Trang chủ Người thời nay HT. Thiện Tâm: GHPGVN cần xây dựng trường đại học tầm cỡ

HT. Thiện Tâm: GHPGVN cần xây dựng trường đại học tầm cỡ

95

HT Thích Thiện Tâm hiện là Ủy viên thường Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó ban Phật giáo Quốc Tế TƯ,  Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh; Phó Hiệu trưởng Trường Cao Trung Phật họcTP.HCM, và nhiều chức vụ quan trọng khác.

Hòa thượng đã tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo Dục học tại Việt Nam năm 2008.

Nhân dịp nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Mahachulalongkorn, Thái Lan, Hòa thượng đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy.

Thưa Hòa thượng cho đến nay Hòa thượng là người Việt Nam thứ 5 được nhận bằng Tiến sĩ danh dự Phật học của Trường Đại học hoàng gia Mahachulalongkorn,Thái Lan. Xin Hòa thượng hoan hỉ cho biết cảm tưởng khi được nhận bằng cao quý này?

Hòa Thượng Thiện Tâm: Trường Đại học hoàng gia Mahachulalongkorn, tại Vương quốc Thái Lan, từ năm 1987, bắt đầu trao bằng Tiến sĩ danh dự cho các tăng ni và học giả trên thế giới, có nhiều đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực: Nghiên cứu, văn học, phiên dịch kinh điển, giáo dục, hoằng pháp…

Lễ trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự của trường đại học này thường được diễn ra cùng ngày với lễ phát bằng tốt nghiệp hằng năm cho các sinh viên.

Trước tôi, HT.TS Thích Minh Châu là vị giáo phẩm cao cấp của GHPGVN đầu tiên được vinh dự nhận bằng Tiến sĩ danh dự (năm 1997). Tiếp theo các năm gần đây có quí HT Thích Trí Quảng, HT Thiện Nhơn, HT Thích Giác Toàn và GS Lê Mạnh Thát cũng được nhận bằng tiến sĩ danh dự tại đại học này.

Riêng Đại đức Thích Nhật Từ cũng được tặng bằng tiến sĩ danh dự của trường đại học Mahamakut năm 2010.

Tôi nghĩ rằng đây là danh dự chung cho PGVN và cá nhân chúng tôi.

Chúng tôi tin rằng, qua sự kiện vinh dự này, sẽ góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân và Phật giáo hai nước Việt Nam và Thailand ngày càng tốt đẹp hơn trong bối cảnh hội nhập Asean và Quốc tế hiện nay.

Chúng tôi thấy việc xét tặng bằng Tiến sĩ danh dự cho cá nhân tăng ni và học giả có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu Phật học và ứng dụng vào thực tiễn Hội đồng Đại học của trường đã làm việc rất nghiêm túc, khách quan và khoa học.

Việc đại học Mahachulalongkorn hằng năm xét tặng bằng tiến sĩ danh dự cho chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo các nước có nhiều công lao đóng góp xuất sắc và hiệu quả trên các lĩnh vực hoạt động Phật sự, nhất là giáo dục, hoằng Pháp, tôi cho rằng đây là sáng kiến rất quí báu của Phật giáo Thailand và sáng kiến ấy rất được hoan nghênh.

Thưa Hòa thượng, xin Hòa thượng cho biết năm nay có bao nhiêu tăng ni và học giả nước ngoài được nhận bằng tiến sĩ danh dự và từ nước nào đến? Cụ thể những ai? 

Hòa Thượng Thiện Tâm: Trong lần phát bằng năm nay, cả trong và ngoài nước có tất cả 63 vị tăng ni và học giả được tặng bằng tiến sĩ danh dư. Về nước ngoài có 18 vị gồm nhiều vị cao tăng từ các nước. 

Là người được sớm tham gia nhiều công tác Phật giáo quốc tế và Giáo dục của Giáo Hội; ngài cũng là một tiến sĩ Giáo dục học, tham gia nhiều lãnh vực hoạt động khác của Giáo hội và xã hội, đặc biệt là hoạt động đối ngoại nhân dân và giáo dục gần 30 năm qua, xin Hòa thượng chia sẻ một vài suy nghĩ của ngài về các lĩnh vực công tác này sau khi được nhận bằng tiến sĩ danh dự Phật học tại Thailand?

Như chúng ta đều biết nước ta đang ở vào giai đoạn mở cửa của thời hội nhập quốc tế; Phật giáo có nhiều thuận duyên phát huy vai trò của minh cùng nhân dân tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Asean và cộng đồng quốc tế, qua đó xây dựng tình đồng đạo và hợp tác giữa nhân dân và Phật tử các nước trên tinh thần hữu nghị bình đẳng, tự lợi lợi tha của Phật giáo, vì hòa bình và an lạc cho nhân loại.

Để thực hiện được nhiệm vụ cao cả ấy, Ban Phật giáo quốc tế cần phải quán triệt được ý nghĩa, vai trò và nhiệm vụ trên; đồng thời cần tăng cường lãnh đạo, kiện toàn nhân sự bộ máy hoạt động Phật giáo quốc tế  và cần có sự phối hợp với hoat động đối ngoại nhân dân của Liên Hiệp các tổ hữu nghị với các nước.

Có sự kết hợp nầy sẽ tăng cường hiệu năng hoạt động chuyên ngành hoạt động Phật giáo quốc tế  của cGiáo hội chúng ta.

Mặt khác, một yêu cầu khách quan và quan trọng là nhắm đến mục tiêu vì lợi ích lâu dài của sự nghiệp phát triển đạo Pháp và đất nước phù hợp với thời đại, Giáo Hội cần nghiên cứu đề án khả thi trong nhằm chủ động xây dựng một trường đại học có tầm cở quốc tế để thực hiện sứ mệnh đào tạo tăng tài cho đất nước và có khả năng tiếp nhận tăng ni sinh từ các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Với tiềm lực của Phật giáo Việt Nam và xu thế phát triển đất nước hiện nay, tôi tin tưởng rằng, Giáo Hội chúng ta sẽ thực hiện được Phật sự này. Tin tưởng vào tiền đồ xán lạn của đất nước và Phật giáo Việt Nam, sau khi được nhận bằng tiến sĩ danh dự tại Thailand vừa qua, tôi đã có mấy suy nghĩ trên.

Kính tri ân Hòa thượng