Nhân quả tương quan trùng điệp. Ví như trong cùng một tâm cảnh nhưng dưới cơn mưa có cây nhận nhiều nước có cây nhận ít nước.
Cũng như vậy, hạt giống lép thì cho dù đất tốt màu mỡ đến đâu cũng không thể nảy mầm sinh trưởng, đơm hoa kết trái. Ngược lại hạt giống chắc bền nhưng gieo vào mảnh đất cằn cỗi không đủ độ ẩm thì cũng không thể nảy mầm.
Khi nhìn vào cơn mưa, ta thấy nó là một nhân một duyên cho hạt giống nảy mầm, nhưng cơn mưa, chính nó cũng là kết quả của một dạng thời tiết. Đồng thời, cơn mưa có thể là thuận duyên cho hạt giống nảy mầm nhưng cũng là nghịch duyên cho những ai đang phơi khô thóc để cất đi.
Quán sâu thêm thì cùng cơn mưa mà gây ra yêu với người này mà ghét với người khác. Với hạt giống thì nó không phân biệt cơn mưa, nhưng với con người thì sinh ra ghét yêu…
Như vậy, một cái nhân có thể sinh ra nhiều quả và một cái quả có thể đến từ nhiều nguyên nhân.
Thông thường, bị chê bị ghét là quả xấu mình gieo, được khen được ca tụng là nhân tốt mình trồng. Nhưng hiểu điều chê để điều chỉnh mình thì nó lại trở thành duyên tốt cho tu tập ứng xử. Chìm đắm trong lời khen rồi khởi ngã mạn có thể lại biến thành nghịch duyên làm ta suy thoái.
Vì thế, cùng một nhân duyên quả mà sinh ra lợi hại như cơn mưa kia vậy. Và từ nhân duyên quả ấy sinh ra trùng trùng những nhân quả khác.
Cho nên nhân quả tương quan tương duyên rất rộng lớn. Khởi động trăm sự động. Một chính sách đưa ra sẽ có biết bao nhiêu người phải nắm bắt để điều chỉnh. Bản thân chính sách cũng phải điều chỉnh vì rất có thể nó có lợi với người này mà có hại với người kia.
Trước tương quan ấy, đừng vội nghĩ một phát ngôn nào đó là chân lý. Vì thế kinh Phật chỉ được xem là kinh Phật khi hội đủ “lục chủng thành tựu” (người nghe, người tin tưởng, thời gian thích hợp, có Phật hiện diện, có nơi phù hợp, gồm đủ pháp học pháp hành). Có thể nói gọn kinh điển nói ra phải khế lý (hợp chân lý), khế cơ (hợp căn cơ), khế thời (hợp thời đại)…
Hợp chân lý mà không hợp căn cơ thì chẳng ai hành theo được, còn không hợp thời đại thì nói ra chỉ để thoả trí tò mò và tiêu khiển thôi.
Cũng từ đây trong giáo lý đạo Phật mới có thuật ngữ “Chánh pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp”.
Tại sao như vậy? Ví như ở hoàn cảnh này, môi trường khí hậu này bạn có thể trồng sầu riêng ra trái mà ở nơi khác thì không thể. Ngay cả khi chất đất trồng có thể ra trái giống nhau nhưng khí hậu thời tiết khác nhau thì cách chăm khác nhau.
Cách chăm chuẩn ở vùng này có thể ví như chánh pháp, nhưng nó sẽ bị bỏ khi áp dụng vào vùng khác.
Cũng như vậy, ngay trong gia đình những chuyện người cha người mẹ nói với nhau cũng lựa xem chuyện ấy nói trước mặt con cái và người ngoài có thích hợp hay không.
Tại sao tất cả ngôn ngữ kinh điển chỉ được ví như phương tiện, vì nó chỉ hữu dụng khi khế lý, khế cơ, khế thời.
Trong 10 câu, ta nói đúng 8 câu, nói sai 2 câu, có thể 8 câu đúng người ta nghe để biết, nhưng 2 câu sai lại có bao người bắt chước làm theo, hậu quả sẽ thế nào.
Vì vậy tại sao nghiệp thân có 3 (sát sinh, trộm cắp, tà dâm), nghiệp ý có 3 (tham, sân, si) nhưng nghiệp khẩu có 4 (nói lời hung ác; nói lưỡi đôi chiều, đơm đặt phải trái; nói lời vô ích; nói lời mê hoặc, nịnh bợ, tâng bốc). Điều đó nhắc nhở chúng ta tu khẩu nhiều hơn.
Nhìn vào cuộc sống thấy nhiều người liều lĩnh quá, khen chê bất chấp.
Khen chê khoa sức, nhào nặn cho vừa ý mình một cách bất chấp đều là nói dối. Huống chi nói dối làm cho tâm người ta xao động, gửi niềm tin tưởng, quẩn quanh mê mẩn. Khi cái tưởng trở nên sai lệch thì cái nghĩ đúng dần bị che khuất, chỉ còn ngã ái cảm tính.
Vì vậy, bậc thánh nói ít, khi thích hợp, đúng chân lý, đúng căn cơ, đúng thời điểm họ mới nói. Còn chúng ta do ngã kiến, ngã si, ngã mạn, ngã ái, cứ nói bất chấp, nói như một cái máy và do ngã mạn tưởng mình nói ra điều gì cũng là chân lý.
Nói tóm lại những gì đang diễn ra trong xã hội này đều là những tương quan nhân quả mật thiết, với ai – lợi ở đó mà hại cũng ở đó.