Trang chủ Thời đại Truyền thông Một vòng Trang Web Phật giáo tiếng Việt

Một vòng Trang Web Phật giáo tiếng Việt

1128

Nếu là một Phật tử mới biết internet, chắc hẳn quý vị sẽ rất ngạc nhiên trước một số lượng lớn các trang web Phật giáo bằng tiếng Việt trên mạng lưới toàn cầu này. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy có hơn 100 trang Phật giáo, với xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới, và tất nhiên cả những trang web đến từ Việt Nam. Có thể kể ra đây những trang web được đông đảo độc giả truy cập như Thư viện Hoa sen (http://thuvienhoasen ), Đạo Phật ngày nay (http://buddhismtoday.com ), Phật giáo nguyên thủy (http://phatgiaonguyenthuy.com ), www.budsas.org, Phật tử Việt Nam (http://phattuvn.org ), Tu viện Quảng Đức, Chuyển Pháp luân (http://chuyenphapluan.com ), Làng Mai (http://langmai.org ), Giao điểm (http://giaodiem.com ), Chuyển luân (http://chuyenluan.net )….

 

Trang Thư viện Hoa sen– Một trang web thuần túy Phật học được đánh giá cao nhất

 

Đó là điều đáng mừng, bởi quý Phật tử cầu Pháp cũng như các thiện hữu tri thức có thể khai thác mọi thông tin cần thiết, từ kinh điển Phật giáo Đại thừa, Phật giáo nguyên thủy đến các tài liệu Phật pháp ứng dụng trong đời sống, xã hội, khoa học giáo dục, kinh tế, kể cả các sáng tác văn hóa văn nghệ Phật giáo. Rất nhiều trang web đã kỳ công số hóa các sách, báo, tạp chí, luận văn, tiểu luận, kỷ yếu để đưa lên mạng chia sẻ với độc giả khắp nơi. Hầu hết tác phẩm, dịch phẩm của các quý Thầy, các học giả nổi tiếng như HT. Thích Trí Thủ, HT. Thích Trí Tịnh, HT. Thích Minh Châu, HT. Thích Thiện Siêu, HT. Thích Trí Quang, HT. Thích Trí Quảng, TT. Thích Chơn Thiện, GS. Minh Chi, GS. Lê Mạnh Thát, Nguyễn Tường Bách, Thái Kim Lan… đều được đưa lên mạng.

 

Trang Chuyển Pháp luân– có nhiều bài viết mới nhất do khai thác nguồn tin từ Tuần báo và Nguyệt san Giác Ngộ

 

Mỗi trang web đều có nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Có trang web do các chùa, các tu viện đứng ra thành lập như Tu viện Quảng Đức, Chùa Hoằng Pháp (http://hoangphap.org), Chùa Xá Lợi (http://thuvienxaloi.net)… Đa số các trang web do các cá nhân hoặc nhóm là các Thầy, các Cư sĩ, Phật tử chủ trương. Một số nhỏ các trang web là của các tổ chức Phật giáo, đa số là của các tổ chức Phật giáo Việt Nam của cộng đồng Tăng Ni, Phật tử ở hải ngoại. Cũng có các trang web Phật giáo là phụ trương của các báo, tạp chí.

 

Trang Âm nhạc Phật giáo– rất nhiều bài hát có nội dung liên quan đến Phật giáo

 

Nội dung và chủ trương biên tập của các trang web rất đa dạng, phong phú với nhiều đường hướng khác nhau. Hướng thứ nhất là thuần túy Phật học và được coi như một thư viện Phật giáo chứa các trang tài liệu quý giá như Thư viện hoa sen, Budsas, Đạo Phật ngày nay, Chuyển Pháp luân. Hướng thứ hai là phản ánh sinh hoạt Phật sự của các chùa, của các giáo hội, các nhóm Tu sĩ, Phật tử. Đa số các trang theo hướng này là do các chùa, các đạo tràng thành lập, kể cả các đạo tràng trực tuyến trên Paltalk (một công cụ trò chuyện trực tuyến trên internet kiểu như Yahoo Messenger tại địa chỉ http://paltalk.com) . Một số trang web Phật giáo đi theo hướng của các báo điện tử với các bài viết ngắn, và vừa, được cập nhật thường xuyên, theo các chủ đề nhất định, điển hình là trang Phật tử Việt Nam (http://phattuvn.org) . Một số trang web khác được xây dựng dưới dạng các diễn đàn Phật giáo, với khả năng tương tác và tức thời, nơi độc giả có thể gửi trực tiếp bài viết vào diễn đàn. Tuy nhiên, nhiều trang web cũng tích hợp cả phần diễn đàn để thu hút độc giả. Ngoài ra, có một số trang web Phật giáo đi sâu vào một nôi dung cụ thể như hình động Phật giáo (http://hinhdongphatgiao.com), Âm nhạc Phật giáo (http://phatca.com) , Sinh hoạt Tăng Ni sinh trẻ (http://dentutraitim.com), Chính trị Phật giáo (http://giaodiem.com)….

 

Trang Hình động Phật giáo

 

Các tài liệu được đưa lên mạng có định dạng khá phong phú, từ các trang web tĩnh html, các tài liệu dưới dạng văn bản word, pdf đến các trang thông tin điện tử động. Tuy nhiên, đa số các trang web Phật giáo hiện nay đều được thiết kế dưới dạng các trang web tĩnh nên việc cập nhất rất phức tạp, mất thời gian, dễ xảy ra lỗi liên kết.

 

Lợi ích mà các trang web Phật giáo mang lại cho công cuộc hoằng pháp lợi sinh là hết sức lớn lao. Thứ nhất là các thông tin về Phật giáo hết sức phong phú, đầy đủ, được tập hợp một cách khoa học, logic, tra cứu rất dễ dàng. Chỉ qua vài thao tác click chuột là độc giả có ngay thông tin mình cần, cho dù là những đoạn kinh nằm sâu trong các tập kinh điển, hay các bài nghiên cứu xuất hiện hàng chục năm trước. Nếu tra cứu trên thư viện thực, có khi độc giả phải mất cả ngày cũng không ra. Nguồn thông tin Phật giáo khổng lồ này rất hữu ích cho các Tăng Ni sinh nghiên cứu, học tập, cho các học giả nghiên cứu về Phật giáo, và cho cả những người mới đến với đạo Phật.

 

Lợi ích thứ hai cũng không kém phần quan trọng đó là việc cập nhật tin tức Phật sự ở khắp nơi qua các hình ảnh, các đoạn video clip, qua các đài phát thanh trực tuyến khiến cho độc giả gần như sống cùng các sự kiện. Một ngôi chùa bị cháy, một vị cao tăng qua đời, một đại lễ Phật đản hoành tráng, sống động… đều được phản ánh kịp thời trên mạng. Các thông báo Phật sự như sinh hoạt đoàn sinh, các khóa tu, đại lễ Phật đản, An cư kiết hạ, Cầu an, Cầu siêu, giỗ tổ, từ thiện, thông điệp của các chùa, các tổ chức Phật giáo đều được chuyển đến tay độc giả nhanh chóng, kịp thời. Các thông tin này có thể nhanh chóng tạo hiệu ứng rộng khắp, đúng như bản chất của truyền thông mạng. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi. Một số nhóm người xấu trên mạng cũng thường xuyên lợi dụng internet để tung tin thất thiệt, bôi nhọ, xuyên tạc, dối trá, mượn đạo tạo đời vì những ý đồ chính trị đen tối. Nếu độc giả không đủ bản lĩnh, không tỉnh táo, không tự sàng lọc thông tin thì rất dễ bị nhiễu thông tin, dẫn đến những đánh giá chủ quan, sai lầm, trái với giáo lý nhà Phật.

 

Lợi ích khác mà độc giả có thể khai thác qua các trang web là khả năng tương tác và làm chủ thông tin, đặc biệt qua các diễn đàn trực tuyến. Đó là sân chơi, trường học ảo để các Tăng Ni sinh, Phật tử, thiện hữu tri thức có thể trao đổi, trò chuyện, bày tỏ suy nghĩ, hiểu biết của mình về các vấn đề liên quan đến đạo Phật. Những diễn đàn ảo kiểu này đòi hỏi người quản trị phải hết sức khách quan, đưa ra những quy định rõ ràng, sẵn sàng loại bỏ những thành viên gây rối, cố tình dùng những lời lẽ không phù hợp trên diễn đàn. Nếu không, diễn đàn dù là về Phật pháp cũng trở thành cái chợ vỡ, thậm chí biến thành nơi lăng mạ lẫn nhau. Vụ việc tranh luận xung quanh cách hiểu về Bát kỉnh pháp trên diễn đàn Pháp thoại là một bài học đắt giá cho những người chủ trương diễn đàn này.

 

Bên cạnh những lợi ích nổi bật vừa nêu, các trang web Phật giáo cũng có một số hạn chế, nhất là về công nghệ web (đa số là web tĩnh), về tính cập nhật (chỉ có số ít trang web thực sự “sống”), về việc khai thác bài của nhau… Nhưng những hạn chế đó không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà các trang web Phật giáo mang lại, và trong xã hội thông tin ngày nay, khi mà hàng tỉ người hàng ngày hàng giờ sống trên mạng, khi mà hàng chục triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước vẫn lướt web hàng ngày, thì các trang web vẫn luôn là một phần tất yếu trong cuộc sống của nhiều Tăng Ni, Phật tử, thiện hữu tri thức. Bỏ qua internet khi hoằng pháp trong thời đại số ngày nay tức là tự chặt chân mình.