Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Lễ dâng pháp y trong ngày Vu Lan Báo Hiếu

Lễ dâng pháp y trong ngày Vu Lan Báo Hiếu

211

Với đạo lý nhà Phật, mùa Vu Lan cũng gọi là mùa báo hiếu, mùa xá tội vong nhân, mùa tri ân- báo ân, mùa của tình thương và sự sống tràn đầy. Có tình thương của  ông bà- cha mẹ ấp ủ, con cháu  mới được lớn khôn giáp mặt với cuộc đời. Có tình thương của các bậc ân sư dạy dỗ chúng ta mới nên người, sống đúng đạo lý thuần  lương nhân bản. Có tình thương của đồng bào, xã hội con người mới phát huy  được tinh thần tương thân tương ái, triển khai tính năng động sáng  tạo để xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc… Là người con Phật, người con của tâm tư hiếu hạnh, dù ly hương hay đang ở quê cha đất tổ chúng ta đều không khỏi nao lòng trước ngày đại lễ tưng bừng ấy.


“… Mùa báo hiếu chí thành cung kính
Dâng đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm
Mười phương Phât lực vô biên
Pháp thân chuyển hướng thiên duyên nương nhờ …”


HoaSencungduongChuTang.jpg picture by ducdieutuong


Đạo hiếu đã thắm sâu vào lòng dân tộc Việt nam như  rễ cây cổ thụ bám chặt vào lòng đất trở thành cái đạo của tổ tông. Tình thương yêu giữa cha mẹ và con cái thật mặn nồng và mảnh liệt. Làm sao có thể diễn tả hết được mối tình đậm đà thiêng liêng cao cả của hai đấng sanh thành. Nói về tình mẹ thì rộng sâu vô tận, như đại dương bao la; Nói về tình cha thì cao ngút sánh bằng non thái.


Ngày rằm tháng bảy nhắc nhở chúng ta nhớ về gương đại hiếu của vị    Thánh TăngMục Kiền Liên- một trong những vị Đại đệ tử của Đức Phật. Lời kinh kể rằng: Sau khi chứng được lục thông, Tôn Giả Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn quan sát, thấy mẹ bị đọa đày nơi địa ngục A Tỳ  rất đau khổ và đói khát. Ngài liền dùng thần thông mang cơm đến dâng mẹ, nhưng vì tội nghiệp của mẹ Ngài quá nặng nên bát cơm bốc cháy thành than. Cảnh tượng ấy  như tiếng sét đốt cháy tâm hồn người con hiếu thảo. Ngài Mục Kiền Liên lòng đau như cắt, tha thiết cầu thỉnh Đức Phật dạy phương pháp cứu độ mẫu thân. Đức Thế Tôn dạy rằng: “ Ngày Rằm tháng Bảy là ngày cứu độ vong nhân, ngày chư Phật hoan hỷ, chư Tăng tự tứ sau ba tháng an cư tu học, ông nên thiết lễ cúng dường Tam Bảo, nhờ oai lực của Tam Bảo và công đức chú nguyện của Thập Phương  Tăng mẹ ông mới mong thoát khỏi kiếp ngạ quỹ sanh về nơi an lạc”. Ngài Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, kể từ đó tấm gương hiếu hạnh của Ngài được lưu truyền mãi trong hậu thế.


Cũng vào dịp này, Phật tử dâng pháp y lên cúng dường lên chư Tôn Đức Tăng Ni để chúc mừng chư vị tăng thêm một tuổi đạo, sau ba tháng an cư tu tập được viên mãn. Trong niềm tôn kính hỷ lạc vô biên, Tam Bảo và Tăng chúng là nơi cho hàng Phật tử gieo ruộng phước lành. Vì Đức Phật dạy: Hàng Phật tử có bốn miếng ruộng phước thuận lợi. Đó là: Kỉnh điền, Ân điền, Nghĩa điền và Bi điền.


Kỉnh điền: nghĩa là sự cúng dường Tam Bảo.
Ân điền: là sự phụng dưỡng cha mẹ.
Nghĩa điền: là sự tương giao tốt đẹp với lục thân quyến thuộc, với xóm giềng lân cận.
Bi điền: là sự chia cơm sẻ áo cho những người nghèo cùng khốn khổ.


Và Pháp Y đó chính là pháp khí, là bảo vật vô giá để chư Tôn đức Tăng Ni làm hành trang  trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, xiển dương đạo pháp.


Từ những ý nghĩa trên, Lễ dâng pháp y thật sự đã trở thành một ngày lễ thiêng liêng của người con Phật khắp nơi :


 “Ca Sa  oai đức vô cùng
Sắc vàng thanh bạch của hàng Sa Môn
Noi gương Từ Phụ Thế Tôn
Hoằng khai giáo pháp khắp nơi lưu truyền …”


BinhBatcungduongChuTang1.jpg picture by ducdieutuong


BinhBatcungduongChuTang.jpg picture by ducdieutuong


HoaSenTuTu.jpg picture by ducdieutuong


YAocungduongChuTang.jpg picture by ducdieutuong


YAocungduongChuTang1.jpg picture by ducdieutuong