Trang chủ Tin tức Khách thập phương ngộp khói khi vào chùa

Khách thập phương ngộp khói khi vào chùa

99

Ở chùa Keo Thái Bình (Vũ Thư, Thái Bình), ngay trước cửa tam bảo treo một tấm biển to đề dòng chữ: “quý khách vui lòng không thắp hương trong chùa”. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn luôn phát trên loa nội quy lễ hội, trong đó đặc biệt nhắc nhở mọi người chỉ nên thắp một nén hương ở bát hương cộng đồng chung. Nhưng bỏ qua nội quy và lời nhắc nhở này, ai đến chùa cũng thắp hương đủ các ban thờ. 

Khách hành hương chen lấn với những nắm hương trong tay.

Theo một vị sư trụ trì ở chùa Keo Thái Bình, thắp hương là để lòng thành được chứng giám. Đó là tâm lý chung của khách thập phương nhưng chỉ cần mỗi bát hương thắp một nén, khách nào cũng làm như vậy thì khói hương đã có thể dày như sương mù rồi. "Đứng trong chùa một lát, chưa kịp bày tỏ lòng thành với thần linh thì đã phải vội chạy ra vì cay mắt quá", một du khách đến từ Hà Nam phàn nàn.

Cách đó 7 km về phía Tây, chùa Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) cũng ở tình trạng tương tự. Dù Ban tổ chức phải cắt đặt một người chuyên đứng nói loa để nhắc khách hạn chế thắp hương nhưng khói hương vẫn bủa vây mọi nơi. Khói ở trong chùa đã làm cho ai cũng phải sụt sịt, không thể ở trong lâu.  

Hai chiếc lò hóa vàng ở sân chùa Cổ Lễ lúc nào cũng ngùn ngụt khói.

Trong chùa đã vậy, ở ngoài sân, hai chiếc lư lớn làm chỗ hóa vàng cũng liên tục bốc khói, bụi ngùn ngụt. Ông Nguyễn Văn Thắng, người phụ trách nhắc nhở khách ở hội chùa Cổ Lễ, chia sẻ: “Để đảm bảo tâm linh thì không thể cấm đốt hương nhưng cũng phải hạn chế vì đốt nhiều vừa gây lãng phí vừa làm ảnh hưởng đến môi trường”.

Còn ở chùa Keo Hành Thiện thuộc huyện Xuân Trường (Nam Định), trước cổng lớn cũng dán nội quy nhắc thắp ít hương là điều đầu tiên. Ngoài ra, còn treo panel đề một câu thơ khá hay rằng: “Vào chùa thắp một nén hương, cũng đủ thấu đến mười phương phật đài”. Thế nhưng khói hương không vì thế mà giảm bớt. Một người trong Ban tổ chức lễ hội nói rằng, họ phải cắt cử người thường xuyên đi các bát hương nhổ bớt hương ra cho đỡ khói mà vẫn không đỡ. 

Tiền vàng, hương của khách thập phương bỏ lại chất thành đống ở chùa Keo Hành Thiện.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, việc đốt vàng hương thái quá như vậy không có lợi bởi chẳng những làm cho việc hành lễ gặp khó khăn mà đó còn làm cho đến tượng và các đồ thờ tự bằng gỗ nhanh xuống cấp, hư hỏng. "Ai đi lễ hội cũng mong muốn lòng thành của mình thấu đến các bậc thánh thần. Nhưng lòng thành mà sử dụng thái quá thì đến thần cũng phải ‘hoảng sợ", ông Thắng nói.