Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Ngăn chặn tình trạng làm kênh YouTube nhảm nhí

Ngăn chặn tình trạng làm kênh YouTube nhảm nhí

574
Hình ảnh đối tượng Nguyễn Minh Phúc giả danh tu sĩ Phật giáo đăng tải trên các kênh YouTube. Ảnh chụp màn hình.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, việc kiếm tiền từ YouTube trở nên khá phổ biến. Có nhiều người làm kênh YouTube bài bản, chỉn chu với những nội dung nghiêm túc. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít đối tượng làm clip bất chấp pháp luật, đạo lý, miễn sao có nhiều người xem để kiếm tiền.


Đầu năm 2021, trên một số kênh YouTube đăng tải hàng loạt clip về ông Nguyễn Minh Phúc ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh mặc áo tu sĩ Phật giáo có những phát ngôn, hành động phản cảm, trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam, xúc phạm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN)… Điều đáng nói, số lượng người tìm đến nhà ông Phúc thời điểm đó để quay, đăng tải những clip về hành động, phát ngôn của ông Phúc lên các kênh YouTube ngày càng tăng, gây mất an ninh trật tự và tạo dư luận xấu. Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định ông Nguyễn Minh Phúc sử dụng các loại giấy tờ, quyết định giả mạo rồi tự xưng là tu sĩ của GHPGVN. Nơi ở của ông Phúc tại ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung không phải cơ sở thờ tự tôn giáo, không có cơ sở gọi là “chùa Hoằng pháp Trung ương”. Sau đó, UBND huyện Củ Chi triệu tập cuộc họp, thống nhất đưa ra phương án xử lý đối với những sai phạm của ông Phúc, đồng thời nghiêm cấm người dân đến nhà ông Phúc ghi hình, đăng thông tin những hoạt động, phát ngôn của ông Phúc lên các kênh YouTube…

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc mà không ít người làm kênh YouTube bất chấp pháp luật, đạo đức thực hiện trong thời gian vừa qua. Trên internet, có thể thấy rất nhiều kênh YouTube với những clip nhảm nhí, độc hại như “hút thuốc lá bằng mũi”, “24 giờ sống trong quan tài”… thu hút một lượng lớn người theo dõi. Những người làm kênh xuất hiện khắp nơi, ghi hình những vụ đánh ghen, tai nạn giao thông; xông vào đám tang, đám cưới; xuyên tạc đời tư cá nhân của người khác… Sau đó tự ý đưa lên kênh YouTube mà không cần sự đồng ý của nhân vật trong clip. Những việc làm đó đi ngược với truyền thống, văn hóa của người Việt Nam, tạo ra những nhận thức lệch lạc trong giới trẻ. Việc các YouTuber tập trung đông người, đăng tải clip sai sự thật, nhảm nhí, mê tín dị đoan… còn gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương, gây nhiễu loạn xã hội…

Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Văn Lên, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Pháp luật đã có những quy định cụ thể để xử lý người làm YouTube đăng tải clip sai sự thật, sử dụng hình ảnh của người khác trái phép… Tùy vào tính chất vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hay hình sự. Ví dụ: Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi thu thập, xử lý, sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính 10-20 triệu đồng. Điểm B, Khoản 1, Điều 288 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định, người nào mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…”.

Cũng theo luật sư Lê Văn Lên, chế tài đã có, những hành vi vi phạm pháp luật của những người làm kênh YouTube cần phải được các cơ quan chức năng phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh để tạo tính răn đe trong xã hội. Ngoài việc kiểm tra, xử phạt nghiêm minh, để ngăn chặn tình trạng làm kênh YouTube nhảm nhí, dung tục, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Chúng ta cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để những người làm kênh YouTube hiểu, nâng cao trách nhiệm xã hội, làm những clip có ích cho xã hội, đồng thời, mỗi cá nhân và cả cộng đồng phải kiên quyết tẩy chay những kênh YouTube có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật…”.


VĂN THI/QĐND