Trang chủ Tết Việt Phong tục Lễ tết trong cung đình thời Nguyễn

Lễ tết trong cung đình thời Nguyễn

106

Lễ Tết trong cung đình Huế bắt đầu từ ngày mồng Một tháng Chạp hằng năm với lễ Ban sóc. Ban sóc là lễ phát hành lịch do Khâm thiên giám soạn từ trong năm, được tổ chức tại điện Thái Hòa, nhưng từ năm 1840 thì tổ chức ở Ngọ Môn.


Nhà vua thân hành dự lễ và tuyên chỉ ban lịch cho bá quan trong triều và cho các tỉnh thành trong nước. Sau lễ Ban sóc, triều đình bắt đầu ngưng giải quyết các công việc cho đến thượng tuần tháng Giêng. Nếu năm nào tiết Lập xuân đến sớm thì có thêm lễ Nghinh xuân, tổ chức đúng vào ngày Lập xuân. Lễ Nghinh xuân thời Nguyễn tương tự lễ Tiến xuân ngưu thời Lê, nhưng không được tổ chức ngoài đồng mà diễn ra ở cửa Chánh Đông của kinh thành Huế và do quan Phủ Doãn Thừa Thiên chủ trì.


Lễ vật chính trong lễ này là một con trâu bằng đất để dâng tế thần Câu Mang (thần mùa xuân) nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mạ xanh thóc tốt và tống tiễn khí lạnh mùa đông, đón mừng xuân mới.


Tiếp theo là lễ Phất thức, tức là lễ lau chùi ấn tỷ và kim sách của triều đình. Lễ diễn ra tại điện Cần Chánh và chỉ có các quan từ hàm nhất, nhị phẩm trở lên và các quan viên trực tiếp làm việc tại Nội Các và Cơ Mật Viện mới được tham gia.


Ngày 30 Tết, triều đình cử hành lễ Cáp hưởng, tức là lễ mời các vị tiên đế về “ăn Tết”.  Nhà vua thân hành đến Thái Miếu hoặc Thế Miếu làm chủ lễ. Sau lễ Cáp hưởng, triều đình làm lễ Thưởng tiêu (dựng cây nêu) ở trước điện Thái Hòa. Đến tối 30 Tết, toàn kinh thành mới đốt pháo lên nêu.


Ở trong triều, quan Hữu ty chuẩn bị thiết đại triều ở điện Thái Hòa và thiết thường triều ở điện Cần Chánh. Ngự tọa (ngai vàng) thiết ở chính thất điện Thái Hòa, phía trước có đặt hoàng án với đỉnh trầm nghi ngút khói để thêm phần trang trọng cho buổi lễ. Chỉ có quan lại thuộc hàng nội thân mới được “thượng điện”.


Bá quan văn võ từ tam phẩm trở lên đứng ở thềm điện, từ tứ phẩm trở xuống chầu ở dưới sân rồng. Tờ mờ sáng mồng Một, sau hồi trống lệnh thứ ba, lá cờ vàng đại lễ được kéo lên Kỳ Đài. Hoàng Thành rợp sắc cờ khánh hỉ và rộn vang tiếng nhạc, ca sinh. Vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, cầm hốt trấn khuê ngự ra điện Cần Chánh rồi lên kiệu, qua Đại Cung Môn đến điện Thái Hòa.


Lễ Vạn tuế mừng tết nhà vua bắt đầu trong tiếng pháo lệnh trên thượng thành và trong tấu khúc Lý Bình của ca sinh và các nhạc công ở nơi đại điện. Sau khi nhận lễ mừng lạy của quần thần, vua truyền chỉ ban yến và ban tiền thưởng xuân cho hoàng thân quốc thích cùng bá quan văn võ rồi lui về điện Cần Chánh.


Cũng trong ngày mồng một Tết, vua đích thân tiến cung Diên Thọ, nơi ở của hoàng thái hậu để mừng thọ quốc mẫu trong một nghi lễ gọi là lễ Khánh hạ. Nhà vua còn thân hành đến làm lễ Tế hưởng tại các miếu thờ tổ tiên trong Đại Nội như Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu… Từ mồng 3 đến mồng 5 Tết, vua thường đi thăm các bậc ân sư, đi lễ các chùa, viếng lăng tẩm của tiên đế hay thực hiện các cuộc du xuân ra ngoài kinh thành để xem xét dân tình ăn Tết và hưởng xuân.


Ngày mồng Bảy, triều đình làm lễ Khai hạ (hạ cây nêu), quan viên các nha, bộ làm lễ khai ấn, bỏ niêm phong, tượng trưng cho việc bắt đầu một năm làm việc mới. Ngày mồng Tám, triều đình làm lễ Cáp hưởng đầu năm tại các miếu và đưa tiễn linh hồn tiên đế các về chốn cũ sau kỳ hưởng Tết. Tuy nhiên, phải đến sau lễ Nguyên tiêu và ngày Rằm tháng Giêng thì Tết lễ trong cung đình mới thực sự chấm dứt.


Do những nghi thức quan trọng diễn ra trong cung vào dịp Tết nên triều đình đã ban hành điển chế quy định trang phục và phẩm phục để nhà vua, hoàng gia và quan lại mặc trong các dịp lễ Tết. Theo đó, vào các dịp lễ trọng, diễn ra ở những vị trí trọng yếu như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Thái Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ… thì nhà vua, các thành viên hoàng gia như thái hậu, thái phi, hoàng tử, công chúa… cùng các thần công, đại thần đều phải mặc trang phục đại triều. Dưới đây là một số trang phục đại triều mà vua và hoàng gia triều Nguyễn thường mặc trong các dịp lễ Tết:


– Long bào: Là áo vua thường mặc trong các dịp Tết lễ và trong các kỳ thiết đại triều. Lớp ngoài long bào được may bằng sa nam, loại vải chỉ dành riêng cho vua và hoàng tử. Lớp lót trong bằng sa ba. Áo được thêu bằng chỉ bóng và chỉ kim tuyến.



Một chiếc long bào theo qui định được trang trí 9 con rồng năm móng. Đoạn viền dưới vạt áo của long bào được trang trí hồi văn thủy ba, sóng nước, tam sơn và những dải tản vân. Những chiếc long bào vua mặc trong lễ Vạn Thọ (sinh nhật của vua) hoặc Thánh Thọ (sinh nhật của hoàng thái hậu) còn được trang trí các lời cầu chúc như Vạn Thọ, Trường Thọ, Phúc Thọ… Màu vàng đậm được dành riêng cho loại áo này. Ngoài hình rồng và những áng mây, phần thân và tay của một chiếc áo đại triều của vua cũng được trang trí hình con dơi, biểu tượng của may mắn và hạnh phúc và hình chữ Thọ cách điệu.


– Phụng bào: Là áo hoàng quý phi mặc trong các dịp lễ Tết quan trọng. Lớp ngoài phụng bào được may bằng sa bóng. Lớp lót trong làm bằng nhiễu. Áo được thêu bằng chỉ bóng và chỉ kim tuyến. Một chiếc phụng bào thường được trang trí 3 hình chim phượng đang bay ở chính giữa thân áo; hai tay và phần còn lại  phía trên thân áo thêu hình các cụm mây ngũ sắc.



Đoạn viền dưới vạt áo của phụng bào cũng trang trí hồi văn thủy ba, sóng nước, tam sơn và những dải tản vân. Trên chiếc phụng bào hoàng quý phi cũng có những chữ Thọ, Phúc… kết bằng các hạt cườm màu trắng và màu đỏ để cầu mong hạnh phúc và trường thọ.


– Mãng bào: Là áo các hoàng tử thường mặc trong các dịp lễ Tết và khi tham dự thiết đại triều. Lớp ngoài mãng bào được may bằng đoạn bát ti và lớp lót trong là loại sa dệt dọc đặc biết gọi là xuyến dọc. Mãng bào được trang trí chín con rồng bốn móng. Vì những con rồng chỉ có bốn móng nên chúng không còn là rồng nữa mà trong trường hợp này chúng trở thành những con mãng xà.



Riêng áo đại triều của hoàng thái tử thì lớp ngoài được may bằng sa nam và lớp trong bằng the bát. Hoa văn trên áo hoàng thái tử thêu hình viên long (rồng cuộn tròn) trên nền áo màu vàng sẫm hay da cam. Gấu áo của hoàng thái tử có thêu đồ án cá chép hóa rồng nổi trên nền màu đỏ.


Áo đoàn phụng nhật bình công chúa: Đây là áo đại triều của công chúa, được trang trí mười ba hình con phượng lớn thể hiện dưới dạng cuộn tròn. Trong những vòng tròn này thêu hình mặt trời và cái bầu như tên gọi của chiếc áo: nhật là mặt trời và bình là cái bầu.



Ngoài hình chim phượng, áo của các công chúa triều Nguyễn còn được trang trí hình hoa trái tứ thời và bát bửu. Ngoài ra, trong một số dịp lễ nghỉ, công chúa còn mặc áo đoàn loan nhật bình có lớp ngoài may bằng đoạn bát ti, lớp trong bằng lụa mỏng gọi là quế đơn. Những đường viền ngũ sắc ở cửa tay áo đoàn loan nhật bình tượng trưng cho thuyết Ngũ hành của Dịch học: màu vàng (thổ), màu đỏ (hỏa), màu xanh thẫm (thủy), và màu trắng (kim).Trên viền cổ áo còn có hình năm con chim phượng.


– Áo mệnh phụ hoàng thái hậu: Đây là chiếc áo mà các thái hậu và thái phi mặc trong các dịp lễ Tết để đón nhà vua đến chúc thọ. Lớp ngoài áo được may bằng đoạn bát ti, lớp trong may bằng nhiễu tứ quí. Viền cổ áo được trang trí chín con chim phượng. Trước ngực có một hai mảnh kim bội bằng vàng chạm hình chim phượng, có khuy móc vào nhau, dùng thay hạt cúc.



Ngoài quần áo thì hia, hài cũng đóng vai trò quan trọng trong phục trang của vua chúa triều Nguyễn trong các dịp lễ, Tết. Trong những dịp này, vua và các hoàng tử thường đi hia màu đen, có thêu hình rồng hoặc hình con mãng bằng kim tuyến, còn thái hậu, quý phi và các công chúa thường đi hài thêu hình chim phượng bằng hạt cườm hay hạt mã não.