Trang chủ PGVN GHPGVN GHPGVN hoạt động theo đúng luật Phật chế và trong khuôn khổ...

GHPGVN hoạt động theo đúng luật Phật chế và trong khuôn khổ Nhà nước là nhân tố đảm bảo cho mọi thành tựu Phật sự

156

Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; quý vị Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử;
Kính thưa Quý vị đại biểu khách quý;

Hôm nay Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức hội thảo nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Giáo hội, sự hiện diện của Chư tôn Giáo phẩm, Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử, cùng quý vị khách quý đại diện các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, là niềm khích lệ to lớn đối với Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên con đường phụng sự đạo pháp, dân tộc, qua đó nói lên mối quan hệ gắn bó khổng thể thiếu giữa Đạo và Đời, giữa hoạt động Phật sự trên nguyên tắc tuân thủ luật Phật chế và trong khuôn khổ pháp luật Nhà nước, tôi cho rằng, đây là nhân tố bảo đảm cho mọi thành tựu Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 25 năm qua và mãi mãi sau này.

Kính thưa Quý vị,

Đạo Phật là một tôn giáo luôn gắn bó với dân tộc như nước thấm sâu vào lòng đất. Điều đó đã được thể hiện suốt chiều dài lịch sử Phật giáo thế giới nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Hai nghìn năm Phật giáo hiện diện ở Việt Nam đã trở thành một tôn giáo dân tộc, chưa bao giờ thoát khỏi đời sống xã hội. Đất nước hưng long, Phật pháp được xiển dương, xương minh; đất nước khó khăn, Phật giáo cũng chung số phận, đó là mối quan hệ biện chứng giữa Đời và Đạo, cái này là tiền đề cho cái kia. Do vậy, ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã coi tôn trọng và đảm bảo tín ngưỡng tôn giáo là chính sách chiến lược, nhằm đem lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho đồng bào tôn giáo, trong đó có Tăng Ni, Phật tử.

Chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm ngay từ những ngày đầu của đất nước mới giành được độc lập. Ngày 23/11/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 5, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), trong đó nhấn mạnh: “Chính phủ đã bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm tới quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành đều có quyền tự do giảng đạo tạo các cơ quan tôn giáo” (nhà thờ, chùa, thánh thất…)

Bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Điều đó nói lên không chỉ ở chủ trương chính sách chung mà còn được thể hiện ở những quy định cụ thể bằng pháp luật. Hiến pháp năm 1946, điều 10 đã ghi nhận: Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng. Hiến pháp năm 1959, điều 26 ghi nhận: Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Hiến pháp năm 1980, điều 68 ghi nhận: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của nhà nước. Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá X, thông qua ngày 25/12/2001 đã ghi nhận: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của nhà nước.

Căn cứ Hiến định, nhà nước còn ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhằm cụ thể hoá chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong từng giai đoạn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 134, ngày 14/6/1955; Nghị định số 69, ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng; Nghị định số 26, ngày 19/4/1999 của Chính Phủ; Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành và Chủ tịch nước ký Lệnh số 18, ngày 29/6/2004 công bố và Chính phủ ban hành Nghị định số 22, ngày 01/3/2005.

Nhận thức trách nhiệm của mình đối với đất nước, đồng bào tín đồ và chức sắc tôn giáo nói chung và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nói riêng, luôn ý thức trong mỗi Phật sự của mình trên tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Lời nói đầu Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định: Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tư tưởng đó đã được quy định cụ thể tại điều 5 chương II Hiến chương Giáo hội. Điều đó thể hiện ý thức trách nhiệm của tổ chức Giáo hội và mỗi thành viên Tăng Ni, Phật tử trong công tác Phật sự phải xuất phát từ lợi ích chung của đất nước.

Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội, là phương châm hoạt động thể hiện tôn chỉ, mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phương châm đó bắt nguồn từ tư tưởng trong sáng của giáo lý đức Phật và lịch sử truyền thống hộ quốc an dân của 2000 năm Phật giáo Việt Nam, với truyền thống yêu nước suốt dòng lịch sử dụng nước và giữ nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Kính thưa quý vị,

Kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, nam bắc một nhà là thuận duyên lớn nhất đối với sự nghiệp hợp nhất tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam trong cả nước, đó là nguyện vọng của nhiều đời các thế hệ Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam mong muốn. Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hội nghị Thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981 là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Phật giáo nước nhà trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp lợi lạc quần sinh và phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hoà bình.

25 năm xây dựng và trưởng thành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành tựu nhiều Phật sự, góp phần với những thành tựu chung của đất nước. Về mặt tổ chức, Giáo hội đã kiện toàn, thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, với 53/64 tỉnh, thành phố có tổ chức Giáo hội Phật giáo. (hiện còn 11 tỉnh khu vực biên giới, miền núi phía Bắc và hai tỉnh miền Trung: (Quảng Bình, Nghệ An) là chưa thành lập được tổ chức, vì thiếu nhân sự, trong đó có 5 tỉnh: (Nghệ An, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai và Yên Bái) đang xúc tiến điều chuyển nhân sự và kiện toàn tổ chức để thành lập trong thời gian tới). Công tác trùng tu tôn tạo tự viện khang trang tố hảo, được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cấp phép đầu tư xây dựng trên nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Công tác giáo dục đào tạo khởi sắc, hướng tới mở rộng quy mô và loại hình đào tạo, hợp tác trao đổi học thuật, văn hoá, với 04 Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ và hàng chục trường Trung cấp, Cao đẳng Phật học tại các tỉnh, thành hội đã và đang hoạt động có hiệu quả, chất lượng, trường lớp được đầu tư, nâng cấp khang trang. Công tác từ thiện xã hội được quan tâm đặc biệt, thiết thức, kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Quan hệ Phật giáo quốc tế được thúc đẩy trên nhiều phương diện, góp phần xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam giàu truyền thống, văn hoá, hoà bình và ổn định phát triển trong con mắt bè bạn quốc tế. Công tác nghiên cứu văn hoá, xuất bản ấn phẩm Phật giáo được nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Những thành tựu Phật sự trên là sự nỗ lực trách nhiệm chung của các cấp Giáo hội và Tăng ni, Phật tử trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tổ chức và hoạt động chung của Giáo hội, đồng thời xuất phát từ chính sách, pháp luật tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Thực tiễn cho thấy, những nơi nào mà mỗi cấp Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử quan tâm giải quyết tốt giữa lợi ích của đạo và đời trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tôn chỉ mục đích hoạt động của tổ chức thì ở đó phát triển, ổn định. Ngược lại ở những nơi nào có những biểu hiện thái quá, đều dẫn đến sự trì trệ, mất đoàn kết trong tổ chức và mỗi trụ xứ, giảm sút uy tín, làm sai lệch nguyên tắc hoạt động và chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Trước xu thế hội nhập phát triển chung của đất nước và cộng đồng quốc tế, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải không ngừng phát huy truyền thống gắn bó với dân tộc đã được hun đúc, tạo dựng suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam, đồng thời phải đổi mới trong công tác tổ chức và hoạt động Phật sự, nhằm thích ứng với điều kiện hiện tại và tương lai. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần phải đổi mới tư duy và nhận thức, phải triệt để tuân thủ nguyên tắc hoạt động chung đã được thể hiện trong giới luật Phật chế và quy định của Giáo hội, cũng như pháp luật của Nhà nước, đó là sự sống còn của tổ chức và là nhân tố bảo đảm cho mọi thành tựu chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Xin chúc sức khoẻ quý vị đại biểu và hội thảo thành công viên mãn