Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Hướng dẫn Phật tử là cán bộ về hưu từ điểm tựa...

Hướng dẫn Phật tử là cán bộ về hưu từ điểm tựa truyền thống yêu nước

94

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Quận 5, tổ chức Lễ Truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương chống Mỹ hạng Nhì cho Hòa thượng Thích Minh Đức, Cố Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Khai Sơn chùa Thiên Tôn, và Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba cho Thượng tọa Thích Nhật Quang, đệ tam trụ trì chùa Thiên Tôn, đồng thời trao Bằng công nhận chùa Thiên Tôn là Di tích lịch sử cấp thành phố.

Được biết, việc truy tặng và công nhận di tích lịch sử nói trên đã được phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Lê Thanh Hải (bí danh Mười Hải), Nguyên Quyền Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM… tận tình khuyến khích, động viên và hướng dẫn nhà chùa xúc tiến hồ sơ.

Trước khi được công nhận di tích tích sử, mọi người đều biết chùa Thiên Tôn là một ngôi chùa có truyền thống cách mạng và đặc biệt nhà chùa có đến khoảng 40% Phật tử là cán bộ hồi hưu, phần lớn là cán bộ đã qua công tác ở địa phương, từng kinh qua nhiều chức vụ chủ chốt như bí thư, chủ tịch, phụ trách công đoàn, cán bộ chuyên trách của Ủy ban Nhân dân các cấp

Với nét đặc biệt trong Phật sự hướng dẫn Phật tử như thế, chùa Thiên Tôn có thể coi là một điển hình trong việc hoằng hóa Phật tử là các vị cán bộ lãnh đạo chính quyền đã về hưu.

Nhằm mục tiêu phổ biến kinh nghiệm Phật sự hướng dẫn Phật tử độc đáo này, trong tiến trình hướng đến Hội thảo Hướng dẫn Phật tử toàn quốc năm 2011, Phattuvietnam.net đã có cuộc phỏng vấn Đại đức Thích Trung San, giáo thọ chùa Thiên Tôn.

Đại đức Thích Trung San là tiến sĩ Phật học, hiện đang giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam và nhiều trường lớp Phật học.

Đặc biệt, đại đức đang phụ trách lớp giáo lý thường xuyên vào lúc 19 giờ thứ tư hàng tuần tại chùa Thiên Tôn, mà một tỷ lệ khá lớn Phật tử dự học là cán bộ về hưu như đã nói ở trên.

Phattuvietnam.net: Thưa Đại đức, xin Đại đức giới thiệu sơ nét về truyền thống cách mạng của chùa Thiên Tôn?

Đại đức Thích Trung San (ĐĐTTS): Chùa Thiên Tôn trước đây hiệu là Giác Hoàng, do Hòa thượng Thích Minh Đức (1903 – 1971) khai sơn vào năm 1947 tại bến đò Cây Keo, bến Hàm Tử. Hòa thượng là một vị chân tu yêu nước, rất tinh nghiêm giới luật, đồng thời cũng rất tích cực tham gia hoạt động yêu nước.

Năm 1952, chùa Giác Hoàng được dời về địa chỉ hiện nay số 117/3/2 An Bình, P6, Q5, TPHCM, đến năm 1954 đổi tên thành chùa Thiên Tôn.

Trong hai thời kỳ kháng chiến, chùa Thiên Tôn là một cơ sở cách mạng. Chùa mở một phòng thuốc Nam phục vụ người dân cũng như là điểm tụ họp hợp pháp, phục vụ cho hoạt động cách mạng. Trong chùa có “hầm” bí mật nuôi giấu các vị cán bộ về hội họp, cũng như các tăng sĩ Phật giáo tham gia cách mạng, như các ông: Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào…

Hòa thượng khai sơn chùa Thiên Tôn đã là một trong các vị tăng sĩ tham gia thành lập tổ chức Phật giáo Cứu Quốc Hóc Môn Gia Định, là cơ sở hoạt động kháng chiến nội thành.

Cùng hoạt động với Hòa thượng Thích Minh Đức, tại chùa Thiên Tôn, có Thượng tọa Thích Nhựt Quang. Thượng tọa vừa tu hành, vừa hoạt động rải truyền đơn kêu gọi kháng Pháp, vừa vận động tài chính lương thực, thuốc men, giấy mực, máy đánh chữ và đồ dùng chuyển vào chiến khu Đồng Tháp Mười. Thượng tọa đã viên tịch vào năm 1985, thọ 61 tuổi.

Là cơ sở cách mạng, Hòa thượng cũng là một nhà tu hành chân chính, trụ trì và khai sơn nhiều ngôi chùa ở Nam Bộ (Sài Gòn Gia Định, Long An, An Giang). Ngoài việc nghiêm túc an cư kiết hạ, Hòa thượng cũng thường nhập thất tịnh tu nhiều tháng trong năm. Thời giờ còn lại, Hòa thượng dành hết công sức để giáo hóa đệ tử và hóa độ chúng sinh.

Vào ngày 17-6-2011 vừa rồi, nhân lễ húy kỵ lần thứ 40 Hòa thượng Thích Minh Đức, Lễ đón nhận truy tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho Hòa thượng Thích Minh Đức và Thượng tọa Thích Nhựt Quang và đón nhận Bằng Công nhận Di tích Lịch sử cấp thành phố đã được UBND Q5 tổ chức trọng thể.

Phattuvietnam.net: Thưa Đại đức, truyền thống cách mạng như thế có vai trò ra sao đối với quý tăng sĩ nhà chùa trong Phật sự hướng dẫn Phật tử hiện nay?

ĐĐTTS: Cuộc đời hoạt động yêu nước và cách mạng của cố Hòa thượng khai sơn và cố Thượng tọa đệ tam trụ trì đã là tấm gương đối với chư tăng chùa Thiên Tôn trong hoạt động tốt đời đẹp đạo, cống hiến cho đạo pháp và dân tộc.

Tấm gương của nhị vị tôn đức khiến chúng tôi luôn ý thức rằng Phật sự hướng dẫn Phật tử chỉ đạt kết quả tốt khi mà người tăng sĩ tạo được sự gắn bó với quần chúng. Từ đó, chuyển hóa quần chúng thành Phật tử thuần thành, vì đạo cũng là vì đời, tốt đời cũng là đẹp đạo.

Trụ trì chùa Thiên Tôn hiện nay, Thượng tọa Thích Chơn Không được giáo hội tin tưởng suy cử vào chức vụ Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, một phần cũng do Thượng tọa thực hiện Phật sự với tinh thần gắn bó giữa đạo và đời theo đường lối của Hòa thượng khai sơn.

Như vậy, truyền thống là một phần nền tảng trong tinh thần hoạt động Phật sự của chùa Thiên Tôn. Nhờ vậy, chùa Thiên Tôn, một ngôi chùa nhỏ trong hẻm ở một con đường nhỏ tại quận 5, lại trở thành một ngôi chùa thu hút đông đảo Phật tử, trong đó có nhiều Phật tử là cán bộ hồi hưu, và cũng có một số vị Phật tử là cán bộ đương nhiệm.

Phattuvietnam.net: Thưa Đại đức, xin thầy cho biết qua những ví dụ về sự đông đảo của Phật tử sinh hoạt tại chùa, đặc biệt đối tượng Phật tử là cán bộ viên chức nhà nước đương nhiệm và về hưu.

ĐĐTTS: Có thể lấy ví dụ cụ thể để đạo hữu dễ hình dung.

Chính điện chùa Thiên Tôn hiện nay đã quá tải so với số Phật tử đến: tụng kinh, sám hối thọ Bát Quan trai hoặc niệm Phật vào mỗi chủ nhật. Nếu tính số lượng Phật tử có thể hành lễ trên chính điện trong điều kiện tương đối rộng rãi, thì chính điện chùa Thiên Tôn chỉ đủ chỗ cho khoảng 100 Phật tử.

Tuy nhiên, trong những đêm Sám hối số Phật tử đến dự lễ lên đến khoảng 150 vị. Hiện nay vào mùa nghỉ hè, nên có nhiều em học sinh lên chùa tụng kinh. Có nhiều người phải đứng hành lễ ngoài hành lang và có khi hành lang cũng không đủ chỗ đứng.

Về Lớp giáo lý của nhà chùa ổn định khoảng 50 Phật tử dự học hàng tuần. Sinh hoạt Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử cũng khá nhộn nhịp vào mỗi chiều chủ nhật.

Các Phật tử là cán bộ về hưu tham dự hầu hết các hoạt động tín ngưỡng của nhà chùa, chiếm tỷ lệ khoảng 40% trên tổng số Phật tử. Có vị còn đến công quả, hành đường.

Còn các vị cán bộ đương chức thì chỉ đến chùa lễ Phật, dùng cơm chay vào những lễ lớn. Nhiều vị vẫn nhớ ngày húy kỵ Hòa thượng Thích Minh Đức, Thượng tọa Thích Nhựt Quang, như là những nhà sư yêu nước tiêu biểu.

Phattuvietmam.net: Thưa Đại đức, như vậy, hẳn là chùa nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ chính quyền phường, quận, thành phố?

ĐĐTTS: Vâng, truyền thống là nền tảng cho quan hệ keo sơn gắn bó giữa chính quyền địa phương và nhà chùa.

Các cán bộ đương chức đến dự lễ ở chùa, có khi quý vị đến với tư cách đại diện chính quyền địa phương, cũng có khi đến với tư cách cá nhân, trong tình cảm gắn bó.

Mối quan hệ tốt giữa nhà chùa có truyền thống yêu nước và chính quyền địa phương là môi trường hết sức cần thiết cho Phật sự hướng dẫn Phật tử. Thượng tọa Thích Chơn Không, trụ trì chùa luôn nhắc nhở chư tăng trong chùa về việc này.

Nhà chùa có gì khó khăn, thì chính quyền địa phương luôn luôn kịp thời hỗ trợ giải quyết.

Có những việc tưởng chừng đơn giản, nhưng sẽ là nan giải, nếu nhà chùa không được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Chẳng hạn, vào các dịp lễ lớn, Phật tử đông kín sân chùa, mà hẻm vào chùa lại chật. Những lúc như thế thì xe gắn máy, xe con đủ loại, không biết để vào đâu, nếu chính quyền địa phương không cử đông đảo anh em dân quân đến giúp sức. Anh em dân quân Phường đội nhiệt thành công quả như Phật tử trẻ của chùa. Đây chỉ là một trong những ví dụ, còn nói về sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì rất nhiều.

Phattuvietnam.net: Thưa Đại đức, quý vị Phật tử là cán bộ đến chùa tu tập thì có khác gì so với người Phật tử thông thường không?

ĐĐTTS: Nói khác, thì vẫn có, nhưng đó không phải là cái khác của người cán bộ với người dân, mà là cái khác của người có học, đã được đào luyện qua môi trường công tác, rất có ý thức về nề nếp tác phong. Quý vị Phật tử như thế đến chùa rất đúng giờ, nghiêm cẩn trong sinh hoạt tín ngưỡng, không khác gì lúc làm việc ngoài xã hội. Quá trình công tác lãnh đạo cũng góp phần giúp quý vị trở thành người Phật tử mẫu mực.

Ngoài ra, quý vị cũng làm Phật sự hộ pháp như những người Phật tử khác, cũng thành kính cúng dường Tam Bảo, công quả đủ mọi mặt cho chùa.

Phattuvietnam.net: Từ truyền thống yêu nước, những vị Phật tử  cán bộ gắn bó với chùa. Nhưng như vậy, thì phải chăng quý vị Phật tử cán bộ đến với Phật giáo chủ yếu chỉ là vì tình cảm với ngôi chùa có truyền thống cách mạng?

ĐĐTTS: Không đâu đạo hữu. Là những người có nền tảng học vấn thế học, những vị Phật tử cán bộ khi đến với đạo Phật vẫn là những Phật tử đi đầu trong việc nghiên cứu Phật học. Quý vị thường xuyên tham vấn, đàm đạo về Phật học với thượng tọa Thích Chơn Không cũng như với tôi. Quý vị Phật tử cán bộ cũng đọc nhiều sách vở Phật giáo, từ đó họ hiểu đạo Phật rất sâu sắc và thấy được sự gắn bó mật thiết giữa dân tộc và đạo pháp.

Phattuvietnam.net: Thưa Đại đức, còn về phía nhà chùa, quý thầy có những nỗ lực gì để nối tiếp truyền thống, phát huy thế mạnh truyền thống trong Phật sự Hướng dẫn Phật tử?

ĐĐTTS: Là một cơ sở yêu nước trong 2 cuộc kháng chiến, được chính quyền địa phương tin cậy, dành nhiều tình cảm, hỗ trợ, chùa Thiên Tôn thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn nữa để xứng đáng với bề dày truyền thống.

Quan điểm như trên đã giúp nhà chùa rất nhiều trong việc xây dựng mối quan hệ tốt với chính quyền và nhân dân địa phương, từ đó, thúc đẩy mạnh hơn nữa Phật sự Hướng dẫn Phật tử.

Chùa Thiên Tôn, gồm tăng sĩ và Phật tử, luôn hưởng ứng những công tác, phong trào do chính quyền địa phương phát động, tham gia tích cực vào hoạt động từ thiện xã hội, công tác chữ thập đỏ…

Đặc biệt, chùa Thiên Tôn, với địa điểm tọa lạc là nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Hoa sinh sống, đã đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đoàn kết dân tộc, cùng phụng sự đất nước và đạo pháp dưới một mái chùa chung.

Do những thành quả đã đạt được trong hoạt động này, nên tập thể chư tăng, chư Phật tử chùa Thiên Tôn và Thượng tọa trụ trì đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đoàn kết các dân tộc”, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Chữ Thập đỏ Việt Nam”, Bằng khen của Ủy ban Nhân dân TPHCM,  Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre và Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp.

Truyền thống đã là điểm tựa để chư tăng sĩ, chư Phật tử chùa Thiên Tôn đạt được những thành quả như trên. Và những thành quả đó gắn liền với Phật sự Hướng dẫn Phật tử. Cũng có nghĩa là, công tác xã hội tích cực bao nhiêu thì Phật sự Hướng dẫn Phật tử cũng phát triển bấy nhiêu.

Truyền thống và công tác xã hội giữ vai trò gắn kết Phật tử với nhà chùa, Phật tử với Phật tử, đặc biệt là Phật tử cán bộ đã về hưu hay đương nhiệm.

Phattuvietnam.net: Kết thúc buổi phỏng vấn xin Đại đức vui lòng có một số ý kiến góp ý cho trang tin Phattuvietnam.net, để Phattuvietnam.net lấy đó làm cơ sở hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của trang web.

ĐĐTTS: Tôi đánh giá cao trang Phattuvietnam.net ở hoạt động thông tin. Tin Phật sự của Phattuvietnam.net vừa phong phú, lại vừa nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Phattuvietnam.net cũng có nhiều bài phân tích tin tức rất chính xác, sâu sắc, mà ở đó, người đọc là Tăng sĩ làm Phật sự Hướng dẫn Phật tử có thể rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích.

Chắc là Phattuvietnam.net có rất nhiều cộng tác viên, nên tin tức đủ khắp ở mọi miền đất nước.

Phattuvietnam.net: Thưa Đại đức, cũng xin thầy nói về những hạn chế để trang tin có thể khắc phục.

ĐĐTTS: Có lẽ vì do có mạng lưới cộng tác viên quá rộng nên đôi khi một số chức danh, địa danh, số liệu trong các tin đưa trên Phattuvietnam.net, thỉnh thoảng có vài chi tiết thiếu chính xác.

Tôi nghĩ là Ban Biên tập cũng biết, nên gần đây, hầu như không có sai sót nào đáng kể.  như vậy cũng là thành công rồi.

Tuy nhiên, tôi cũng xin nói ra đây để quý Tăng Ni Phật tử cộng tác với trang tin chú ý nhiều hơn đến sự chính xác của tên người, tên địa điểm, chức vụ…

Phattuvietnam.net: Thưa Đại đức, xin chân thành cảm ơn Đại đức về những góp ý cũng như về buổi nói chuyện hôm nay.

MT (thực hiện)