Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Lặng lẽ với mùa xuân

Lặng lẽ với mùa xuân

141

Những ngày gần cuối năm – tôi thường thức dậy sớm hơn, cảm thấy lòng thư thái và bình lặng hơn khi ra ngồi ở chiếc ghế mây cũ dưới gốc cây hoa sữa bên hiên nhà. Nhìn ngó trời đất êm ả, một màu nắng rất mỏng, rất tươi của mùa xuân đang khẽ khàng bước đến… để đón đợi một ngày mới! Phút giây lặng lẽ trải lòng cùng trời xanh, đất rộng – và thiên nhiên hiền dịu tươi mát ấy đã cho tôi một ngày an vui với bao công việc cuối năm đang chờ đợi…

Có thể cái giá lạnh và ẩm ướt của những cơn mưa dầm, những ngày gió giật bão dông đang lùi xa, nhường lại cho cái nắng ấm, gió hiền của mùa xuân đang lướt đến đã làm cho lòng ta nhẹ bớt đi bao nỗi lo toan, bao điều trăn trở, như bầu trời đổi thay trong trẻo và thênh thang trên cao kia chăng? Mùa xuân với cỏ cây hoa lá trỗi dậy sức sống xanh tươi dường như cũng đã chuyễn hóa được bao tâm hồn u buồn, bao cảnh đời bất hạnh vươn lên một năng lực tiềm ẩn về một tương lai mới mẻ, an lành hơn cho đời mình! Tôi chợt nhớ câu thơ của Tống Anh Nghị đã ám ảnh tôi từ nhiều năm nay – nhất là mỗi khi xuân về: “Mỗi lần xuân, đời tôi – tôi lại bắt đầu…” . Mỗi lần hết năm cũ – mỗi lần sang xuân mới – cũng chính là mỗi lần tâm hồn ta bước sang một trang đời khác với bao ước mơ và hy vọng? Tâm hồn ta như cũng nảy mầm, trổ nụ cùng với sự đổi thay mầu nhiệm của đất trời. Có lẽ nhà thơ đã “bắt gặp” ý tưởng ấy khi “ngồi mà nhớ lại” vào mỗi lúc xuân về?

Dù cho sống trong bất cứ hoàn cảnh riêng lẻ nào, sa chân lỡ bước vào tình huống bi đát nào – thì mùa xuân bao giờ cũng an nhiên và công bình mang lại cho tất cả lòng khát khao thương yêu, nỗi mong chờ hy vọng, dù cho tháng ngày dài sắp trôi qua đời mình. Mùa xuân tựa đôi bàn tay mầu nhiệm của Mẹ hiền xoa dịu bớt những vết thương đau. Bởi vậy – mùa xuân còn là mùa thiêng liêng của những lời nguyện cầu, của khát vọng, thương yêu dành cho tất cả!

Hơn 60 mùa xuân đã lướt qua đời mình – tôi chiêm nghiệm được rằng: “Mùa xuân luôn thủy chung với những tấm lòng thành, luôn sẻ chia với cuộc đời dù năm tháng có nhọc nhằn, và cũng mãi mãi là tia nắng ấm cho nỗi khát vọng vươn lên dựng xây cuộc sống!”. Tôi luôn tự nhủ: Hãy bắt đầu mùa xuân từ tâm hồn mình trước khi đón chờ mùa xuân của đất trời chuyển đến… Và hãy ưu tiên dành thời gian cho Tình Thương Yêu, bởi đó chính là thời gian quý báu nhất của đời sống con người.

Tôi vẫn thường thức giấc vào khoảng 4 giờ sáng – thói quen nầy đã có từ lúc nào tôi không để ý, nhưng tôi không thể làm khác! Hôm nay, không biết sao – tôi lại thức dậy sớm hơn, bật chiếc điện thoại để ở đầu giường thấy mới chỉ được 2 giờ 12. Dường như đêm qua, tôi ngủ sớm hơn lệ thường – một giấc ngủ quên bất chợt, cứ chìm dần vào giấc ngủ đến nỗi chưa kịp móc mùng như thường đêm… Tôi chợt nhớ, từ ngày đất trời chuyển tiết xuân – mùa xuân đã gọi tôi thức dậy sớm chăng?

Nằm yên, cố dỗ thêm giấc ngủ nhưng không thể được. Tôi vẫn thường dỗ giấc ngủ bằng thầm niệm hồng danh chư Phật, chư Bồ-Tát, nhưng sáng nay  tôi lại tỉnh táo, không thể dễ dàng chợp mắt trở lại thêm chút nào.

Tôi quyết định xuống giường khi trời còn mập mờ ánh sáng – phía ngoài khung cửa sổ là một mầu xám và lạnh lẽo. Hình như đang có sương mù… Tôi khẽ khàng xuống gác, mở cửa, bước ra hiên: Khu chợ phía trước nhập nhoạng bóng người, từng bóng người di chuyển thầm lặng, và có trên 10 chiếc xe honda kềnh càng bao giỏ chất đầy, cao lêu nghêu phía sau, chờ rời khu chợ tản về các miền quê mang theo hàng hóa rau quả cho các phiên chợ cuối năm hối hả…

Ngồi vào chiếc ghế dựa bên hiên nhà, dưới gốc cây hoa sữa, trong nỗi yên bình trống vắng của tâm hồn và cảnh vật buổi sáng ngày gần vào xuân,  tôi nhớ đến buổi sáng của ngày 27 tháng Chạp cách nay gần 60 năm…

Mấy ngày liền trời mưa bay, khu chợ trong cảnh chiến tranh hoang tàn xám xịt,  một mầu trống vắng, hiu quạnh. Mực nước sông phía sau nhà tôi dâng đầy, con nước lũ của mùa mưa bão vẫn cuồn cuộn suốt ngày đêm. Khoảng hai giờ sáng ngày 27 tháng Chạp năm ấy (1952) – người giúp việc cho gia đình có nhiệm vụ chăm sóc riêng cho mẹ tôi nơi căn nhà nhỏ dưới phố đã đập cửa gọi anh tôi – báo tin: “Cậu ơi! Mẹ cậu đã chết rồi!”. Người anh cả của tôi mở tung cửa, vội vàng khoác tấm áo tơi lá kè, chỉ kịp quay lại nhìn hai chị em tôi đang từ trong bồ lúa đã leo ra đứng co ro bên cạnh, ấm ức khóc. Anh nói: “Mẹ đã chết rồi! Hai đứa ở nhà ngủ đi! Trời lạnh, còn sớm lắm…”

Mấy ngày sau, hình như đúng vào sáng ngày Mồng Một Tết – tôi đã đọc được câu này trên vách tường nhà của anh tôi viết bằng than: “Kể từ 2 giờ sáng ngày 27 tháng Chạp âl 1952, tôi mãi mãi không còn thấy hình bóng mẹ tôi nữa!”. Chúng tôi đã mất Mẹ từ năm ấy – năm chị tôi được 12 tuổi, còn tôi vừa tròn 8 tuổi!

Cho đến buổi sáng hôm nay – ngày 27 tháng Chạp năm 2012 – tôi đã bước vào tuổi 68 – nghĩa là, tôi đã xa mẹ tôi gần 60 năm! Sáu mươi năm, hơn nửa thế kỷ – tôi đã phải sống không cha mẹ (cha tôi đã chết khi tôi còn là một bào thai 6 tháng trong bụng mẹ) – nhớ sao hết bao nỗi khổ đau, phiền lụy của một kiếp sống như một thân cây giữa khu rừng hoang cô tịch, Vậy mà tôi đã sống. Đã lớn lên. Bằng đôi chân, tâm hồn và trí tuệ của mình để không lãng phí một kiếp làm người khó khăn bao nỗi mới thành tựu!

Sáng nay – sau gần 60 năm, cũng nơi khu phố chợ này – cũng tại căn nhà cũ thuở xưa – trời không mưa bay, chỉ có sương mù nhẹ. Con phố rộng đang thức dậy – để bắt đầu một ngày vào xuân nhộn nhịp. Phía đông, ráng mây đỏ hồng, hứa hẹn một ngày nắng đẹp. Mùa Xuân hôm nay khác mùa Xuân 60 năm trước. Cảnh vật đã muôn vàn đổi thay – khác lạ, nhưng lòng tôi, vẫn một màu buồn thương nhớ! Vẫn cô độc trong đời sống bất hạnh. Vẫn ngơ ngác trước cuộc truân chuyên của đời người, đời mình như cách nay gần 60 năm…

Tôi ngồi lặng yên nhớ Mẹ – nhưng tôi không còn giữ được chút gì của mẹ bên cạnh đời tôi: Chưa được một lần thật sự hôn lên đôi má của mẹ để có thể nhớ (dầu ngày nào bà cũng cho gọi tôi vào hôn lên trán bà), chưa được một lần cầm lấy tay mẹ âu yếm để nhìn ngắm, cho đến chưa nói được cùng mẹ một lời nào thốt lên tự đáy lòng thương yêu của mình! (cho dầu từ khi biết nói mẹ đã tập cho nói nhiều câu…). Tôi chưa làm được chút gì cho mẹ, ngoài nhận của mẹ bao biết bao tình thương yêu, sự chăm sóc, và nuông chiều hết mực dành cho đứa con trai út đáng thương!

Mẹ có biết rằng, gần 60 năm sau ngày mẹ đã đi xa, đứa con 8 tuổi ngày nào chỉ biết rong chơi – bây giờ đã trưởng thành, là cha của bốn đứa con đã tốt nghiệp đại học và chúng đang sống có ích, là ông ngoại của 5 đứa cháu, và cũng sắp sửa được làm ông nội… đang ngồi đón xuân – nhớ mẹ mà không cầm được những giọt nước mắt thương nhớ ngậm ngùi.

Một ngày xuân mới đang đến kia rồi – mặt trời đã bắt đầu rực rỡ ráng mây sắc hồng phía đông. Tôi đốt thêm một điếu thuốc, và mỉm cười, đứng dậy…

Những Ngày Vào Xuân Nhâm Thìn