Trang chủ PGVN Cửa thiền Nhà sư đi… săn đá

Nhà sư đi… săn đá

72

Khu bảo tàng đồ đá trong chùa


Đồng Ngọ Tự vốn có tên dân gian quen gọi là chùa Cửu Phẩm, vì bên trong có cây tháp Cửu Phẩm Liên Hoa đã hơn 300 năm tuổi. Chùa do Khuông Việt Thiền Sư xây dựng năm 971 theo chiếu chỉ của vua Đinh Tiên Hoàng. Ngôi chùa nằm ngay bên triền chân đê dòng sông Thái Bình, giáp tỉnh lộ từ TP Hải Dương đi Thanh Hà.


Chùa rộng hơn 1 ha, quanh năm u tịch, rợp bóng cây, bình yên như không hề vương chút bụi trần. Ngay từ cổng chùa mọi người đã nhìn thấy nhiều dụng cụ đá có hình thù kỳ quái, đến gốc cây, bờ ao, góc sân chùa… rải rác chỗ nào cũng có những vật dụng đá. Vị đại đức trụ trì chùa này có pháp hiệu Thích Thanh Thắng, người xã Kim Thành kề bên.


Hiện vật phía bên vệ đường trước cổng chùa, nhà sư cho biết đó là những chiếc tai cối giã gạo bằng đá của nông dân xưa. Ở đây có khoảng 50 chiếc tai cối bằng đá xếp ngay ngắn theo hình chữ U bao quanh cây đại, khóm dừa cảnh. Sư thầy tiết lộ mỗi tai cối nặng đến 40-50 kg, ngoài khu cổng ra, rải rác phía bên trong vườn chùa cũng còn 50-60 chiếc nữa.


Phía bên trái cổng, dưới chân gốc cây sung dại chi chít những chiếc trụ đá dài 70-80 cm thuôn hai đầu. Đó là những chiếc trục cán lúa của người làm nông nghiệp xưa, có cách đây cả trăm năm. Mỗi chiếc trục cán nặng gần 100 kg, cỡ 2 thanh niên cường tráng mới có thể bê được nó rời khỏi mặt đất.


Hiện nay đại đức Thích Thanh Thắng đang sở hữu gần 400 chiếc trục đá cán lúa cổ, và thầy vẫn cố gắng sưu tầm thêm. Nhà sư đã rất khéo léo sắp đặt khi cho xây hệ thống tường hoa trước sân chùa bằng cách dùng trục cán lúa đá cổ thay cho con tiện.


Vào đến bên trong thiền tự, nhiều người ngơ ngác khi nhìn thấy một hàng dài cối đá giã gạo cổ bao kín quanh bờ ao sen. Tôi đếm sơ bộ cũng phải đến 200 chiếc cối đá gồm đủ các loại lớn, bé, dày, mỏng khác nhau. Vài chiếc đã vỡ, rạn, rêu phong, mốc meo nhưng đại đức cũng tiếc rẻ vác tuốt về chùa. Chiếc lành, nhà sư biến chúng thành bồn để trồng cây cảnh rất độc đáo, còn chiếc vỡ được xếp ngay ngắn nơi góc vườn.


Trong tổng thể khu bảo tàng đồ đá của sư Thắng, ngoài những loại có số lượng tương đối lớn như đã kể trên còn xuất hiện vô số thứ khác như trụ đá, thống đá, phiến đá, bia đá, hương đá, cầu đá…


Bộ sưu tập đồ đá như một nơi lưu dấu thời gian, phác họa lại cả một thời kỳ dài trong đời sống lao động, sinh hoạt của người dân trồng lúa nước đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, có một chiếc thống đá đựng nước nặng trên 2 tấn, niên đại từ thời Tiền Lê.


Đây là một trong số ít những chiếc thống đá còn sót lại cho đến ngày nay (mới chỉ có một chiếc thống đá khác đã được tìm thấy năm 1992 ở vùng đất Yên Tử – Quảng Ninh).


Sư Thắng cho biết: “Bần tăng đã đi tìm những thứ này suốt gần 20 năm nay nhưng vẫn chưa có thống kê cụ thể. Nếu nói khoảng số lượng đồ đá trong chùa cũng phải có đến 1.000 hiện vật với tổng trọng lượng vào mức 80 tấn các chú à“.


Ly kỳ nhà sư đi săn… đá


Năm 1988, sư Thắng chính thức trụ trì chùa Cửu Phẩm. Đã tròn 20 năm nay, nhà sư sau những buổi tụng kinh gõ mõ, cầu siêu, cúng bái, đều dành hết thời gian còn lại cho niềm đam mê lạ đời của mình.


Trong nhiều lần đi công việc của nhà Phật ở mạn Vũ Thư (Thái Bình), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Tam Điệp (Ninh Bình)… sư đều bớt chút thời gian để hóa trang thành dân thường đi săn đồ đá cổ.


Sư Thắng kể: “Bần tăng khi đi tìm đá cổ, đến mỗi vùng đều tìm quán nước đầu làng để dò hỏi tin tức. Sau khi biết chính xác làng này, xóm kia có bao nhiêu công cụ cổ bằng đá sẽ thuê đám thanh niên to khỏe trong vùng đi bê vác tập kết ở một chỗ thuận tiện…”.


Thậm chí khi biết có cổ vật đá dưới đáy ao hồ cũng thuê bằng được người dân mò lên để đem về chùa. Nếu như đường gần, sư sẽ thuê công nông, xe ngựa chở cổ vật về.


Nhưng với chuyến đi xa, ví dụ lần đi Đông Triều (Quảng Ninh) thì phải kỳ công, tốn của hơn. Chuyến đi đó, sư Thắng đã lùng được hơn 20 đồ vật gồm: cối đá giã gạo, trục đá, cùng đôi trục đá ép mía, tổng thể nặng đến 3-4 tấn. Nhà sư đã phải thuê cần cẩu cẩu cho lên ô tô chở về chùa.


Bộ sưu tập đồ đá của sư Thắng ngày một nhiều về số lượng, chủng loại và trọng lượng. Trong bộ sưu tập đá rất đồ sộ đó, chúng tôi thấy có đôi cây cầu đá khá độc đáo. Hải Dương vốn nổi tiếng với những cầu đá đẹp, thơ mộng, như: Cầu Đông, Cầu Bắc, Cầu Đoài… hầu như làng nào cũng có vài cây cầu đá.


Trong một chuyến đi của sư Thích Thanh Thắng về mạn Nam Sách – Hải Dương, thầy phát hiện ra ở làng nọ có cây cầu đá rất đẹp, dài 9 nhịp. Nhà sư tìm cách thương lượng nhiều lần với chính quyền địa phương mong muốn họ nhường cầu cho nhà chùa, đổi lại nhà chùa sẽ xây cho xã một ngôi nhà văn hóa trị giá 70 triệu đồng.


Tuy nhiên, cuối cùng địa phương ở đó vẫn nhất quyết không bán, làm cho sư Thắng đến giờ vẫn còn tiếc nuối.


Kẻ ra, người vào tham quan chùa, chiêm ngưỡng những hiện vật đá ngày một nhiều. Sư kể có những vị quan chức trên chốn thành thị, người du lịch nước ngoài về đây xem đá cứ ngơ ngác, chẳng hiểu gì.


Những lúc đó, sư rỗi rãi lại dẫn du khách đi xem khu bảo tàng đá của mình, và kể cho họ nghe các sự tích, công dụng của từng đồ vật. Năm 2007 đại đức Thích Thanh Thắng được Sở Văn hóa – Thông tin Hải Dương trao tặng bằng khen vì đã có đóng góp trong việc lưu giữ những giá trị văn hóa cổ.