Trang chủ Đời sống Mùa Vu lan lại về

Mùa Vu lan lại về

58

Ngay từ những ngày đầu tháng 7, tôi đã thấy mẹ cẩn thận chuẩn bị đồ cúng, từ gạo nếp đỗ xanh đến vàng mã, mẹ bảo phải cúng trước đúng rằm một ngày để người cõi âm nhận được quần áo, vì thế năm nào gia đình tôi cũng làm rằm trước ngày 15. 

Mùa Vu lan và ngày cúng chúng sinh, tôi lên mạng tra về thì đây: Theo kinh Vu lan, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân là bà Thanh Đề đã qua đời, ông muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật khuyên ông: nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Rằm tháng bảy còn là ngày xá tội vong nhân: Theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con quỷ bước vào. Nó cho biết ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên".

A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa.

Theo tín ngưỡng này, mọi gia đình Việt Nam đều làm cỗ bàn cúng Gia tiên, đốt vàng mã mong rằng vong hồn tổ tiên được một ngày về cõi trần hưởng lễ của con cháu. Những gia đình có người mới mất cũng nhân dịp này mời tăng ni tới làm cỗ chay tụng kinh cho vong hồn mát mẻ.

Mùa Vu lan hay ngày xá tội vong nhân đều mang một ý nghĩa đặc biệt. Vẫn biết Vu lan là mùa báo hiếu, nhưng tôi chợt nghĩ rằng truyền thống ngàn đời của dân tộc ta là hiếu thuận, ngay từ trong những câu ca lúc còn thơ ấu tôi đã cảm nhận được điều đó: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra… Dù xã hội văn minh đến đâu, dù cuộc sống no đủ thế nào thì mỗi người vẫn phải được cha mẹ nuôi dưỡng để trưởng thành, vì thế đạo hiếu phải là việc thường xuyên liên tục, đâu chỉ đến mùa Vu lan.

Song cũng thấy giật mình vì những năm tháng gần đây, tác động từ lối sống chạy theo vật chất, lấy vật chất làm tiêu chuẩn đánh giá quan hệ xã hội – con người – gia đình,  thái độ sống vô cảm và ích kỷ… đã làm nảy sinh trong quan hệ cha mẹ – con cái một số hiện tượng đáng len án, phải được điều chỉnh, thì đây mùa Vu lan chính là thời khắc để mỗi người tự nhìn nhận và điều chỉnh bản thân mình.

Tháng bẩy mưa ngâu, tháng bẩy trầm buồn nhưng tháng bẩy cũng thật nhiều ý nghĩa!