Trang chủ Đời sống Nghệ sĩ Hữu Châu: Đạo Phật là tôn chỉ của đời tôi

Nghệ sĩ Hữu Châu: Đạo Phật là tôn chỉ của đời tôi

62

Anh cười thật hiền với PV Văn Hoá Phật Giáo: “Nghe nói Văn Hoá Phật Giáo phỏng vấn là anh chịu liền à nghen!”. Ngoài lòng yêu nghề, anh còn có một tình yêu lớn lao khác nữa: Đạo Phật. Chậm rãi, từ tốn, “Nguyễn Trãi” chia sẻ với VHPG về tình yêu đạo Phật của mình.


PV: Nghe nói trước khi diễn vai Nguyễn Trãi, anh đã đi chùa rất nhiều lần để cầu nguyện?


Hữu Châu: Đúng vậy. Tôi thường đến ngôi chùa Lâm Tế trên đường Nguyễn Trãi, Q.1 để được trò chuyện với Ức Trai. Thật ra, tôi biết ngôi chùa này rất ngẫu nhiên. Đó là một ngày tình cờ tôi đi ngang qua chùa và thấy chùa đang xây dở dang một tầng tháp rồi để đấy vì thiếu kinh phí và đợi quyên góp. Thế là tôi vào giúp chùa năm ba trăm ngàn. Tôi không giàu có để quyên góp nhiều nhưng cứ tích luỹ được đồng nào hay đồng đó giúp chùa. Sau đó, thật bất ngờ, tôi phát hiện ra, ngoài Đức Bổn Sư và các vị Bồ tát khác, chùa còn thờ Đức Nguyễn Trãi.


Tôi cho rằng đây là duyên giữa tôi và Nguyễn Trãi. Vì lúc đó tôi cũng bắt đầu nhận vai diễn để đời này. Từ đó, trước khi chính thức diễn vai Nguyễn Trãi, tôi thường đến chùa Lâm Tế để tâm sự với Nguyễn Trãi, cầu nguyện cho vai diễn của mình.


PV: Và hẳn lời cầu nguyện của anh đã linh ứng nên vai diễn Nguyễn Trãi của anh mới thành công như thế?


Hữu Châu: Nói theo kiểu nhà Phật thì đây là duyên giữa tôi và cụ Nguyễn Trãi. Tôi quá tôn thờ cụ Nguyễn Trãi, quá toàn tâm cho vai diễn nên ở một nơi xa xôi nào đó, cụ Nguyễn Trãi nhìn thấy được. Khi tôi diễn, ngoài một chút cái tôi để kiểm soát vai diễn trên sân khấu, tôi hầu như thật sự thăng hoa trong vai diễn và tôi tin chắc rằng, về mặt tâm linh, Nguyễn Trãi phù hộ cho tôi!


PV: Hình như đâu chỉ riêng khi diễn vai Nguyễn Trãi anh mới đi chùa, phải không anh Châu? Nghe nói anh rất hay tạo tượng Phật?


Hữu Châu: Gia đình tôi đạo Phật gốc ơi là gốc luôn. Từ sau sự cố của cô ruột tôi, cố nghệ sĩ Thanh Nga, cả gia đình càng tin và sùng kính đạo Phật nhiều hơn. Lúc đó tôi còn bé nên hay theo bà nội đi chùa. Trong nhiều đứa cháu của bà, tôi là đứa được bà ưu tiên dẫn đi chùa nhiều nhất, dạy đọc kinh, niệm chú nhiều nhất. Tôi mê chùa từ đó.


Tôi có pháp danh là Giác Quang, hiệu Hoàng Lý. Như nhiều Phật tử khác, rằm mồng một tôi đều ăn chay, tranh thủ ngoài giờ diễn đi chùa loanh quanh thành phố. Ngoài ra, năm nào tôi cũng sắp xếp thời gian về thăm những ngôi chùa xa như ở Long Thành, miền Tây… Tôi có tạo tượng Đức Phổ Hiền tặng một ngôi chùa ở Long Thành, rồi cho khắc tên má tôi và tên tôi dưới chân tượng, mong Ngài sẽ phù hộ cho hai má con tôi luôn bình an.


PV: Được biết rất nhiều nghệ sĩ thường đi chùa cầu nguyện. Đạo Phật nói chung và sự cầu nguyện nói riêng có ảnh hưởng gì đặc biệt đối với nghề diễn không anh? Chẳng hạn, việc hằng năm, anh và một số nghệ sĩ khác thường về chùa Châu Đốc ở An Giang cầu nguyện, xét về mặt tâm linh, điều này giúp cho công việc được thuận lợi hơn chăng?


Hữu Châu: Tôi nghĩ đạo Phật ảnh hưởng lớn đến mọi nghề nghiệp, bởi vì đạo Phật dạy chúng ta cách ăn ở hiền lành, biết tu tâm dưỡng tánh, bớt ganh tỵ với người khác, tự tìm thấy niềm an lạc cho chính mình. Khi đạo Phật quyện chặt vào tâm trí, mình làm nghề gì cũng nhớ lấy chữ Tâm. Nhưng đúng là giới nghệ sĩ, như tôi là một điển hình, chịu ảnh hưởng mạnh hơn cả do người nghệ sĩ thường sống thiên về tâm linh. Đời sống nội tâm của nghệ sĩ thật mạnh mẽ mà cũng thật mong manh, vì thế, họ càng thích đi chùa, cầu nguyện.


Tôi thường đi chùa Châu Đốc vì tôi thấy mỗi khi mình phát tâm nguyện điều gì trong công việc, đời sống, tôi hầu như đều đạt ước nguyện. Tuy nhiên, tôi nghĩ, tôi có được cuộc sống như hôm nay, nguồn gốc sâu xa là do tôi tin vào đạo Phật. Có thể nói, đạo Phật là tôn chỉ của cuộc đời tôi.


PV: Nhưng đi chùa không thôi đâu để mình hiểu sâu sắc về đạo Phật?


Hữu Châu: Đi chùa, tôi nghĩ là cách cụ thể và phổ biến nhất của các Phật tử. Cao hơn một chút, khi mình không làm điều gì sai, tâm mình luôn an lạc, thì coi như mình đã đi chùa rồi. Như tôi chẳng hạn, lịch diễn dày đặc, những chuyện trong đời sống cá nhân khiến tôi có rất ít thời gian để đi chùa. Nhưng trong lòng tôi, cứ mỗi lần rảnh được đi chùa là tôi thấy mình nhẹ hẳn ra. Mỗi khi đến chùa, quỳ trước Phật đảnh lễ Ngài, tôi không bao giờ nói: “Lạy Phật, hôm nay con đi chùa”, mà là “Hôm nay con về chùa”. Đến chùa, với tôi đó là sự trở về.


Đúng là đi chùa không thôi thì chưa đủ để hiểu đạo Phật, vì pháp lý nhà Phật cũng có nhiều chỗ rất cao siêu. Từ nhỏ tôi đã đọc rất nhiều kinh, nhiều bài chú. Hồi đó đọc kinh niệm chú chỉ đơn giản là làm theo bà nội. Tôi đọc kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm… lúc đó không hiểu gì cả, dù có nhiều đoạn thuộc làu làu.


Về sau, càng lớn tôi càng thấm, càng hiểu, tuy còn đôi chỗ đến nay đã trung niên rồi mà vẫn chưa hiểu hết, nhưng tôi vẫn thấy thích và học được từ đó rất nhiều. Tôi thuộc những bài chú như Đại bi, Vãng sanh chú… Trên đầu giường của tôi luôn có Đại bi chú, trì tụng bản chú này giúp tôi sống từ bi hỷ xả với mọi người.


PV: Người bình thường rất hay cầu nguyện Bồ tát Quán Thế Âm khi họ gặp những chuyện buồn khổ; là một Phật tử “gốc ơi là gốc”, chắc anh cũng làm như mọi người?


Hữu Châu: Tôi thích dễ sợ thích hình ảnh Quán Thế Âm. Đó là một tình cảm rất đặc biệt. Mỗi khi đến chùa, tôi thường cúi lạy Người, sờ tay vào chân Mẹ rồi vuốt lên đầu mình, như mong dòng nước mát trong tịnh bình của Mẹ sẽ giúp tôi bình an hơn. Mỗi khi gặp hình ảnh của Mẹ, tôi luôn có thái độ tôn kính tuyệt đối. Một ví dụ vui, như khi coi phim Tây du ký, mỗi khi Bồ tát Quán Thế Âm xuất hiện, dù đang nằm, tôi đều ngồi dậy ngay ngắn để chiêm ngưỡng Ngài, với một sự nghiêm trang, dù đó chỉ là phim ảnh.


Hầu như tôi niệm Quán Thế Âm mọi nơi mọi lúc. Hằng đêm, trước khi ngủ, tôi niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát” để gạt bỏ mọi phiền muộn, mệt nhọc của một ngày làm việc và đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng, thật sâu và bình an. Đặc biệt nhất là lúc mình sân. Tôi niệm một lần, cơn giận giảm một chút. Tôi niệm hai lần, cơn giận vơi đi nhiều. Tôi niệm ba lần, cơn giận tiêu tan.


PV: Anh yêu đạo Phật, đạo Phật thấm sâu vào máu anh như thế, hẳn nhiên anh sẽ ứng dụng ít nhiều vào vai diễn của mình chứ?


Hữu Châu: Tôi diễn qua rất nhiều vai, bi, hài, ác, thiện đều có. Nhưng không hiểu sao, tôi luôn cố gắng lồng một chút cái thiện ban sơ của con người vào vai diễn của mình. Điều này không phải lúc nào cũng đúng và cũng làm cho vai diễn hay hơn, nhưng lại làm cho mình thấy an tâm rằng khán giả hiểu và yêu mến mình hơn.


PV: Phật dạy rất nhiều điều, bể Phật học thì bao la, nhưng điều cốt lõi nhất mà cho đến nay, ở lứa tuổi trung niên, anh “thấm” được là gì?


Hữu Châu: Có bốn điều mà tôi học được nhất từ đạo Phật: Không ganh tỵ với người khác, bớt nóng giận, biết nhẫn nhục, và luôn mở rộng lòng với mọi người. Khi tôi sống như thế, tôi thấy mình cũng được nhiều thứ: công việc như ý, bạn bè yêu mến, tâm thân an lạc. Tôi gọi đó là hạnh phúc.


PV: Xem như anh có mấy chục năm để hiểu đạo Phật, vậy anh nghĩ rằng giới trẻ ngày nay có dễ dàng tiếp cận đạo Phật như anh ngày xưa không? Đâu là chìa khoá để bạn trẻ sôi nổi ngày nay ngày càng về với Phật?


Hữu Châu: Tôi rất thích hình ảnh các em trẻ ngày nay ăn mặc rất mốt đến chùa đảnh lễ. Đó là nét đẹp của Phật giáo hiện đại, vì dù các em có “quậy” thế nào các em vẫn có chốn để hướng về mà “tĩnh tâm”. Còn xét về khía cạnh sâu sắc hơn, các em chưa biết cư xử đúng như là một Phật tử, đó là vì các em chưa hiểu pháp. Mà cái này cần có người đi trước nói cho các em nghe. Đạo Phật mênh mông, thâm sâu nhưng cũng rất gần gũi với đời sống nên tôi tin là nếu được chỉ bảo các em trẻ có thể thấm nhuần.


PV: Cám ơn anh về cuộc trò chuyện thân tình này. Nói chuyện về đạo Phật sẽ không đơn thuần chỉ là một buổi phỏng vấn. Chúc anh luôn tìm thấy niềm vui trong nghề nghiệp và những giấc ngủ thật ngon với niệm chú Quán Thế Âm.


Hữu Châu: Tôi rất thích cuộc trò chuyện hôm đặc biệt hôm nay. Trước đây, người ta hay phỏng vấn tôi về vai diễn, dự định tương lai, chuyện này chuyện nọ… nhưng ít ai chuyện trò với tôi về đạo Phật. Được chia sẻ với tất cả mọi người về lòng yêu mến và tôn dùng đạo Phật là một niềm vui lớn đối với tôi.