Trang chủ Thời đại Giáo dục HT. Thiện Tâm: Bối cảnh giáo dục Phật giáo đang thay đổi

HT. Thiện Tâm: Bối cảnh giáo dục Phật giáo đang thay đổi

85

Tin về giáo dục có liên hệ đến tôn giáo đang được dư luận lưu ý là tin về khả năng thành lập một “đại học Công giáo tư” tại Việt Nam. Chúng tôi đem tin này hỏi Hòa thượng Thích Thiện Tâm. Hòa thượng đồng ý trao đổi ý kiến về vấn đề này, nhưng với điều kiện là trong tư cách một nhà giáo dục học (Hòa thượng là tiến sĩ giáo dục học), không phải trong vai trò một nhà lãnh đạo tôn giáo, với mục tiêu là xem xét khía cạnh thuần túy giáo dục của vấn đề.

Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch Hòa thượng, Hòa thượng nhận định thế nào về tin sắp có “Đại học Công giáo tư” tại Việt Nam?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Tôi cũng có đọc tin này trên trang web Thiên chúa giáo. Tôi không lấy làm ngạc nhiên vì đã nghe nói tới mục tiêu để cho các tôn giáo tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục ở cấp trên giáo dục mầm non, cả từ phía tôn giáo lẫn từ phía ngành giáo dục.

Mới đây, tôi đọc thấy trên trang Web Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam ý kiến của Giáo sư Đỗ Quang Hưng, trong tư cách Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề này. Theo đó, Giáo sư cho rằng “Nhiều năm qua, HĐTV về Tôn giáo đã thực hiện chỉ đạo của Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam điều tra, khảo sát các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo của các tổ chức tôn giáo. HĐTV Tôn giáo cũng đã có một số báo cáo tư vấn cho Mặt trận để kiến nghị với Đảng, Nhà nước tiếp tục thúc đẩy, hoàn thiện công tác này. Ở mức độ chính sách, kiến nghị chung của HĐTV là “Nhà nước nên tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo được tham gia ở cấp độ cao hơn, sâu rộng hơn”. Chẳng hạn trong lĩnh vực Giáo dục thì không chỉ có giáo dục mầm non, nhà trẻ mà có thể tham gia giáo dục phổ thông, các trường dạy nghề. Trong lĩnh vực y tế, không chỉ các phòng khám từ thiện, nhân đạo mà có thể mở các bệnh viện “chuyên biệt” cũng như việc mở rộng rãi thêm các cô nhi viện trong hệ thống Nhà nước”.

Như vậy, đây là xu hướng tất yếu sẽ diễn ra với các tôn giáo. Phật giáo chúng ta cần nhận thức đầy đủ về vấn đề giáo dục hướng ra xã hội để có các bước chuẩn bị cần thiết, tạo ảnh hưởng tốt cho việc phát triển Phật giáo Việt Nam.

CS MT: Kính bạch Hòa thượng, vậy Phật giáo Việt Nam đã nhận thức như thế nào và có chuẩn bị gì cho bước chuyển đổi này?

HT TTT: Nhận thức và có những bước triển khai thích hợp trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội là một thành quả lớn của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Thành quả này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống trường Bồ Đề và Viện Đại học Vạn Hạnh, gắn liền với không chỉ là một vị tôn đức Phật giáo, mà còn là một nhà giáo dục lớn của đất nước, Hòa thượng Thích Minh Châu.

Những thành tựu đó vẫn còn được giữ nguyên vẹn trong ký ức những nhà lãnh đạo Phật giáo cao tuổi, vẫn được toàn thể tăng ni Phật tử Việt Nam nhắc nhớ. Vì vậy, về cơ bản, Phật giáo Việt Nam vẫn có nhận thức tích cực về một nền giáo dục hướng ra xã hội. Tôi theo đuổi ngành giáo dục học trong gần cả cuộc đời mình cũng từ nhận thức đó.

Trong tăng ni Phật tử Việt Nam, vẫn có nhiều vị có nhận thức như vậy, qua việc nhiều chùa lập lớp học tình thương, rồi cách đây chưa lâu là Trường Trung Tiểu học Bồ Đề ở huyện Thủ Thừa, Long An.

Tuy nhiên, nhận thức về hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam hiện nay chưa phải là một nhận thức có nền tảng, chưa đi vào chiều sâu và hiện diện đều khắp trong Phật giáo Việt Nam. Hệ quả là hoài bão, ước mơ về hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam ngày càng xa vời ở một số tăng ni Phật tử, cả ở một số vị giáo phẩm.

Trước hết đó là hoạt động an phận với hoạt động Phật giáo hiện tai, thiên về cúng tế, lễ bái, bỏ qua các hoạt động tích cực nhập thế.

Vì vậy, nhiều vị trong Phật giáo Việt Nam hiện nay coi Viện Đại học Vạn Hạnh và hệ thống Trường Trung Tiểu học Bồ Đề là một dĩ vãng đã qua, không thể trở lại.

Giáo dục hướng ra xã hội chưa là một chủ trương lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khi Giáo hội chưa có bộ phận chuyên trách hoạt động này. Phụ trách giáo dục của Giáo hội là Ban Giáo dục Tăng ni, với giới hạn rõ ràng và dứt khoát về đối tượng, được xác định là tu sĩ. Hoạt động giáo dục hướng ra xã hội với các đối tượng khác ngoài nội bộ tu sĩ Phật giáo hầu như chỉ được xem là một khía cạnh của hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo, chưa chú trọng đến chiều kích giáo dục hướng ra xã hội của hoạt động.

Với nhận thức giới hạn như vậy, tất yếu thành quả đạt được sẽ bị hạn chế. Phật giáo Việt Nam hôm nay chưa sẵn sàng cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, chưa xem đó là mục tiêu lớn cần phải theo đuổi, chưa có kế hoạch hay bước đi cần thiết trên lãnh vực này, chưa xúc tiến những chuẩn bị cần thiết.

CS MT: Kính bạch Hòa thượng nhưng tôn giáo khác đã chuẩn bị và đã xúc tiến?

HT TTT: Cho phép thầy không đề cập đến một tôn giáo cụ thể nào, mà chỉ bàn luận vấn đề như là bối cảnh hoạt động tôn giáo nói chung.

Trong thế kỷ XX, giáo dục hướng ra xã hội của các tôn giáo đã là nét chính trong hoạt động tôn giáo nói chung ở Việt Nam. Không riêng gì Phật giáo, nhiều tôn giáo đã có những thành quả lớn trong hoạt động này. Tỷ lệ trường do Phật giáo quản lý chiếm một tỷ lệ không cao trong tổng số trường học do tôn giáo điều hành ở miền Nam trước năm 1975. Xét tổng thể, giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo vẫn có thể coi là đứng thứ hai, trong khi Phật giáo là tôn giáo có số tín đồ đứng đầu tại Việt Nam. Có tôn giáo trước năm 1975 đã có đến 2 viện đại học, còn chất lượng đào tạo trung học, tiểu học đều ở mức cao hơn Phật giáo.

Trong trường học do tôn giáo thành lập và điều hành, thì hoạt động truyền bá tôn giáo là điều dĩ nhiên. Chúng ta chú ý đến nét lớn này trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của tôn giáo nói chung. Việc coi giáo dục là một phương tiện truyền bá tôn giáo đã được tôn giáo xác định. Vì vậy, giáo dục hướng ra xã hội của tôn giáo phải được coi là cũng là một dạng hoạt động tôn giáo.

Như vậy, việc có chuyển biến trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của tôn giáo phải được xem như chuyển biến trong chính hoạt động tôn giáo, trước hết làm thay đổi bối cảnh hoạt động tôn giáo, dẫn đến thay đổi trong hoạt động tôn giáo nói chung.

Trước đây, khi có chủ trương tách nhà trường khỏi nhà thờ, Phật giáo Việt Nam đã chấp hành rất triệt để chủ trương này, quay lưng hẳn với hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, hoặc nếu có thì tự giới hạn là hoạt động từ thiện xã hội, không đặt nặng chiều kích giáo dục, không quan tâm đến ý nghĩa tôn giáo của hoạt động. Có nơi chấp hành triệt để đến mức tự loại trừ yếu tố Phật giáo nếu có trong hoạt động giáo dục.

Từ sau công cuộc đổi mới, bối cảnh hoạt động tôn giáo đã dần dần có sự thay đổi rất lớn. Phật giáo Việt Nam thiếu sự nhận thức đầy đủ về bối cảnh hoạt động tôn giáo đã có sự thay đổi, nên không có những điều chỉnh kịp thời để thích nghi.

Tình trạng Phật giáo không có cơ sở giáo dục hướng ra xã hội nào hết so với sinh hoạt tôn giáo nói chung là tình trạng Phật giáo đang trong đỉnh điểm suy thoái vào đầu thế kỷ XX, khi Phật giáo chỉ còn hoạt động cúng bái, tế lễ, Đức Phật được coi là thần linh.

Tình trạng Phật giáo đã có cơ sở giáo dục hướng ra xã hội trong bối cảnh các tôn giáo đều có, nhưng Phật giáo không đạt được tầm mức có được cơ sở đào tạo giáo dục đại học là tình trạng Phật giáo ở miền Nam sau 1954 và kéo dài cho đến 1964.

Hiện trạng này cho thấy tình trạng không bình thường của bối cảnh hoạt động tôn giáo ở miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm.

Vì vậy hiện nay nếu bối cảnh hoạt động tôn giáo có thay đổi, nếu các tôn giáo được phép triển khai hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, thì đương nhiên, phía Phật giáo cũng phải tích cực chuẩn bị cho khả năng này, tích cực đóng góp sức mình cho xã hội, không để tạo ra một bối cảnh tôn giáo không phù hợp với Phật giáo, vốn là tôn giáo có truyền thống lâu đời tại Việt Nam, là tôn giáo có số tín đồ đông đảo hơn cả ở Việt Nam.

CS MT: Kính bạch Hòa thượng, nhưng thưa, giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội đã không thành công trên lĩnh vực giáo dục mầm non từ hơn 10 năm qua?

HT TTT: Câu trả lời có 3 ý:

– Thứ nhất, giáo dục mầm non chưa là thế mạnh truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Lãnh vực Phật giáo Việt Nam thành công hơn cả là giáo dục đại học, với Viện Đại học Vạn Hạnh. Vì vậy, trong thời gian qua Phật giáo Việt Nam có sự lúng túng nhất định trong triển khai giáo dục mầm non.

– Thứ hai, nếu nhận thức được nhược điểm, quan tâm nhiều hơn cho giáo dục hướng ra xã hội thì Phật giáo Việt Nam vẫn có thể điều chỉnh thiếu sót của mình.

– Chúng ta không xem nhẹ bất cứ bậc học nào trong giáo dục hướng ra xã hội, nhưng Phật giáo có quan điểm nhân duyên. Nếu có nhân duyên triển khai với lợi thế cấp học nào, thì chúng ta dồn sức cho cấp học đó, không vì kết quả ở cấp học này mà ảnh hưởng đến cấp học khác. Trong khi đó, như đã nói, giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam thành công hơn cả với bậc đại học trong giai đoạn trước năm 1975 ở miền Nam.

CS MT: Kính bạch Hòa thượng, như vậy theo hòa thượng, Phật giáo cũng phải có đại học tư thục?

HT TTT: Nếu pháp luật cho phép, thì đó là điều đương nhiên. Thầy xin trả lời với tư cách là một nhà nghiên cứu giáo dục.

Còn đây có phải là chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay không, thì phải chờ, riêng thầy sẽ cố gắng hết sức đóng góp để Giáo hội đi tới chủ trương này.

Qua phát biểu của Giáo sư Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng ta nếu thấy đây là xu thế, thì phải tích cực chuẩn bị, bây giờ là đã hơi trễ.

Hoạt động giáo dục hướng ra xã hội là một thành quả của Phật giáo miền Nam giữa thế kỷ XX. Nếu bây giờ chúng ta hướng đến cũng những mục tiêu đó thì chỉ là sự khôi phục chính những giá trị của Phật giáo Việt Nam, không phải là xem xét, tìm cầu một giá trị gì mới mẻ. Với tinh thần như vậy, thầy nghĩ rằng không khó để đặt ra vấn đề xác định thành chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhưng sẽ có điều khó hơn nếu làm cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội trở thành nhận thức chung của toàn thể tăng ni Phật tử, thúc đẩy tăng ni Phật tử có những nỗ lực lớn lao trong lãnh vực này, tạo nên những đóng góp mới của Phật giáo Việt Nam cho xã hội, cũng là để xác định vị thế, tầm vóc của Phật giáo trong sinh hoạt tôn giáo cũng như trong hoạt động giáo dục.

Không thể hình dung tôn giáo truyền thống 2000 năm của dân tộc, tôn giáo đã góp phần đào tạo những nhân tài tinh hoa của dân tộc thời kỳ đầu dựng nước, tôn giáo đã có những thành quả trong giáo dục hướng ra xã hội vào thế kỷ XX, là Phật giáo, lại có thể chậm chân trong những đóng góp giáo dục hôm nay cho đất nước, cho xã hội.

Chúng ta sẽ trở lại câu chuyện quan trọng này trong những lần gặp gỡ trao đổi tiếp theo.

CS MT: Xin thành kính cảm ơn Hòa thượng.

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.