Trang chủ PGVN Cửa thiền Ngôi chùa sẻ chia với những người nghèo có HIV

Ngôi chùa sẻ chia với những người nghèo có HIV

74

Vì còn hàng trăm bệnh nhân đang xếp hàng chờ đợi, trong đó, không ít người từ các vùng ngoại tỉnh, lặn lội xếp sổ từ 5h sáng, sư Huệ Hạnh (cô Hạnh) chỉ kịp an ủi B. mấy câu.


Mối họa HIV từ sự “lỡ dại” của người chồng


Đúng 8h tối, điện thoại đổ chuông. Sau tiếng khóc và những mẩu thoại chắp vá, câu chuyện về cô gái ban sáng dần hé mở. T.T..B đang trong giai đoạn bất ổn tinh thần khá trầm trọng.


Cô kết hôn chưa được bao năm và cũng chưa kịp có lấy một mụn con nào. Chồng B. vốn cũng là người tỉnh khác như cô. Hai người đến Đồng Nai làm công nhân, gặp nhau rồi yêu nhau. Nhưng ba mẹ B. khăng khăng không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Chán nản, chồng B. khi ấy rượu chè rồi theo chúng bạn đi “tăng hai”.


Lúc gia đình B. đồng ý cho đôi bạn trẻ kết hôn thì đã muộn. Chung sống chưa được bao lâu, chồng B. phát hiện mình bị bệnh, lại thêm mặc cảm nên đã vội vã tìm sang thế giới bên kia. .B bí mật đi xét nghiệm, dù đoán trước tình huống nhưng cầm phiếu ghi kết quả trên tay, cô vẫn không khỏi hoảng sợ. Cho đến hôm nay, mọi chuyện vẫn hoàn toàn được B. giữ kín. Nơi B. làm việc và gia đình đều chưa ai thực sự biết chuyện xảy ra đang khiến cô khủng hoảng đến thế nào…


Cũng bị lây nhiễm từ chồng như B. nhưng không may mắn được tư vấn, chia sẻ kịp thời nên chị N.T.N. ở quận 10 còn rơi vào bi kịch đau đớn hơn nhiều. Chồng chạy xe ôm, chị làm chủ cái quán tạp hóa nhỏ xíu bên lề đường từ sáng sớm.


Diện tích 16m2 được cơi nới, chắp vá thành những căn phòng như những chiếc chuồng chim là nơi trú ngụ của đại gia đình gồm hai vợ chồng, con cái lẫn gia đình cô cậu, chú dì. Bi kịch gia đình bắt đầu khi chồng chị N. chết vì phát hiện bị bệnh AIDS.


Quá sốc trước cái chết của chồng và bị ám ảnh ngày đêm bởi cái án tử hình lơ lửng trên đầu hai mẹ con, N. suy sụp tinh thần. Lúc N. được quan tâm chữa trị thì cô đã bị ảnh hưởng thần kinh, thường xuyên không còn làm chủ được bản thân mình.


Biết hai mẹ con mang mầm bệnh HIV, bản thân không còn khả năng cho con cuộc sống tử tế nhưng chị N. nhất định không để cho con vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ có HIV của thành phố. Cô thà chấp nhận cảnh mẹ con rau cháo qua ngày nhờ lòng thương của mọi người và các tổ chức xã hội chứ không chịu cảnh mẹ con phải chia lìa trong năm tháng sống ít ỏi còn lại.


Thế nên, cơ sở khám chữa bệnh từ thiện chùa Kỳ Quang đã trở thành một trong những nơi nương tựa của mẹ con chị N. những lúc yếu đau. Khi chúng tôi đến cơ sở thì chị N. đã không còn khả năng đi lấy thuốc. Bà mẹ N. dù tuổi đã cao nhưng hằng tuần vẫn phải cặm cụi dắt đứa cháu đi xe buýt đến phòng nhận thuốc về sắc cho cả con lẫn cháu…


Cứu tinh của những người vợ, người mẹ bất hạnh


Thực ra, B. và N. chỉ là hai trong số 533 người có HIV và hàng trăm nghìn lượt người đến khám, chữa bệnh bằng thuốc nam miễn phí tại chùa Kỳ Quang trong năm vừa qua.


Thành phần người đến khám chữa bệnh nói chung, người có HIV đến với phòng khám khá đa dạng: Có thanh thiếu niên lang thang, có các phụ nữ hành nghề bán thân, có người nghiện nhưng rất nhiều trong số đó là các phụ nữ lao động chân tay bị lây nhiễm từ chồng và không ít người đã truyền sang cho con.


Tìm hiểu thêm, phần lớn những người chồng này đều không có điều kiện “ong bướm” thường xuyên. Túi tiền của họ cũng không đủ để vào những nơi cao cấp, phần lớn nơi “giải trí” của họ là các địa chỉ rẻ tiền hơn, thậm chí là cả những đội ngũ các cô gái bán dâm hết thời, đã bị đẩy ra đứng đường với nguy cơ có HIV cao hơn…  Nhiễm rồi vô tình họ lại về truyền sang cho vợ, cho con.


Tuy nhiên, theo cô Hạnh, không chỉ có người bị nhiễm mà ngay cả những người quanh bệnh nhân, bị trực tiếp ảnh hưởng hoặc có nguy cơ cao cũng cần được tư vấn, giúp đỡ kịp thời, nếu không sẽ rất có thể để lại những hậu quả nặng nề như trường hợp của chị N.T.N. nói trên.


Là người thường trực và trực tiếp tư vấn cho người có HIV đến phòng tư vấn và chăm sóc người có HIV của cơ sở, trực tiếp tiếp nhận, tư vấn vài trăm cuộc điện thoại trong thời gian không dài vừa qua nên cô biết, bên cạnh cung cấp thuốc uống thì điều bệnh nhân cần nhất vẫn là sự an ủi, tìm lại được niềm tin để vượt qua khó khăn của cuộc sống.


Cô Hạnh và tất cả những con người đang góp công, góp của duy trì hoạt động tại đây đều tin rằng gieo nhân nào ắt gặt quả ấy, làm việc thiện tất sẽ gặp may mắn, sẽ tạo nên niềm tin, điều tốt đẹp nơi con người.