Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Nhân đại hội Phật giáo các cấp: Kỳ vọng gì vào nhân...

Nhân đại hội Phật giáo các cấp: Kỳ vọng gì vào nhân sự mới?

127

Thực tế cho thấy, để Phật giáo phát triển và hưng thịnh thì cần có một giáo hội vững mạnh và hòa hợp. Để có giáo hội vững mạnh thì yếu tố nhân sự là quan trọng nhất. Một thầy được bầu vào vị trị lãnh đạo giáo hội dù ở cấp nào cũng đòi hỏi phải có đầy đủ các tiêu chí sau:

Có sức khỏe: có sức khỏe là có tất cả, có sức khỏe mới có thể gánh vác được Phật sự; điều hành, tổ chức được Phật sự và giám sát việc thực hiện các Phật sự. Có sức khỏe mới có điều kiện hoàn thành được Phật sự được Phật tử và giáo hội giao phó.

Có giới hạnh và uy tín: Một thầy được bầu vào vị trí lãnh đạo, thầy đó phải giữ được giới hạnh của người tu, là tấm gương sáng ngời về phạm hạnh, đạo đức cho phật tử và tăng ni noi theo, là người có uy tín để tập hợp thu hút được quần chúng phật tử quay về nương tựa và hộ trì Phật pháp. Là hình ảnh đại diện cao quý của giáo hội để không chỉ tăng ni Phật tử mà toàn thể xã hội, người ngoại đạo trông vào phải nể trọng.

Có học Phật uyên thâm: học phật uyên thâm ở đây không chỉ là nghiên cứu kinh điển lý thuyết mà cả thực hành đầy đủ các lời nói trong kinh điển. Là một vị chân tu đích thực. Từng lời nói, cử chỉ, việc làm, oai nghi đều là một bài pháp sống động.

Có năng lực: Một thầy được bầu vào vị trí lãnh đạo của giáo hội thì người thầy đó phải có năng lực thực thụ, có tài lãnh đạo, có kỹ năng tổ chức điều hành Phật sự, có khả năng vận động được Phật tử. Ví dụ một thầy là trưởng ban hoằng pháp thì thấy đó phải có kỹ năng hoằng pháp, có kỹ năng tổ chức các khóa tu, các lớp học giáo lý.

Có năng động và nhiệt huyết:  có hạnh nguyện của hành giả bồ tát, dấn thân, hy sinh cho việc hoằng dương Phật pháp, phục vụ giáo hội và chúng sinh. Là người dám nghĩ dám làm và dám chụi trách nhiệm với công việc được giáo hội giao phó. Không ngừng đổi mới, sáng tạo công tác điều hành, chương trình phật sự.

Có quan hệ tốt với chính quyền: Quan hệ tốt là quan hệ có đi có lại, giáo hội ủng hộ chủ trương chính sách tôn giáo, phát triển kinh tế của nhà nước, đóng góp phản biện xã hội, vận động người dân sống tốt đời đẹp đạo. Ngoài ra tranh thủ sự ủng hộ của nhà nước đối với PG, vận động nhà nước tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển.

Một thực trạng xưa nay là để được cơ cấu bầu vào vị trí các cấp lãnh đạo vẫn còn hiện tượng bè phái, nếu không phải là đệ tử của thầy này thầy kia thì khó có thể được bổ nhiệm làm trụ trì một chùa, việc bầu vào lãnh đạo ở các cấp còn khó hơn.

Một thực trạng nữa là xem từ cấp trung ương đến các ban trị sự tỉnh thành ta thấy toàn là các thầy ở độ tuổi xưa nay không phải hiếm mà xưa nay rất hiếm. Các thầy ở độ tuổi 70 thì đã là quá già, nhưng có thầy còn ở độ tuổi 80, 90. Nhiều thầy sức khỏe yếu, đi không vững phải có đệ tự dìu, nói không lên hơi nhưng vẫn đảm đương các chức vụ quan trọng.

Cương vị càng cao đòi hỏi sức khỏe càng phải tốt để gánh vác phật sự. Sức khỏe yếu thì làm sao các thầy có thể điều hành, tổ chức, giám sát được Phật sự đa đoan hằng ngày.

Các thầy dù có khỏe, có minh mẫn thì cũng chỉ là khỏe và minh mẫn so với tuổi của mình mà thôi, làm sao có thể khỏe và sáng suốt như thế hệ trẻ.

Một giáo hội mà toàn thấy lãnh đạo già, phật tử già đi chùa thì đó là biểu hiện giáo hội ấy, tôn giáo ấy đang trên đà suy thoái và gây tâm lý bi quan cho người muốn tham gia vào tôn giáo ấy.

Ở ngoài đời, người ta đi làm đến tuổi 60 là đã nghỉ hưu, làm lãnh đạo cấp cao của nhà nước độ tuổi được bầu cũng không quá 65. Vậy mà xưa nay các kỳ đại hội vẫn bầu lãnh đạo giáo hội ở độ tuổi 70, 80,90.

Nhìn trong lịch sử Việt nam, thời nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, đạo Phật là quốc giáo, từ triều đình vua quan cho đến thứ dân đều là Phật tử. Các vua nhà Trần ở đỉnh cao của danh vọng, quyền uy, sung sướng ấy vậy mà đang ở độ tuổi 35, 40 các hoàng đế nhà Trần sẵn sàng từ bỏ quyền lực, nhường ngôi lại cho con để trở thành thái thượng hoàng lui về sống ở Thiên Trường- Nam Định. Tại sao giáo hội chúng ta không học trong lịch sử nước nhà. Các thầy tuổi cao sức yếu không đủ điều kiện điều hành Phật sự thì xin rút lui.

Phật dậy vô ngã, hỷ xả, nhưng chúng ta vẫn chấp cái tôi, chấp vào chức vị mình đang giữ.

Xưa nay các cha ông ta dậy rằng tre già măng mọc. Tre già thì sẽ không thiếu măng để thay thế. Vấn đề mình có nhận mình già hay không để mạnh dạn chuyển giao, tin tưởng giao phó trọng trách cho thế hệ trẻ đảm đương gánh vác Phật sự.

Mỗi năm giáo hội đầu tư tài chính công sức để đào tạo tăng ni cho giáo hội, mỗi năm có hàng ngàn tăng ni tốt nghiệp các học viện Phật giáo, các trường cao đẳng Phật giáo. Các thầy được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp có đầy đủ các kỹ năng nhưng khi ra trường các thầy có được giáo hội trọng dụng, bổ nhiệm giao trọng trách hay chính giáo hội đang để lãng phí một nguồn tài nguyên vô giá đó.

Phật giáo VN chúng ta không chỉ mãi ru ngủ trên quá khứ vàng son, hay hiện tại PG vẫn là đa số mà chúng ta phải thức tỉnh, nhận thức được những thách thức nguy cơ đối với PGVN trong tình hình mới. Đó là “ giặc nội xâm và ngoại xâm”.

Ngoại xâm là thực trạng xã hội ngày nay thiên về hưởng thụ vật chất, mà suy thoái về đạo đức, lối sống tâm linh, là ngoại đạo đang ngày đêm ra sức cải đạo tín đồ Phật giáo.

Nội xâm là những cản trở nội tại trong chính chúng ta biểu hiện ở việc tham quyền cố vị, là mất đoàn kết, chia rẽ tông môn phái, là thụ động trông chờ ỷ lại nhà nước, là vi phạm giới đức phạm hạnh của người tu, là xa rời quần chúng phật tử…

Một kỳ đại hội đang tới tăng ni Phật tử kỳ vọng vào một kỳ đại hội thành công, bầu ra được các lãnh đạo có đủ tâm đủ tầm dấn thân phụng sự Phật pháp chứ không phải bầu cho có đủ ban bệ, rồi hoạt động cầm chừng.

Một ban trị sự khóa mới phải có chương trình nghị sự cụ thể, có mục tiêu phấn đấu cụ thể, phải nắm rõ đơn vị mình có bao nhiêu chùa còn thiếu vắng trụ trì, có bao nhiêu làng xã còn trắng PG, mỗi năm tổ chức được bao nhiêu khóa tu, bao nhiêu lớp giảng giáo lý cho Phật tử, mỗi năm có bao nhiêu người học giáo lý và quy y cho được bao nhiêu người, mỗi năm có bao nhiêu chương trình ngoại khóa cho Phật tử, công tác từ thiện giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, thu hút được bao nhiêu Phật tử trẻ đến chùa…

Với tinh thần nói thẳng nói thật, nhìn thẳng vào sự thật chúng ta kỳ vọng một kỳ đại hội PG đổi mới toàn diện từ công tác nhân sự đến chương trình Phật sự. Một kỳ đại hội tránh được những tồn tại trong quá khứ. Nếu thêm một kỳ đại hội không như mong muốn là PG chúng ta sẽ tụt hậu thêm 5 năm. PG Hàn Quốc chỉ cần 6 lần tụt hậu như thế thì PGHQ đã trở thành thiểu số và để lại hậu quả mãi trăm năm ngàn năm không khắc phục được.

Người Phật tử cư sĩ tại gia có trách nhiệm sống tốt đời đẹp đạo, hộ trì tam bảo, hộ trì Phật pháp và chúng ta cũng có trách nhiệm nói lên những yêu cầu kỳ vọng của mình vào giáo hội.

Do vậy rất mong quý phật tử cùng nói lên tiếng nói của mình, cùng đưa ra lời nhận xét với bài viết, cùng đưa ý kiến đóng góp cho giáo hội góp phần xây dựng giáo hội vững mạnh, Phật giáo hưng thịnh trường tồn trên đất nước Việt nam.

Tôi tin phản hồi, góp ý của chúng ta sẽ được lãnh đạo giáo hội lưu tâm.