Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Mấy ý kiến về phong trào thanh thiếu nhi Phật tử ở...

Mấy ý kiến về phong trào thanh thiếu nhi Phật tử ở miền Bắc hiện nay

82

Từ thực trạng phổ biến


 


 Mùa Phật đản 2007, khi tham dự các Phật sự tại cố đô Huế, tôi đã phần nào thấy được vai trò và lực lượng của thanh thiếu nhi Phật tử trong phong trào Phật giáo nơi đây.


 


Ở Huế, thanh thiếu nhi Phật tử rất đông đảo, là một bộ phận quan trọng, hữu cơ của hai chúng Phật tử tại gia. Đây là lực lượng dự bị hùng hậu, được bồi dưỡng và đào tạo chu đáo về lòng tin, đức hạnh và tri thức, có thể kế thừa và phát triển truyền thống của cha anh, những người  đã được hun đúc và trưởng thành trong lịch sử bi tráng của dân tộc.


 


Với tư cách là Phật tử nhưng còn nhỏ tuổi, các em chủ yếu hoạt động trên các phương diện: học tập và thực hành giáo pháp, tham gia sinh hoạt trong các tổ chức chung với các Phật tử lớn tuổi trong các gia đình Phật tử, đồng thời tham gia các tổ chức dành riêng cho các em. Ở đó các em là trung tâm của các hoạt động, dưới sự chỉ dạy và quản lý của các anh chị lớn tuổi.


 


 Đội ngũ đông đảo, tổ chức chặt chẽ, hoạt động có bài bản, kế hoạch, phù hợp với độ tuổi và hiệu quả là điều có thể nói về phong trào thanh thiếu nhi Phật tử ở Huế.


 


Trong khi đó miền Bắc nói chung, thậm chí ở các tỉnh thành trung tâm như Hà Nội, Hà Tây, Hưng Yên, Nam Định…, phong trào thanh thiếu niên Phật tử, về đội ngũ, tổ chức, hoạt động, vai trò dường như chưa có gì. Nếu thấy có các em xuất hiện ở đâu đó thì chỉ là đội ngũ làm lễ tân, dâng hoa hay biểu diễn văn nghệ…Và theo tôi được biết, tập hợp đó cũng chỉ có tính mùa vụ và rời rạc, xong Phật sự đó thì lại trở về con số không.


 


Trong hơn 1 năm trở lại đây, ở miền Bắc có sự ra đời của tổ chức Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử, (người viết bài này từng có thực tế nửa năm tham gia sinh hoạt ở đó), đã khởi động được một số công việc có ý nghĩa. Nay nhìn lại đội ngũ thành viên, tổ chức, hoạt động và hiệu quả của CLB này, thấy có nhiều điều cần phải suy nghĩ, để điều chỉnh một cách toàn diện, nếu không muốn rơi vào tình trạng đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi, để rồi èo uột mà tan rã.


 


Có thể nói, hiện nay, tuy nhu cầu của thanh thiếu nhi Phật tử miền Bắc về một tổ chức hoạt động có tính chất Đạo pháp là có thật và bức xúc, nhưng chúng ta chưa làm gì để có thể đáp ứng nhu cầu đó. Bài toán nan giản này đang đặt ra với chúng ta, trước hết là các tổ chức và cá nhân liên hữu trong Giáo hội, đòi hỏi phải được giải đáp.


 


Đến thực tế một chuyến đi


 


Đầu tháng 8 này, cách đây mấy hôm, tôi có dịp về chùa Viên Chiếu ở thôn Trầm Thượng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, cách Tổ đình Viên Minh do Hoà thượng Thích Phổ Tuệ trụ trì chừng hơn một cây số.


 


Tối hôm ấy, chừng 7 giờ, tôi bỗng thấy có khoảng 60 em thiếu nhi lũ lượt kéo đến tụ tập ở sân chùa Trầm. Em nhỏ thì 5-6 tuổi, em lớn thì 15-17 tuổi. Mỗi em mang một cuốn sổ nhỏ và một cây bút. Đến nơi, các em tự giác trải chiếu, bật điện và ngồi ngay ngắn, có hàng có lối trên sân chùa. Có cả các bậc cha mẹ, ông bà cũng theo con cháu đến đây để quan sát, chia sẻ. Tôi cứ ngỡ thiếu nhi trong làng mượn sân chùa để sinh hoạt đội, đoàn.


 


Hỏi ra thì được biết, sư bác Thích Nguyên Hưởng – đệ tử của Tổ đình Viên Minh, đang học năm thứ 2 trường Trung cấp Phật học Hà Tây, trong dịp nghỉ hè này đã tổ chức sinh hoạt cho các em thiếu nhi ở làng đây.


 


Sư bác tâm sự: mặc dù trong 3 tháng hạ, nhà trường cho Tăng Ni sinh về chùa tu tập, nhưng lại là dịp an cư kết hạ nên rất bận rộn. Nhất là ở Tổ đình Viên Minh năm nay lại mở tân trường Hạ, công việc rất nhiều, là sư bác tùng tăng an cư lại càng bận rộn hơn.


 


Nguyên lai của lớp thanh thiếu nhi Phật tử này cũng rất tự nhiên. Khi sư bác và chú Nguyên Tiến (một chú hình đồng xuất gia đã 4 năm cũng tại Tổ đình Viên Minh, vừa tốt nghiệp Phổ thông trung học, đang chuẩn bị thọ Sa di giới), sang chùa Viên Chiếu để tập đánh trống, thì thấy có nhiều em thiếu nhi tò mò sang chơi xem.


 


Làng Trầm Thượng là một làng có quá nửa dân số là Giáo dân. Các em thiếu nhi bên đó thường sinh hoạt ở nhà thờ. Điều đó kích thích, tạo nên tâm lý càng thiếu hụt cho các em bên Lương, mà phần lớn có cha mẹ, ông bà thờ Phật. Các em có nhu cầu muốn được sinh hoạt tập thể dưới mái chùa, như các bạn bên Giáo sinh hoạt ở nhà thờ vậy.


 


Trước nhu cầu đơn giản, đầy tính tự nhiên và nhân bản đó, được sự đồng tình, cổ vũ của các bậc phụ huynh, bác Hưởng và chú Tiến đã xin phép Thầy, tập hợp các em lại, chia thành các tổ nhỏ theo độ tuổi, mỗi tổ mươi em, cử những em tháo vát làm tổ trưởng, để các em tự quản, đề ra nội quy, hàng đêm các em đến chùa sinh hoạt chừng 2 giờ.


 


Nội dung sinh hoạt cũng khá đơn giản, dạy và giúp các em thực hành thưa gửi, đi đứng nói năng sao cho lễ phép, từ tốn. Dạy cho các em biết các danh từ phổ thông của đạo Phật, biết lễ Phật, niệm Phật. Kể cho các em nghe những câu chuyện Phật giáo gần gũi như các câu chuyện cổ tích vậy. Có khác chăng là khi kết thúc các câu chuyện thì có phần gợi ý để các em chia sẻ và rút ra bài học cho chính mình.


 


Thấy các em nhỏ ngây thơ mà thành kính chắp tay búp sen bái Phật, bái thầy xưng con, tôi thực sự xúc động.


 


 Rồi nữa, dạy cho các em tập hát các bài ca Phật giáo. Có thể các em chưa hiểu được bao nhiêu ý nghĩa của ca từ, chưa nắm được cách diễn xướng nhưng nhìn vào từng đôi mắt trong trẻo, tôi nhận thấy, ở đó cái ác đã dần xa và mầm thiện đang nảy nở.


 


 Khi những ca khúc như: Phật giáo Việt Nam, Ánh đạo vàng, Kính mừng thầy, Anh em như chân tay, Dâng hoa cúng Phật, Niềm an vui, v.v, vang lên, tôi nhận thấy, mái chùa và ánh đạo đang gần gũi hơn với các em. Mái chùa này là để dành cho các em. Mai ngày lớn lên, cuộc sống vất vả đang chờ các em, nhưng sự kiên cố Bồ đề tâm mà các em đang gieo giống hôm nay, sẽ giúp các em vượt lên, vững chãi và thánh thiện hơn. Phải chăng, đó là những má phanh, ngăn ngừa nguy hiểm khi người ta trượt dốc?


 


Lân mẫn hỏi chuyện mấy vị phụ huynh có con em sinh hoạt ở đây thì được biết, họ vui lắm, lại an tâm nữa. Con em họ đến đây, được nghe điều hay lẽ phải trong đạo Phật, được tập hát, tập nghi lễ, điều mà trước đây họ chưa được tiếp xúc. Hơn nữa, đến đây, các em ngoan hơn, tránh xa được các trò nghịch ngợm vô bổ, các tệ nạn nguy hiểm.


 


Dường như điều mà các “ông thầy” nói ra, việc mà các “ông thầy” làm có ảnh hưởng lớn hơn, sâu đậm hơn đối với con trẻ. Sự giáo hoá của tôn giáo có ưu thế riêng so với sự giáo dục xã hội mà các em được tiếp thu ở trường phổ thông. Bởi lẽ, nó không chỉ tác động đến ý thức, mà sâu hơn là, nó tác động và cải hoá đến miền sâu thẳm – tâm thức của các em.


 


Thời gian chưa nhiều, kết quả chưa được bao nhiêu, quy mô của nó còn nhỏ hẹp và cá biệt. Cũng chưa biết tương lai của lớp sinh hoạt này sẽ ra sao, nhưng tôi cứ ước ao rằng trong tương lai gần, những lớp như thế sẽ được mở ra ở nhiều nơi như một sự tất yếu chứ không dừng lại ở đó.


 


Mấy kiến nghị và giải pháp


 


– Trước thềm Đại hội VI của GHPGVN, nên chăng chúng ta xác định thật rõ yêu cầu, nhiệm vụ và vai trò của công tác hoằng pháp trong thanh thiếu nhi Phật tử. Coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp Giáo hội, đặc biệt là đội ngũ Tăng Ni trẻ. Chỉ khi xây dựng được một đội ngũ hậu bị mạnh mẽ thì chúng ta mới đảm bảo được tương lai của sự phát triển lâu dài của Giáo hội nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.


 


– Trên quan điểm đó, Giáo hội nên thiết lập tổ chức và nhân sự từ trung ương tới cơ sở, có chất lượng để đảm trách công tác đó. Nên đa dạng các hình thức tổ chức và hoạt động, sao cho phù hợp với từng vùng, từng miền, từng địa phương. Nên lấy các tổ đình, tự viện cơ sở làm hạt nhân. Cần thí điểm các mô hình hoạt động trước khi nhân rộng. Thực tế sẽ mách bảo cho chúng ta biết nó cần gì và ta phải làm gì.


 


– Có thể sẽ là hồ đồ khi cho rằng, ở miền Bắc trong mấy chục năm qua, công tác hoằng pháp của Giáo hội là thụ động và phiến diện. Có thể có ai đó sẽ ngụy biện cho sự muộn màng và thụ động đó rằng: hoằng Pháp là tuỳ duyên. Ai cần thì đến chùa chứ nhà chùa không phải là người bán hàng, không phải tiếp thị v,v. Nhưng thiết tưởng, chư vị bồ tát Quán Thế Âm, Địa Tạng Vương, …, các Ngài đã chẳng phát nguyện tới cùng lặn lội cứu vớt chúng sinh đó sao? Do vậy, các cấp Giáo hội nên đổi mới tư duy, chủ động hoằng pháp đến mọi đối tượng, nhất là thanh thiếu nhi.


 


– Trong các cơ sở tu tập, đào tạo của Giáo hội như Học viện, Tu viện, các trường Cao đẳng hay Trung cấp nên có chương trình đào tạo cho Tăng
Ni sinh tri thức và nghiệp vụ giao tiếp, hoằng pháp với đối tượng thanh thiếu nhi. Xác định cho họ thấy được vai trò, tính chất và nội dung công việc khi hoằng pháp trong đối tượng này.


 


– Các tổ đình, tự viện ở cấp cơ sở  nên là trung tâm thu hút thanh thiếu nhi Phật tử tới sinh hoạt. Làm sao để mái chùa trở thành mái trường thân thương của các em. Để được như vậy, cần có sự thống nhất kết hợp giữa nhà chùa, nên phân công cho một hoặc một số thầy cụ thể nào đó, với các em, nên lựa chọn hạt nhân cốt cán và sự hỗ trợ, ủng hộ của các bậc phụ huynh. Làm rõ và xác định sao cho hài hoà giữa đối tượng với nội dung và hình thức tổ chức hoạt động. Với đối tượng thanh thiếu nhi, có lẽ các hình thức sinh hoạt văn nghệ vui nhộn là phương tiện tốt, khả dĩ có thể thu hút các em tham gia sinh hoạt.


 


– Đối với các chúng Phật tử tại gia, chúng ta cần xác định cho được vai trò hoằng pháp của mình đối với chính con em mình. Sẽ là phi lý nếu chúng ta cứ nói chuyện hoằng pháp ở đâu đâu mà bỏ quên chính những người thân trong gia đình mình. Mỗi chúng ta nên xác định mình là thiện duyên để đưa con em mình đến với Đạo Pháp. Các Thầy cũng nên luôn nhắc nhở và đề ra nhiệm vụ đó cho các đệ tử tại gia của mình. Trong một gia đình nếu có nhiều thế hệ kế tiếp nhau đều là Phật tử thì thiện duyên với Đạo Pháp là rất tốt. Chúng ta nên gieo duyên lành cho con em bằng cách để chúng được gần gũi với giáo lý, với các Phật sự, với các cảnh chùa và với các thầy. Mưa dầm thấm sâu sẽ giúp các em đến với Đạo, có Đạo một cách tự nhiên và bền vững.


 


– Và hơn hết, mỗi Phật tử nên gắng công tu tập, thận trọng ba nghiệp thân, khẩu, ý. Làm sao để thành tựu của chúng ta trở nên tấm gương sáng cho con em noi theo. Đó chính là sức hấp dẫn tự thân, không lời mà thanh thiếu niên đang cần và yêu cầu ở các thế hệ cha anh.


 




Một vài hình ảnh của buổi sinh hoạt thanh thiếu nhi Phật tử tại chùa Viên Chiếu – Hà Tây


 


4711.jpg picture by beijing_2007


 


 


47899.jpg picture by beijing_2007


 


478999.jpg picture by beijing_2007


 


 


4799999.jpg picture by beijing_2007



 


 


Chùa Ráng, Mùa An cư 2007


Giang Nam