Trang chủ Quốc tế Liên hoan thơ ca quốc tế ở đất Phật

Liên hoan thơ ca quốc tế ở đất Phật

48

Ông Geetesh Sharman, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Việt – Ấn, cùng ba nhân viên chờ sẵn từ hai giờ trước, choàng lên vòng hoa lài chào đón với vòng tay ôm nồng ấm.


 


Hội thơ


 


Vì lễ khai mạc World Poetry Festival lần thứ 3 chính thức vào ngày 24-1-2009 nên chúng tôi ở tạm khách sạn Assam đường Russel để làm quen với cuộc sống nhộn nhịp của người dân Kolkata. Chúng tôi đi thăm hai ngôi đền lớn Dakhsineshwar Kali, Jain, trụ sở làm việc của Ủy ban Đoàn kết Việt-Ấn… Điều cảm động là ông Geetesh hớn hở hướng dẫn chúng tôi tham quan công viên lớn thành phố, nơi có dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và chụp hình kỷ niệm ngay con đường mang tên Hồ Chí Minh.


 


Đúng ngày 24-1 chúng tôi chuyển sang khách sạn Member Of Legislative Assembly, số 20 đường Kyed ở chung với các đoàn khách quốc tế khác.


 


Chính thức tổ chức International Bengali Poetry Festival bang Kolkata, Ấn Độ mời đoàn VN tham dự World Poetry Festival lần thứ 3, từ ngày 24 đến 26-1, thông qua Hội Nhà văn VN. Ngoài ra, tổ chức Ủy ban Đoàn kết Việt – Ấn (Indo – Vietnam Solidarity Committee) do ông Geteesh Sharman làm chủ tịch mời thêm hai nhà thơ ở Đà Nẵng là Nguyễn Nho Khiêm, Mai Hữu Phước. Ấn tượng sâu đậm nhất là nước bạn rất yêu mến VN, dành nhiều sự chăm sóc ân cần như người thân trong gia đình. Liên hoan tiến hành tại Trung tâm Văn hóa Rabindranath Tagore, ở số 9A đường Hồ Chí Minh. 








 Đoàn Chủ tịch Liên hoan Thơ  ca quốc tế

 


Lịch làm việc thật căng thẳng, sau lời khai mạc của giáo sư Ashis Sanyal, Chủ tịch World Poetry Festival, liên tục mỗi bang có thời gian một giờ để các nhà thơ lên đọc  bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau gồm Bengali, Hindu, Sancrit… Ngôn ngữ giao tiếp chung là tiếng Anh. có 260 nhà thơ ở các bang trong nước Ấn Độ đến dự cùng 25 nhà thơ của 6 nước gồm Ý, Bulgaria, Iceland, VN, Jordan, Bangladesh. Đến 20 giờ nghỉ. khách được chiêu đãi trọng thể ở các nhà hàng, câu lạc bộ báo chí đến 24 giờ  mới về đến khách sạn nghỉ ngơi.


 


Hai ngày 25 và 26-1 vẫn làm việc từ 10 giờ  đến 20 giờ.các nhà thơ mỗi nước lên đọc thơ khi có lời mời. Đêm cuối cùng, tất cả nhà thơ sáu nước lên ngồi bàn chủ tịch nắm tay nhau, hô vang câu: “Long Live Poetry” nhiều lần. Điều này khiến tôi nhớ đến câu “Cái đẹp cứu chuộc thế giới” của nhà văn Nga Dostoievsky.


 


Bên ngoài Hội thơ


 


Thành phố Kolkata đầy quạ, sáng nào cũng kêu inh ỏi. sự tương phản về văn minh đô thị rất khó hiểu, vẫn còn xe do người kéo và  hệ thống metro hiện đại chằng chịt… Đoàn VN được tham quan tất cả những thắng cảnh đẹp như Viện Bảo tàng Ấn, cầu treo, thư viện quốc gia, nhà nghỉ nữ hoàng Victoria


 


Giá cả sinh hoạt ở thành phố Kolkata cực rẻ. bữa ăn sáng khoảng 5.000 đồng, ly cà phê khoảng 1.000 đồng. Cuốn tuyển tập tranh S. Dali bày ở nhà sách Xuân Thu giá 1,8 triệu đồng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín mua ở hội chợ sách quốc tế ở Kolkata chỉ đúng 700.000 đồng.


 


Điều đáng kinh ngạc là dân tộc Ấn yêu thơ cuồng nhiệt và trân trọng thơ ca như điều thiêng liêng trong sâu thẳm tâm hồn mình.


 








Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín (trái) và tác giả ở đường Hồ Chí Minh – Kolkata

 


Đúng ngày Tết cổ truyền VN, ông Geetesh tổ chức liên hoan có bánh đậu xanh Rồng Vàng, uống bia, whisky, ca hát chung các nhà thơ quốc tế rất vui vẻ. Xa nhà nhưng trong đoàn ai cũng ấm lòng, nhất là có chị  Phan Thanh Thủy, tùy viên văn hóa của Lãnh sự quán VN ở New Delhi, bay xuống chúc Tết và nhà thơ Inra Jaka, con trai nhà thơ Inrasara, đang tu nghiệp khóa kỹ năng giao tiếp xã hội, đi xe lửa đến chung vui mừng năm mới. Vào ngày 29-1, tôi và Nguyễn Trọng Tín đáp xe lửa sang bang Bihar viếng chùa VN Phật Quốc Tự ở Buddha Gaya do thầy Thích Huyền Diệu chủ trì. May mắn là thầy đi xe hơi suốt 24 giờ từ chùa Lâm Tỳ Ni ở Nepal vừa về tới nơi.


 


Ngôi chùa VN này được xây cất đầu tiên trên vùng đất đầm lầy, sau đó dấy lên phong trào các nước đến đây xây chùa, giờ có khoảng 22 ngôi chùa như Thái Lan, Myanmar, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngôi chùa có tháp chuông, nơi thờ tự, phòng nghỉ cho khách viếng chùa. Đặc biệt tất cả cây, hoa đều đem từ VN sang, thợ xây cất là người xứ Huế. 


 


Luôn có nhiều điều bất ngờ thú vị khi viếng thăm chùa này. chúng tôi gặp sư cô Khema, tốt nghiệp Khoa Văn Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, ở chùa Myanmar, sang giúp thầy Huyền Diệu; thầy Minh Mẫn ở Hóc Môn sang làm công quả 6 tháng tại chùa… Bồ Đề Đạo Tràng có gốc bồ đề nơi Đức Phật giác ngộ, nhập niết bàn đông đúc, các tín đồ từ Tây Tạng, Myanmar, Thái Lan… đến chiêm bái, bày tỏ lòng thành. Tôi nhớ mãi câu nói đùa của thầy Huyền Diệu: “Khi đi mua sắm ở đất Phật chớ nên bị con ma shopping ám…!”.


 


Chúng tôi về đến Sài Gòn đúng mùng 7 Tết, hưởng được chút ít hương vị muộn màng của cái Tết Kỷ Sửu.