Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay HT. Thiện Tâm: Cần sáng tỏ hiệu quả của xuất gia gieo...

HT. Thiện Tâm: Cần sáng tỏ hiệu quả của xuất gia gieo duyên

209

 

Thiền viện Phước Sơn, Đồi Lá Giang, Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai, là một cơ sở tu học của hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Theravada, đã tổ chức thành công khóa tu xuất gia gieo duyên theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy vào mùa An cư Kiết hạ.
 
Khóa khởi đầu vào năm 2009 đã có 150 Phật tử, phần đông là giới trẻ thuộc thành phần học sinh tham gia.
 
Khóa tu xuất gia gieo duyên đã được đông đảo Phật tử Việt Nam mọi hệ phái nhiệt liệt hoan nghênh.
 
Tuy nhiên, cũng có một ý kiến khác về loại hình tu tập này, cụ thể là bài viết “Xuất gia gieo duyên: Mặt trái của một vấn đề, mà chúng tôi tìm thấy trên trang web Ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo TPHCM. Cuối bài có ghi chú “Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả”.
 
Nhận thấy, việc trao đổi ý kiến về bài viết có tính chất phản biện này sẽ có tác dụng làm sáng tỏ hiệu quả thật sự của việc xuất gia gieo duyên, chúng tôi đã xin có cuộc thưa chuyện với Hòa thượng Thích Thiện Tâm, vị chức sắc đại diện cho Phật giáo Theravada trong cơ cấu Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ban Thường trực Hội Trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM
 
Ý kiến của Hòa thượng về những luận điểm chính mà bài viết “ Xuất gia gieo duyên. Mặt trái của một vấn đề ” sẽ giúp chúng ta hiểu một cách đúng đắn, tường tận, sáng rõ hơn về pháp tu xuất gia gieo duyên, từ đó có những cố gắng thúc đẩy tích cực hơn đối với Phật sự này.
 
Cư sĩ Minh Thạnh (CSMT): Kính bạch Hòa thượng, con được biết là Hòa thượng cũng đã đọc qua bài viết “Xuất gia gieo duyên:Mặt trái của một vấn đề”. Vậy nên, để tăng ni Phật tử mọi hệ phái của Phật giáo Việt Nam hiểu một cách đúng đắn về pháp tu này con xin lần lượt thỉnh ý Hòa thượng về một số luận điểm mà bài viết nói trên nêu ra. Đầu tiên, kính bạch Hòa thượng, phải chăng chỉ có “Phật giáo Nam Tông của bà con Khmer tại một số vùng miền Tây Nam Bộ cũng có truyền thống xuất gia gieo duyên”(như các nước Phật giáo Nam tông) còn hệ phái Phật giáo Nam tông của các sư người Kinh thì chưa có truyền thống xuất gia này”?
 
Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HTTTT): Điều đó không đúng đâu đạo hữu. Phật giáo Nam tông người Kinh cũng có truyền thống xuất gia gieo duyên như truyền thống Phật giáo Nam tông ở các nước trên thế giới.
 
Tuy nhiên, trước đây, do cơ sở chùa chiền hạn chế, nên việc xuất gia gieo duyên của Phật giáo Nam tông không tổ chức cho một tập thể một cách đồng loạt, mà thường chỉ tổ chức cho một vài vị Phật tử có thuận duyên, vào bất cứ thời điểm nào trong năm thuận tiện, có khi chỉ tổ chức cho một người.
 
Vì vậy, tin tức về những cuộc xuất gia gieo duyên riêng rẽ như vậy không được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến cho có việc lầm tưởng rằng khóa tu xuất gia gieo duyên ở Thiền viện Phước Sơn là lần tổ chức đầu tiên.
 
Nói đây là lần đầu tiên tổ chức với quy mô lớn, có hàng trăm Phật tử xuất gia gieo duyên thì đúng hơn.
 
 
CSMT: Bạch Hòa thượng, con cũng nghĩ như vậy, và hiện nay nghe nói ở Mỹ cũng có các khóa tu gieo duyên được tổ chức cả từ phía Phật giáo Bắc tông, gọi bằng một cụm từ khác, là “xuất gia đoản kỳ(1).
 
HTTTT: Thầy chưa biết nhưng một điều chắc chắn, là xuất gia ngắn hạn hay dài hạn, theo tâm nguyện và hoàn cảnh từng Phật tử cụ thể, đều là việc rất tốt, đương nhiên cần được nhân rộng.
 
Ở các nước Phật giáo Nam tông, người xuất gia gieo duyên không chỉ là Phật tử địa phương mà còn là những Phật tử trên đường tìm hiểu Phật giáo đến từ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là phương Tây.
 
Ở các nước Phật giáo Nam tông, vua chúa, hoàng thân quốc thích, chính khách, tướng lãnh, quan chức… đều trải qua xuất gia gieo duyên, mà không phải chỉ là giới hạn sinh viên học sinh, không chỉ giới hạn ở nguời trẻ tuổi.
 
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, nhưng có ý kiến băn khoăn về mặt trái của việc xuất gia gieo duyên mà cụ thể nó được miêu tả như một cách “đào tạo” sư giả.
 
HTTTT: Thế ý của đạo hữu về việc này thế nào?
 
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, con thấy đây là chuyện gán ghép khiên cưỡng. Sư giả và xuất gia gieo duyên không có liên quan gì đến nhau.
 
Muốn làm sư giả để đi làm tiền bất chính, người ta chỉ cần xuống tóc và có y bát. Tức là những yếu tố hình thức bên ngoài. Còn ngoài ra đâu cần biết Phật pháp, nghi lễ, kinh kệ…
 
Còn để bắt chước cung cách khất thực, thì chỉ cần thực tập vài phút. Con thấy nhiều sư giả chỉ đứng hay xin như người bình thường, không có “tác phong” sư, mà vẫn có người cho tiền, vì thấy để họ đứng chờ lâu thì bất nhẫn và bất tiện cho công việc làm ăn đối với nơi kinh doanh.
 
HTTTT: Xuất gia gieo duyên có 2 nội dung quyết định, là giới luật và nếp sống thiền môn nghiêm túc và đạo hạnh.
 
Sư giả dứt khoát không có hai thứ đó. Người mà có được 2 điều đó thì thành sư thật rồi, đâu còn là sư giả nữa. Vì tuân thủ theo đúng giới luật và nếp sống tự viện Nam tông, một vị sư chỉ đi xin thức ăn (khất thực), không được nhận tiền và không ăn phi thời (không ăn sau giờ ngọ, tức 12 giờ trưa). Trang bị những điều cần có ở sư thật để đi làm sư giả thì đâu có ai làm được chi, vì có được gì đâu? Đạo hữu thống nhất với thầy điều đó chứ?
 
CSMT: Dạ, kính bạch Hòa thượng, bên cạnh đó, con còn thấy nhiều điều kỳ lạ, nếu không muốn nói là ác ý, trong lập luận cho rằng tệ nạn sư giả là mặt trái của xuất gia gieo duyên. Nó vô lý cũng giống như nói rằng huấn luyện bắn súng cho người học quân sự là giúp cho người đó sau khi xuất ngũ dễ dàng làm cướp vậy.
 
Nhưng trong thực tế, làm cướp thường là những người không được học hành, còn sinh viên những người phải qua huấn luyện quân sự, thì hầu như chỉ có trường hợp cá biệt bất thường mới rơi vào con đường trộm cướp.

Tuy nhiên, bạch Hòa thượng, ý kiến trong bài viết “Xuất gia gieo duyên: Mặt trái của một vấn đề” có nói đến việc “những cô cậu choai choai vừa cạo đầu chưa sạch tóc tập tu, được bao nhiêu người cung kính, cung phụng cúng dường, sau này về đời, nếu gặp cuộc sống khó khăn, họ sẽ nghĩ lại những tháng ngày hạnh phúc trong chùa, giờ mà vào lại thì không thích, đành phải làm công việc “dễ ăn” này để kiếm sống. Chính điều này sẽ làm chúng ta thêm ngậm ngùi!”.
 
 
HTTTT: Là Phật tử Nam tông, đạo hữu có ở qua một ngày trong một chùa Nam tông chưa? Nếu đã ở qua thì đạo hữu có thể chỉ ra được ý kiến trên không đúng chỗ nào?
 
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, con cảm thấy phải cố gắng rất nhiều khi ở trong chùa Nam tông, vì việc đầu tiên là phải thay đổi thói quen ăn uống từ 3 bữa/ngày thành 1 bữa/ngày, không được ăn vặt. Đời sống tu tập theo truyền thống Nam tông không dễ dàng chút nào. Đó chỉ là làm Phật tử thôi, chưa nói đến kỷ luật của người xuất gia. Nghĩ rằng xuất gia gieo duyên sẽ “hạnh phúc” với sự cung kính cung phụng cúng dường rõ ràng là không hiểu biết gì về Phật giáo Nam tông.
 
HTTTT: Bất kỳ ở cương vị nào, cũng đều có nghĩa vụ và quyền lợi. Nhưng người xuất gia theo truyền thống Nam tông, đặc biệt là trong các khóa tu gieo duyên, chỉ được cúng dường thực phẩm (một buổi/ngày), y bát, tọa cụ, thuốc men, không có cúng dường tiền. Chỉ cúng dường những thứ tối thiểu cần thiết cho đời sống xuất gia.
 
Việc cúng dường đó là việc bảo đảm cho mức sống ở cấp giới hạn tuyệt đối, không khổ hạnh, nhưng phải tuân theo triệt để giới luật.
 
Việc cúng dường đó không thể giúp người xuất gia gieo duyên có được nếp sống hạnh phúc theo kiểu “dễ ăn” như nếp sống đời thường.
 
Nhưng bên cạnh quyền lợi rất hạn chế đó (được cúng dường cơm ngày 1 bữa giới hạn trong dung tích bình bát, không được để dành và những vật phẩm tối thiểu cho cuộc sống tu hành) là nghĩa vụ hết sức nặng nề, là giới luật.
 
Xuất gia gieo duyên khác với khóa tu ở chỗ người xuất gia phải thọ giới sa di và giữ nghiêm sa di trong suốt thời kỳ xuất gia tu học.
 
 
CSMT: Bạch Hòa thượng con hiểu xuất gia gieo duyên không phải là một chuyến đi nghỉ mát miễn phí, hay thực tập làm chức sắc tôn giáo, mà là việc tu, trước hết là bằng một cách triệt để, là thọ và giữ nghiêm giới.
 
HTTTT: Không phải chỉ tu giới, mà phải tu định, tu huệ, tu thiền, tu các thiện pháp.
 
Trong đạo Phật, người tu sĩ khác với người tín đồ không phải ở chỗ được phong cấp, mà cơ bản là ở giới luật và cuộc sống xuất gia trong kỷ luật tăng đoàn. Xuất gia gieo duyên là chịu sự ràng buộc của giới luật trước hết trong một thời gian, còn sau đó, là nếp sống quy củ của tự viện.
 
Những việc giới hạn nếp sống của người xuất gia gieo duyên trong khuôn khổ đó là nhằm hướng đến cái thiện, sự giải thoát, tinh thần trung đạo (không khổ hạnh, không lợi dưỡng, để tạo một định hướng đạo đức khi họ trở về lại cuộc đời).

CSMT: Kính bạch Hòa thượng, con nghĩ là áp lực, yêu cầu của việc tu tập xuất gia gieo duyên cao hơn so với các hình thức khóa tu dành cho Phật tử. Vì rất rõ ràng, xuất gia gieo duyên Nam tông là sống đời tu sĩ Phật giáo Nam tông thật sự trong thời gian xuất gia, trước hết là không được ăn phi thời, không được giữ tiền, phải tuân thủ giới sa di. Trong khi người Phật tử trong các khóa tu thì giữ 5 giới hay 8 giới của người cư sĩ, vẫn sống với chuẩn cư sĩ, nhưng chỉ khác là ở trong chùa.
 
HTTTT: Việc so sánh xin dành cho đạo hữu. Điều thầy xác nhận là xuất gia gieo duyên là sống đời tu sĩ đúng với những tiêu chuẩn của giới luật, trong thời gian có thể là ngắn hạn.
 
Còn có được sự cung kính, thì đó là sự cung kính đối với giới pháp bậc trên và đối với hạnh nguyện và đời sống xuất gia, không phải cung kính con người cụ thể.
 
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, vậy nghĩ là xuất gia gieo duyên thì được cung kính thì cũng là cách nghĩ sai lầm tương tự “cách nghĩ” của mảnh vải được làm quốc kỳ khi thấy người ta chào cờ, trong một câu chuyện ngụ ngôn.
 
HTTTT: Đạo hữu trình bày vấn đề có vẻ căng quá, dù là cụ thể. Thầy chỉ nói thêm là xuất gia gieo duyên theo truyền thống Nam tông không phải chỉ là “những cô cậu choai choai vừa cạo đầu chưa sạch tóc để tập tu, liền được bao nhiêu người cung kính, cung phụng cúng dường”. Đó chỉ là một góc nhỏ của xuất gia gieo duyên.
 
Còn ở một góc khác, cũng của xuất gia gieo duyên theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy là vua, hoàng thân, thái tử, hoàng tử, công chúa, quan chức…, ở các nước Nam tông… khi đi tu xuất gia gieo duyên cũng chỉ được đối xử bình đẳng như một người thợ hớt tóc, một anh nông dân xuất gia, chỉ là người tăng sĩ thọ giới sa di như nhau. Không nhắc tới điều này là khiếm khuyết đó.
 

CSMT: Kính bạch Hòa thượng, như vậy, thiết tưởng Phật giáo Theravada Việt Nam cũng cần tổ chức xuất gia gieo duyên như thế với đủ mọi lứa tuổi, để phát huy ưu điểm của pháp môn này, cũng như để giải tỏa những sự hiểu lầm.

HTTTT: Khi đó, nếu đạo hữu tu tập xuất gia gieo duyên, thì cây bút nổi tiếng được nhiều người biết đến và nể trọng của đơn vị truyền thông hàng đầu của Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng sẽ được chư tăng ni và cư sĩ Phật giáo Nam tông đối xử, có cung kính cúng dường đi nữa, thì cũng như những anh công nhân, nông dân khác xuất gia đó.
 
CSMT: Kính bạch Hòa thượng con hiểu rõ và điều đó là đương nhiên. Giới hạnh là như nhau đối với mọi người nếu thọ giới nghiêm cẩn. Con nghĩ có lẽ, cũng nên nghĩ đến việc Phật giáo các hệ phái khác nghĩ đến việc tổ chức xuất gia gieo duyên để nâng cao chất lượng tu tập trung tại chùa đối với những Phật tử có hạnh nguyện, có khả năng thọ giới cao hơn trong một thời gian, đưa họ đến gần đời sống xuất gia thực thụ.
 
HTTTT: Thầy nghĩ là nếu Phật giáo Việt Nam Bắc Tông ở nước ngoài đã tổ chức tu xuất gia đoản kỳ, tức xuất gia ngắn hạn như đạo hữu đã nói, thì có lẽ, sớm muộn gì Phật giáo trong nước các hệ phái cũng phải tính đến một hình thức “nâng cấp” như vậy cho nguời cư sĩ trong việc tổ chức các khóa tu.
 
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, như vậy, vấn đề xuất gia gieo duyên đã được làm rõ. Con nghĩ mặt trái của vấn đề ở đây chỉ là người cư sĩ xuất gia gieo duyên có tuân thủ triệt để giới luật và qui định dành cho đời sống xuất gia chặt chẽ kỷ luật như họ đã dự kiến hay không mà thôi.
 
Con xin cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian cho buổi tiếp chuyện để làm sáng tỏ vấn đề. Kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an.
MT
———————————
(1) Do thầy Hằng Trường, Hội Từ bi Phụng sự tổ chức ở Mỹ.