Trang chủ Tết Việt Du xuân Ngày xuân đi lễ chùa, hội chùa

Ngày xuân đi lễ chùa, hội chùa

71

Cuộc sống hiện đại đã và đang có nhiều thay đổi, nhưng chùa chiền vẫn tồn tại trong tâm thức nhân dân, trong các truyền thuyết và trong các công trình được trùng tu nhiều lần. Điều đặc biệt là chùa ngày càng thu hút sự quan tâm của con người đương đại và trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của con người ngày nay, nhất là những người ở vùng nông thôn. Và ngày xuân đi lễ chùa, hội chùa… đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Khởi thủy chùa là công trình kiến trúc để thờ Phật, là nơi sinh hoạt tôn giáo-tín ngưỡng của những người theo đạo Phật. Một đặc điểm độc đáo ở Việt Nam là có quan niệm “tu tại tâm”. Vì vậy rất nhiều người tuy không theo đạo Phật nhưng hành xử theo giáo lý nhà Phật, cũng thường xuyên tới chùa và sinh hoạt theo nếp nhà Phật.

Ngoài ra, còn có rất nhiều người bình thường vẫn hay lui tới cửa Phật để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính đối với các đấng siêu nhiên, cầu mong được an khang, thịnh vượng…

Thế là, chùa trở thành nơi sinh hoạt tinh thần của cả cộng đồng. Nếp sinh hoạt của chùa lan tỏa ra đời sống xã hội, tạo ra một nếp sống đẹp trong sự an bình, hiền hòa, hướng thiện.

Vì vậy, chùa và sinh hoạt của chùa chiền mang một giá trị thẩm mỹ mới trong quan niệm sống của người dân thời nay. Đó là giá trị hướng thiện, tĩnh tâm, giải tỏa bớt nỗi căng thẳng, bon chen, hám danh, hám lợi của cuộc sống thị trường ngày nay.

Điều đó cắt nghĩa vì sao trong cuộc sống hiện đại, chùa chiền vẫn là những địa chỉ thu hút du khách và nhất là những hoạt động văn hóa tâm linh như lễ chùa, hội chùa… đang có xu hướng phục hồi và phát triển khắp mọi miền đất nước.

Lễ hội truyền thống là một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam và hầu như đa số các lễ hội truyền thống của Việt Nam ở khắp ba miền đều có bóng dáng ngôi chùa hoặc có những yếu tố Phật giáo.

Hằng năm, nhất là vào mùa xuân, các hội làng gắn với hội chùa được tổ chức khắp nơi. Ngày lễ hội, bên cạnh hoạt động hành lễ theo các nghi thức của đạo Phật, là các hoạt động hội hè với những trò vui như đánh đu, cờ người, cờ bỏi v.v..

Ví dụ như lễ hội chùa Vua được tổ chức vào các ngày 6 đến 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm, cùng với phần nghi lễ như ở các chùa, đền khác, nơi này diễn ra hội cờ, một sinh hoạt văn hóa-thể thao có sức lôi cuốn đông đảo công chúng.

Hội chùa Cổ Lễ (Nam Định) có nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người… đặc biệt là cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.

Lễ hội gắn với đình, chùa, đền là nếp sinh hoạt văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam, đem lại không khí vui tươi, lành mạnh, đồng thời lại thành kính, vừa hướng vào cõi Phật từ bi, vừa hướng về cuộc sống hỉ xả nơi trần thế.

Ngày nay, dù cuộc sống có bị chi phối bởi nhiều hoạt động “hiện đại”, nhưng lễ hội vẫn giữ được vai trò quan trọng của nó trong đời sống con người, kể cả thành thị và nông thôn. Người ta đã thống kê có khoảng gần 400 lễ hội mang quy mô vùng hoặc toàn quốc đang được tổ chức hằng năm ở nước ta, trong đó đa số lễ hội gắn với chùa chiền, lễ giáo.

Sự gắn bó, ngoài lý do tâm linh, còn bởi chùa chiền là những địa chỉ văn hóa và nghệ thuật. Bản thân mỗi ngôi chùa là một công trình kiến trúc độc đáo và đặc sắc. Trong mỗi ngôi chùa lại lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật, văn học… có giá trị nghệ thuật cao, có tác động tích cực tới đời sống con người. Đó là hệ thống tượng, hoành phi, câu đối, các mảng chạm khắc, văn bia, sắc phong v.v.. Đặc biệt là những truyền thuyết, huyền thoại, giáo lý… có ý nghĩa giáo dục nhân sinh.

Nếu nhìn theo con mắt mỹ thuật hiện đại, thì chùa như là một điểm nhấn của một công trình nghệ thuật sắp đặt. Chùa gắn kết với cảnh quan môi trường, tạo nên dáng vẻ tuyệt đẹp của làng quê Việt Nam.

Chùa thường được xây dựng ở nơi cao ráo, có thể là lưng chừng núi hay lưng chừng đồi, hoặc là ở gò cao (thiên tạo và nhân tạo), có ba, bốn lớp nền với một tháp cao hàng chục mét. Thiên nhiên vây quanh chùa có sông hoặc ao hồ, có cây cối xanh tươi.

Ví dụ: Chùa Tây An ở Núi Sam (An Giang), chùa Non Nước (Đà Nẵng), chùa Linh Sơn (Đà Nẵng), chùa Bà Đen (Tây Ninh) đều khéo léo dựa vào thế núi và hang núi, vừa tạo ra thế vững chắc, vừa tạo nên hình thế đẹp.

Chùa Thầy (Hà Nội) dựa vào vách núi, phía trước có hồ rộng với nhà thủy đình xinh xắn, được điểm xuyết bằng hai chiếc cầu ngói Nhật Tiên, Nguyệt Tiên.

Chùa Yên Tử (Quảng Ninh) gồm một hệ thống chùa nằm rải rác từ chân núi đến đỉnh Yên Tử, phối cảnh với rừng xanh và những vách đá cheo leo, những con đường gập ghềnh, ngoằn nghèo.

Chùa Thiên Mụ (Huế) nằm trên đồi Hà Khê bên tả ngạn sông Hương, gắn liền với chùa là tháp Phước Duyên cao tới 21 mét gồm 7 tầng.

Chùa Trấn Quốc nằm ở trên một hòn đảo ở Hồ Tây (Hà Nội) có nhiều nếp nhà, trong đó có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện. Sau thượng điện là gác chuông. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Tất cả các công trình này được mặt nước Hồ Tây xanh thắm bao bọc.

Như thế, chùa gắn kết với các ngọn tháp, với ao hồ hoặc sông suối, với núi đồi, với các con đường, với cây cối… tạo nên những hình khối, đường nét, màu sắc hết sức sinh động hài hòa, xứng đáng là những công trình nghệ thuật sắp đặt đạt tới độ tuyệt mỹ, mà con người và tạo hóa là đồng tác giả. Và vì thế, đến với hội chùa, lễ chùa không chỉ là để hành lễ, để thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn là thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa-nghệ thuật của đông đảo nhân dân.