầy Minh Đức bảo Tuấn: “Chùa có giới luật, cần sự tự giác, không thể tự do được. Nhưng nếu con muốn phục thiện thì cứ ở. Con nên nhớ việc phục thiện là tự ở con và chính ở con”. Lúc Tuấn khăn gói vào Huế, anh không cho bố mẹ hay. Ngoài vài bộ quần áo, tiền mang theo chỉ đủ mua vé tàu vào Huế cùng một sợi thòng lọng. Lên đến chùa, anh phải xin tiền để trả cuốc xe ôm.


Tuấn ở trong một cái am trong chùa cùng với một nhà sư trẻ. Trên kèo đã buộc sẵn sợi thòng lọng, nếu cơn nghiện hành hạ bắt anh phải đi tìm thuốc thì tốt nhất cho cổ vào đó. Những ngày đầu khi cơn nghiện đến, xương cốt Tuấn như có dòi bọ đục, chiều đến người lại lạnh như trong tủ đá nhưng anh cố cắn răng chịu đựng.


Chùa Huyền Không Sơn Thượng do thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh dựng nên trên một vùng sơn thủy hữu tình thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nơi đây khi trước chỉ là một vùng đồi trọc, sỏi đá khô cằn nhưng thầy Minh Đức và các môn đệ đã chung tay trồng rừng tạo cảnh quan, bây giờ đã là một vùng lâm thắng mênh mông với ngôi chùa thấp thoáng trong màu xanh bạt ngàn ấy.


Nương cửa thiền, Hà Minh Tuấn có pháp danh Chơn Mỹ. Mỗi ngày người tu tập chỉ dùng một bữa chính, sáng thì ăn cháo. Trai Hà Nội được cưng chiều đến mức không biết thổi cơm là gì, vào chùa phải thổi cơm bằng bếp củi, những buổi đầu chưa quen Tuấn cứ chất củi chật bếp mà không sao làm cho lửa cháy nổi! Sáng phải dậy từ 3g30 để tụng kinh, 4g vào bếp nấu bữa sáng. Ngày đi làm củi, trồng rừng, những lúc bị cơn nghiện hành hạ, Chơn Mỹ lao vào làm việc nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn. Rồi những lần đi khất thực… Cứ thế thời gian qua đi, cơn nghiện bắt đầu mất dần; cho đến khi cảm thấy sức khỏe, tâm trạng hoàn toàn bình ổn Hà Minh Tuấn mới gọi điện về nhà báo tin cho cha mẹ. Đầu dây kia mẹ anh bật khóc, không tin nổi con mình đã vào chùa và đã cai nghiện được.


Mãi ba năm sau Tuấn mới về thăm nhà, đi cùng anh là bốn nhà sư trẻ. Nhìn thấy năm ông sư áo vàng đi một hàng, cả phố ai cũng ngạc nhiên, nhất là vị tăng trẻ đi đầu lại chính là một con nghiện nổi tiếng khu phố đó ngày xưa. Bà con hàng xóm biết chuyện đến nhà Tuấn thăm hỏi rất đông.


Tuấn đi một vòng quanh những nơi mình đã đi. Hà Nội mùa thu đẹp đến nao lòng; nhưng anh biết là ngày mai lòng vẫn phải bình thản để lên tàu vào lại Huế. Đã sáu năm ở chùa, Tuấn hoàn toàn tìm lại được con người thật của chính mình, và những bức tranh, bức tượng Tuấn sáng tác trong chùa đã khôi phục tâm hồn nghệ sĩ trong anh.


Về đời để thực hiện ước mơ








Hội làng
Một triển lãm với tên gọi “A! Bụt” được mở trong những ngày tháng cuối cùng của Tuấn trên nẻo đường tu tại chùa Huyền Không Sơn Thượng. Chính Tuấn đã đề tựa cho triển lãm đó của mình: “Nếu cái đẹp chỉ như một hiện trình đã mất mà không chạm khắc vào bạn một sự chuyển hóa, đổi thay thì bây giờ, ở đây hiện hữu cũng tồn tại mong manh bất định, huyễn hóa như từng hơi thở, như mỗi cuộc đời”.


Anh rời cửa thiền tháng 3-2006. Trong lễ xả giới, Tuấn thưa với thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh: “Thưa thầy, đã đến lúc con xin được trở lại đường đời tiếp tục làm những gì còn dang dở”. Sư phụ bảo: “Con đến minh bạch và con đi cũng minh bạch. Thầy rất hài lòng vì con”.


Tuấn thuê một phòng trọ 8m2, bắt đầu cuộc đời mới với màu và cọ vẽ như ngày xưa. Festival Huế vừa rồi anh có một triển lãm chung với một người bạn. Những bức tranh của anh khi “tái sinh” gồm ba phần: Hội làng, Biểu tượng giáo pháp và Hóa giải những nhịp vỡ – những uẩn khúc của một đoạn đời qua đi để bắt nhịp cho một đoạn đời khác đang lặng chảy bên dòng Hương giang…