Trang chủ Thời đại Hoằng pháp HT Thiện Nhơn: Sách tấn nhau thực hiện tốt hơn nữa việc...

HT Thiện Nhơn: Sách tấn nhau thực hiện tốt hơn nữa việc Hoằng pháp

96

Đó là lời của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn dành cho Phattuvietnam.net, khi ngày khai mạc Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011 tại Bình Dương đang đến gần.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phattuvietnam.net: Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng đánh giá sơ nét sự phát triển của Phật sự Hoằng pháp?

HT Thiện Nhơn: Hoằng pháp là bức tranh ngày càng sáng của Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta hãy sách tấn nhau thực hiện tốt hơn nữa Phật sự hoằng pháp, không nên hài lòng với những thành quả đã đạt được.

Những điều làm được là hết sức rõ ràng và căn cơ. Hoạt động hoằng pháp đã đi theo hướng đi mới, tích cực và vững chắc. Chúng ta đã có được các hội thảo Hoằng pháp khu vực Bắc, Trung, Nam và toàn quốc, ngày càng hoàn thiện và chất lượng, tạo sự khởi sắc chung cho hoạt động hoằng pháp.

Chúng ta sắp chứng kiến một thành quả mới của hoạt động hoằng pháp: Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 được tổ chức tại Bình Dương.

Phật giáo chúng ta không thể có một hội thảo Hoằng pháp quy mô, hoành tráng, thành công rực rỡ, nếu trên thực tế chúng ta chưa có hoạt động hoằng pháp xứng tầm và thực sự chúng ta đã có và đang tuần tự khai thác.

Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 phản ánh những kết quả theo chiều sâu mà chúng ta đã đạt được trong hoạt động hoằng pháp mấy năm qua, gần nhất là hội thảo hoằng pháp toàn quốc tại Kiên Giang năm 2010.

Phattuvietnam.net: Kính bạch Hòa thượng, HT cũng đã có lời sách tấn tăng ni Phật tử cố gắng hơn nữa trong hoạt động hoằng pháp, vậy đâu là những hoạt động hoằng pháp cần chú ý đẩy mạnh hơn nữa?

HT Thiện Nhơn: Có 4 mặt hoạt động hoằng pháp cần chú ý, đặt vào đó nhiều công sức hơn.

Một là hoạt động hoằng pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng núi cao biên giới.

Hai là hoạt động hoằng pháp cho đồng bào sống xa Tổ quốc.

Ba là việc phát triển các đạo tràng tu học, các lớp giáo lý, các khóa tu với yêu cầu nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.

Bốn là cần chú trọng hơn việc đưa ngôn ngữ các dân tộc ít người vào hoạt động hoằng pháp. Nói cách khác, triển khai, mở rộng hoằng pháp bằng những ngôn ngữ các dân tộc anh em sống trên lãnh thổ Việt Nam bằng chính ngôn ngữ các dân tộc, ngoài tiếng Việt.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến hoạt động cải đạo, đã có những ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Hoạt động này cần được phát hiện, ghi nhận, theo dõi và kịp thời có những phản ứng thích hợp, bằng cách củng cố niềm tin Tam bảo, quản lý các đạo tràng, các khóa tu của Phật tử, nhất là giải thích rõ vấn đề cải đạo là tự nguyện chứ không phải bắt buộc, mua chuộc hay có dụng ý khác.

Phatttuvietnam.net: Kính bạch Hòa thượng, xin HT chỉ dạy chi tiết hơn về hoạt động hoằng pháp cần thiết cho đồng bào dân tộc thiểu số, hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao biên giới…?

HT Thiện Nhơn: Ở mặt hoạt động hoằng pháp này, Phật giáo Việt Nam chúng ta đã có được những kết quả khích lệ, tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế.

Đã có 4.000 đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum, 2.000 đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới. Đây là kết quả rất đáng mừng.

Tuy nhiên, việc chăm sóc số hơn 6.000 Phật tử là đồng bào dân tộc thiểu số mới quy y thọ giới này còn hạn chế, cả về lĩnh vực truyền bá giáo lý lẫn công tác từ thiện, nhân đạo (vì đời sống số đồng bào này rất khó khăn). Do đó, kết quả ở lĩnh vực này tuy có nhưng chưa vững chắc.

Nếu không chú trọng việc tiếp tục giáo hóa họ, hướng dẫn họ tu tập, e rằng có thể  do đời sống khó khăn nên sẽ có trường hợp cải đạo do những đánh đổi về vật chất chẳng hạn.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng những cố gắng của Ban Hoằng pháp và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh Tây Nguyên là rất đáng trân trọng. Đã có một số vị tăng ni theo học các ngôn ngữ dân tộc thiểu số nhằm phục vụ cho việc hoằng pháp. Đã có những bản dịch sách về lịch sử Đức Phật, về Phật pháp, về nghi lễ ra ngôn ngữ một vài dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Đã có một vài vị tăng ni sử dụng thành thạo một số ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, và tích cực truyền bá chính pháp.

Nhưng số lượng như thế còn quá ít so với nhu cầu. Hơn nữa, số Phật tử đồng bào dân tộc thiểu số phát nguyện xuất gia tu học để giáo hóa lại chính đồng bào mình chỉ mới có 1- 2 vị.

Đây là điều Phật giáo Việt Nam chúng ta chưa thể yên lòng. Tôi sách tấn quý vị tăng ni Phật tử là vì vậy.

Ngoài ra, hoằng pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ mới được triển khai ở Tây Nguyên, chưa có ở Tây Bắc, là một vùng rộng lớn nhiều dân tộc anh em.

Phatttuvietnam.net: Kính bạch Hòa thượng, xin HT chỉ dạy chi tiết hơn về hoạt động hoằng pháp cho đồng bào sống xa Tổ quốc?

HT Thiện Nhơn: Ở đây, cái làm được và cái cần nỗ lực tinh tấn hơn nữa đan xen.

Cái làm được là chúng ta đã có một số hội Phật tử ở châu Âu, ở nhiều nước Đông Âu và một số nước Tây Âu, có quý thầy từ trong nước thường xuyên đến giáo hóa.

Ở Mỹ, Canada, Úc, có nhiều chùa thiện cảm với giáo hội chúng ta, số Phật tử quy ngưỡng về Phật giáo trong nước cũng không phải nhỏ, và cũng đã có một số thầy trong nước sang những nước trên thuyết giảng dài hạn.

Tuy nhiên, đó là những hoạt động  do một số ít thầy đã có thuận lợi trong quan hệ, tự tổ chức một cách tự phát, chưa có sự quan tâm tổ chức chính quy từ Ban Hoằng pháp.

Tôi mong mỏi ở Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 lần này, vấn đề trên được đưa ra thảo luận, sớm đi đến nhất trí, Ban Hoằng pháp tổ chức được các đoàn hoằng pháp đông đảo, thường xuyên làm Phật sự ở nước ngoài, đáp ứng được niềm khát ngưỡng Phật pháp của đồng bào sống xa Tổ quốc.

Chỗ nào yếu thì chúng ta nên quan tâm nhiều hơn cho chỗ đó. Tôi mong chúng ta sẽ sớm có những hội Phật tử ở Mỹ và Canada, quy ngưỡng giáo hội trong nước, thuận lợi trước việc một số chùa Việt ở Mỹ, Canada, Úc cảm tình với Phật giáo trong nước được chú trọng hơn, để tăng cường liên hệ trong hoạt động hoằng pháp.

Giáo hội khuyến khích việc hoằng pháp cho đối tượng đồng bào sống xa Tổ quốc bằng các phương tiện truyền thông hiện đại như internet, dĩa hình và tiếng, phát hành ấn phẩm giấy, kinh sách Phật học…

Phattuvietnam.net: Kính bạch Hòa thượng, xin HT chỉ dạy chi tiết hơn về vấn đề cải đạo?

HT Thiện Nhơn: Việt Nam là quốc gia có đa số dân số là tín đồ Phật giáo hay chịu ảnh hưởng Phật giáo với các mức độ khác nhau.

Các tôn giáo khác muốn truyền bá đạo của họ thì phải nhằm vào việc cải đạo tín đồ Phật giáo.

Đó là việc đã bắt đầu từ 600 năm trước, không phải là điều gì mới.

Tuy nhiên, gần đây, hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo diễn biến phức tạp, với nhiều tình huống mới, mà tôi cho là không bình thường. Dư luận tăng ni Phật tử cũng hết sức quan tâm. Do đó ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Hoằng pháp phải có kế hoạch chặn đứng bằng cách củng cố niềm tin của Phật tử đã quy Tam bảo.

Chủ đề của Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 là “Phật giáo và Dân tộc”, vì vậy, chúng ta có thể quan tâm đến vấn đề này trong khuôn khổ chủ đề của Hội thảo, tức là giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc, đặc biệt là giới trẻ, sinh ra từ gia đình Phật giáo.

Cần có hội thảo hoằng pháp tập trung trí tuệ tăng ni Phật tử cả nước để giải quyết những vấn đề hoằng pháp mới phát sinh và ngày càng phức tạp, yêu cầu chúng ta phải theo kịp.

Chỉ cần phát hiện được các vấn đề, tập trung bàn bạc, thảo luận, vạch ra được những hướng giải quyết chung, là hội thảo đã thành công.

Các chủ đề Hội thảo rất rộng, hầu như bao gồm tất cả các lĩnh vực của hoằng pháp.

Tôi cũng kỳ vọng vào thế hệ tăng ni trẻ, được đào tạo chính quy, hoàn thiện, đến nơi đến chốn, trong đó nhiều vị là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, hay có nhiều văn bằng cử nhân ở nhiều lĩnh vực.

Mong rằng, với lực lượng tăng ni trí thức trẻ này, bức tranh Hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam ngày càng tươi sáng hơn nữa.

Phattuvietnam.net: Kính bạch Hòa thượng, công việc của Hội đồng Trị sự đối với Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 ra sao?

HT Thiện Nhơn: Ban Hoằng pháp chịu trách nhiệm với Ban thường trực Hội đồng Trị sự về công tác tổ chức Phật sự quan trọng được giao phó này. Và ngược lại Ban thường trực Hội đồng Trị sự cũng đã giúp hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của Ban Hoằng pháp để có cuộc Hội thảo được hình thành và sắp khai mạc.

Và có thể nói đây là một Hội thảo được xác định là mang tầm vóc quốc quốc tế. Vì vậy, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã đứng ra gửi thư mời đến một số Tổng lãnh sự nước ngoài ở TPHCM tham dự lễ khai mạc để giới thiệu với thế giới các hoạt động của Giáo hội và địa phương đăng cai. Trong ý nghĩa việc này, Hội thảo Hoằng pháp cũng là hoạt động do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức.

Quá trình chuẩn bị Hội thảo đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hết sức quan tâm. Cố gắng cho kết quả của Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 cũng là cố gắng cho bước đột phá sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam về mọi mặt, không riêng gì chỉ ở lĩnh vực hoằng pháp.

Phattuvietnam.net: Kính bạch Hòa thượng, chúng con thành kính tri ân Hòa thượng đã dành cho Phattuvietnam.net cuộc phỏng vấn quý giá này. Kính chúc Hòa thượng Vạn an.

HT Thiện Nhơn: Tôi cũng là một độc giả thường xuyên của Phattuvietnam.net đấy. Tôi đưa ra yêu cầu cao hơn cho Phattuvietnam.net. Công tác truyền thông lần này của Phattuvietnam.net cho Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 tại Bình Dương phải vượt lên nhiều lần so với hội thảo năm ngoái tại Kiên Giang.

Phattuvietnam.net: Vâng lời Hòa thượng, chúng con hứa sẽ tinh tấn trong Phật sự quan trọng này, không phụ lòng mong mỏi của Hòa thượng.

MT – NL