Trang chủ Người thời nay Nguyễn Huy Thiệp và Đạo Phật

Nguyễn Huy Thiệp và Đạo Phật

233

Trên mảnh đất cha ông để lại cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong phố Bùi Xương Trạch, trước đây trong vườn nhãn, là pho tượng trắng Quán Thế Âm Bồ Tát. Mỗi lần tôi qua chơi, nếu đúng mùa vụ, thể nào cũng có chùm quả thơm ngọt đặt trang nghiêm phía trước tượng. Giờ mảnh vườn không còn, thay vào đó là hai căn nhà tầng hiện đại dành cho hai anh con trai của nhà văn. Và thế vị tượng Quán Thế Âm Bồ Tát là pho tượng Phật lớn, kiểu dáng xuất xứ từ Tây Tạng, ánh mắt Ngài mở hé hiền từ nhìn xuống, như thể muốn ban phát trí huệ, tình thương cho hết thảy chúng sinh.


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: hongthanhquang.vn

Đạo –  Đời không chia hai

Nếu bạn đến chơi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ hoan hỉ tiếp đãi đồ ngon. Riêng ông, thích nhất vẫn là nhâm nhi dưa cà do vợ muối, và đĩa đậu rán lướt ván hoặc chiên phồng ròn đôi khi tẩm thêm hành. Nhà văn ăn uống điềm đạm, quần áo mặc ở nhà đơn giản, mùa Đông, ông đội thêm cái mũ len màu nâu trên đầu, như mũ của các vị sư trong chùa Bắc.

Câu chuyện đưa đẩy thế nào cũng thành chuyện Đạo, mà cái hay là, nhà văn nói Đạo, cụ thể ở đây là đạo Phật, để áp dụng vào Đời, cứ nhẹ nhõm như không. Nếu có tài giỏi hay ho nổi danh văn chương đến đâu, thì trước hết, cứ là sống trước đã. Thực tế hơn, cần biết cách kiếm tiền, để nuôi thân và gia đình. Ông thường khuyên bọn trẻ chúng tôi như thế.

Cũng hẳn nhiên bởi vậy, nên trong vở kịch Hoa sen nở ngày 29 tháng 4, khi nhân vật Lương (tên trộm), mà có vẻ giống cướp hơn, vào chùa dọa dẫm sư Huệ (tên nhân vật biểu trưng cho trí Huệ, cái tự nhiên biết, nhìn vào bản chất vấn đề, không huyễn hoặc, không qua sự phán đoán tâm trí, chẳng xuất hiện bởi những logic suy nghĩ, chỉ xuất hiện khi tâm cân bằng, não không chạy sóng mà chỉ còn lại điểm nhận biết là duy nhất, theo thực chứng thiền định), lấy đi 5 triệu đồng dùng để sửa chữa lại tam quan, và pho tượng Phật Thích Ca, nếu bán đi cũng được 5 triệu đồng, mà tuyệt nhiên không la hét, không hoảng sợ, không kêu kêu người tới bắt, thậm chí còn nhắc tên trộm để quên cái côn sắt trên bàn thờ. Sư Huệ làm vậy, là bởi ông thấu cái lý nhân quả, “Ta nợ tiền người chớ không nợ sinh mạng với ngươi” (…) “Có thể từ kiếp trước… Kiếp trước nữa” (T15). Người đáng thương ở đây, thấy rõ là tên trộm/ cướp, bởi hắn than rằng: “tao vất vả cả đời mà chẳng bao giờ có được lúc ngồi pha một ấm trà thơm tho thế này mà uống”. Rồi “Mày đừng nghĩ xấu cho tao đấy nhé! Cũng vì hoàn cảnh khốn nạn của tao nên phải đi ăn trộm… nếu tao giàu sang thì rồi có ngày tao sẽ trả lại cho chùa…”. Rốt cuộc, cái tình dựa trên hiểu biết của nhà sư đã làm thức tỉnh, dù một chút lòng nhân trong tên trộm. Chút ấy, cùng là mầm Phật tính, để có ngày nảy mầm, thành một cây non.

Hơn hết thảy, sống là yêu thương

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thấm nhuần đạo Phật. Không thuyết giảng như thể đứng ngoài phán xét, lấy kiến thức ai khác mà áp dụng vào cho người, Nguyễn Huy Thiệp đã từng sống trong đạo, và trải qua với những chứng nghiệm tâm. Ông đôi khi có nói đến cái “đang là” hay “nhất nguyên”, “nhị nguyên”, ý muốn hướng tới việc con người cần biết nhận biết để chấp nhận rồi thưởng thức những điều đang xảy ra ngay trong thời điểm hiện tại. Sống trọn vẹn trong hiện tại với từng hơi thở, quan sát chuyển động tế vi của cơ thể, cùng lúc với các cảm xúc, hay ngừng các ý nghĩ, đó là lối sống thiền, để vượt qua những đau khổ của vạn vật hệ lụy cõi trần mang lại. Và để cho an định tâm hồn, thì luôn đứng trong trung đạo, không chấp chặt vào nhị nguyên, với được – mất, có – không, thành – bại, nhục – vinh. Quan trọng hơn nữa, là yêu thương, vì thế, trong vở Cái chết được che đậy, nhân vật Chung đã nói: “Con người có thể làm được gì ngoài yêu thương?” (T186). Trí huệ và yêu thương (tâm từ bi) là hai cốt lõi căn bản của đạo Phật. Nếu chỉ biết yêu thương mà không có trí huệ, con người sẽ hành xử trong vô minh, để rồi lại gây trùng trùng nghiệp xấu. Thế nên, cũng trong Cái chết được che đậy, nhân vật Xuân Lan mới thốt lên rằng: “Cuộc sống là những thiện ý được sắp xếp lại… Còn những thiện ý lại dẫn con người đến địa ngục…” (T221)

Nhưng nếu không biết yêu thương, thì con người khó đạt đến trí huệ, bởi trí huệ Phật chỉ có được cũng như áp dụng được khi biết yêu thương, hướng tâm ý đến và hi sinh vì người khác hơn chính mình, đó cũng là một cách hiểu về ý nghĩa hành Bồ Tát đạo:

“Phượng: Tôi nghe thấy hết rồi. Hãy đưa đứa bé cho tôi! Hãy đưa nó đây! Tôi sẽ nhận nó làm con, tôi sẽ dạy nó nên người…

Ông Lương (quỳ lạy): Lạy Bồ Tát! Lạy Bồ Tát! Hai ông cháu tôi cắn rơm cắn cỏ lạy người… Xin lạy Bồ Tát hiển linh… Xin lạy Bồ Tát hiển linh”. (Hoa sen nở ngày 29 tháng 4, T48).

Hơn hết thảy, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người đàn ông từng đứng bình lặng trong đau đớn giữa nơi bóng tối, cả khoảng thời gian dài khó mở được nụ cười, đã biết cách vượt qua bằng thực hành Đạo. Cần thấu hiểu rõ, kinh Phật, không phải mang mỗi ý nghĩa của tụng niệm, mà hơn hết thảy, đó là hiểu kinh để thực hành. Thế nên sau những trải nghiệm, mới thấu tỏ chân lý, như nhân vật sư Huệ trong Hoa sen nở ngày 29 tháng 4 (hay chính cõi lòng nhà văn) nói:

“Nam mô A Di Đà Phật… Đừng trông chờ gì ở ta, đừng trông chờ gì ở Phật, hãy tìm sự an tâm chính nơi lòng mình… Mặt trời mọc ở bên trong là thế… Ngọc nở trong sen”.

Theo Thể thao Văn hóa