Trang chủ Bài nổi bật Khổ hạnh, hành xác rồi sao nữa?

Khổ hạnh, hành xác rồi sao nữa?

668

Gần đây, một người đàn ông được biết đến là “sư Minh Tuệ” nổi lên như một “ngôi sao trong làng phật giáo”.

Ông này tướng mạo gầy còm, đen xì do vầy nắng cả ngày, nhưng có ánh mắt ngời sáng, xưng “con” với tất cả mọi người trước mặt vì cho rằng “ai cũng có thể thành Phật, nên cứ xưng con cho phải phép”.

Ông Tuệ (kể rằng) mình đã nhiều lần bị đánh vì nghi là giả sư, nhưng ông đều “hoan hỉ” và cầu phúc cho người đánh mình. Ông Tuệ ăn ít (hình như chỉ 1 bữa), khất thực không nhận tiền quà thừa thãi, quấn vải rách tự may từ đồ nhặt trong nghĩa địa, ngủ ngồi và thực hành nhiều “hạnh” khác mà tôi không nhớ nổi.

Cộng đồng chia ra 2 phe để cãi lộn về ông Tuệ. Team 1 tung hô, cho rằng phải tu hạnh đầu đà “hành xác” như ông Tuệ mới là bậc chân tu và là con đường chân chính để “đắc quả” theo lời phật dạy. Team 2 cho rằng như vậy là vớ vẩn, và chẳng giúp ích gì cho cuộc đời này.

Thực ra, còn xuất hiện team 3 là team tung hô ông Tuệ để dìm hàng “một số nhà sư nhà nước mặt hoa da phấn, đeo đồng hồ rolex, xài điện thoại iPhone, đi xe lexus, ngủ máy lạnh, có một ekip “theo hầu” phục vụ ăn uống ê hề như ông hoàng bà chúa” (trích lời quy kết, tôi không kiểm chứng vì cũng không cần kiểm chứng những thứ rõ rành rành).

Tuy nhiên, các cuộc tranh cãi này hiếm khi đưa ra bằng chứng xác đáng cho việc “hành xác” là vớ vẩn thật hay có ích thật. Tất cả chỉ dựa vào niềm tin và cho rằng phe còn lại “đáng thương”, “chưa giác ngộ” hoặc đang “mù quáng”.

Tôi không tu hành gì nên xin phép đứng ngoài (và đó cũng là lý do tôi không có nhu cầu gọi ông Tuệ là thầy), nhưng tôi cũng một trải nghiệm “khổ hạnh vừa vừa” để chia sẻ. Đó là câu chuyện về “đôi dép tổ ong” thần thánh mà nhiều người thắc mắc.

Cách đây 2 tuần, khi còn ở nhà dưới Long An, tôi đã xém chút bị té khi đang xịt nước rửa sân. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ “rất hồn nhiên”, là mình trượt chân là do sân ướt! Nghĩ thế, tôi lụi cụi đi thổi hơi để sân khô ráo rồi mới yên tâm đi chỗ khác. Sau đó, tôi lượn ra sân sau nhà cọ rêu vì sợ mọi người bị té.

Thế nhưng, chỉ ngay sáng hôm sau, khi vừa bước chân ra cổng tôi đã lại suýt té lần thứ 2. Tôi rất bực mình vì cho rằng ai đó đã làm ướt sân. Nhưng sau khi soi tới soi lui thì thấy sân hoàn toàn khô ráo. Tôi đứng thừ người ra nghĩ, rồi lật ngược đôi tổ ong lên xem xét. Kết quả là đế dép mòn vẹt, không còn nhìn rõ những đường chạy dọc ngang.

“Thủ phạm đây rồi”, tôi bảo với Kỳ.

“Nhưng đôi này anh mới đi được gần 2 tháng mà?”

“Mỗi ngày anh đi bộ gần chục cây, thì 2 tháng là tận 600km ấy. Nó mòn cũng phải! Mà em thử lật hết dép nhà mình lên kiểm tra đi”.

Sau động tác này, 2 đôi dép khác được quy hoạch luôn vào sọt rác. Nghĩa là, đôi tổ ong mòn vẹt kia đã hoàn thành sứ mệnh cuối cùng của nó: nhắc nhở tôi quan tâm đến bà, bố, mẹ nhiều hơn và tránh cho họ một cú trượt chân đang đến rất gần.

Và đó là nhân quả.

Việc “gắn bó” với đôi dép tổ ong chưa bao giờ là “cách để tôi – Long làm thương hiệu cá nhân” như nhiều người nghĩ. Nó chỉ đơn giản phản ánh tính cách thật của tôi là không bận tâm đến ngoại hình, phụ kiện. Sau nữa, từ một vài lần bị “kỳ thị và phân biệt đối xử” khi bị hiểu lầm là xe ôm ba gác shipper, tôi lại muốn chủ động làm điều đó, để hiểu cảm giác của những người bị “phân biệt” nhiều hơn.

Tôi cho rằng, khi mình hiểu cảm giác mà họ trải qua, mình sẽ không vô tình làm tổn thương họ nữa. Tôi không tu, không chọn “khổ hạnh” để tìm về giải thoát, nhưng việc đó rõ ràng đã khiến tôi “giúp được” gia đình của tôi. Rộng ra, tôi có thể nhắc nhở Kỳ và nhắc nhở người khác, hãy lật đôi dép của người thân lên quan sát.

Vì thế, tôi có một dự cảm, rằng việc tu theo 13 hạnh đầu đà của ông Tuệ cũng sẽ giúp ông ấy thấu hiểu nỗi khổ của những “hoàn cảnh” giống mình, dù không chọn tu theo cách của mình.

Tất cả chúng ta đều chép miệng cảm thương khi “nhìn” một cô hàng rong kẽo kẹt đôi quang gánh giữa trưa hè đổ lửa, nhưng chỉ ông Tuệ mới “thấy” được cái khổ của họ thực sự thế nào. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng một em bé vùng cao đang “không ổn” khi “nhìn” em rét run cầm cập với đôi bàn chân sưng đỏ tấy trên nền đất lạnh, nhưng cũng chỉ ông Tuệ mới “thấy” được sự đau đớn, thống khổ đằng sau thực sự thế nào.

Tu khổ hạnh là buông bỏ để không trở thành nô lệ cho vật chất nhân gian. Không tham lam không mưu cầu thì làm sao mà khổ! Nhưng “hệ quả” của quá trình tu đó, là trải nghiệm sâu sắc về cái “khổ” trước khi thấy hình “hết khổ”. Và hệ quả tiếp theo của trải nghiệm đó là sự cảm thông sâu sắc và tuyệt đối. Điều mà tôi cho rằng những vị sư limousin chỉ giỏi hô hào lý thuyết mà thôi.

Chúng ta, khi gặp điều gì ấm ức và bất tiện, vẫn thường than thở: mấy ông quan chức đừng ngồi phòng lạnh mà làm luật nữa vì các ông đâu hiểu người dân chúng tôi đang sống thế nào! Vậy nên, tôi không cho rằng ông Tuệ sẽ “bay lên trời hay về cõi niết bàn” nào đó khi đội trời đạp đất hết 2000km hết Việt Nam này. Nhưng có một điều chắc chắn, là ông ấy “hiểu thấu nỗi đau” trần thế.

Của người nghèo, và cả của người giàu! Đừng nghĩ, chỉ người nghèo mới khổ.

Còn các vị “tu tiên”, tức là tu sướng như tiên, thì làm sao mà hiểu? Cái miệng oang oang cuối cùng cũng chỉ là con vẹt ngậm một mồm lý thuyết suông không thực chiến. Tất nhiên là lý thuyết thì cũng tốt, nhưng cái “thật lòng” nó cũng có chừng. Nên tóm lại, là tôi thấy… không tin!

Nguyễn Ngọc Long – Truyền thông Trăng Đen