Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Nhân sự trên cơ sở năng lực và sức khỏe: Tin vui...

Nhân sự trên cơ sở năng lực và sức khỏe: Tin vui cho PGVN

97

Tôi viết bài này không phải để mừng việc Hòa thượng Thích Thiện Nhơn được chính thức thỉnh cử vào chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, mà là mừng cho một cách làm việc mới, một tư duy nhân sự mới: thỉnh cử  chức vụ quan trọng của giáo hội trên cơ sở tiêu chuẩn năng lực làm việc và sức khỏe, thay vì theo tuổi tác, hạ lạp.

Truyền thống dân tộc Việt Nam là trọng người cao tuổi, truyền thống Phật giáo cũng trọng bậc trưởng lão, vì thế, không có gì lạ khi trong một thời gian dài, lãnh đạo Phật giáo đều là những bậc hòa thượng cao niên. Vậy thì dĩ nhiên, giáo hội sẽ trở thành một giáo hội bô lão!

Tuổi cao không chỉ là trở ngại để thực thi công việc, mà còn là vấn đề trong tư duy chỉ đạo công việc. Tuổi cao luôn đi kèm với bệnh tật, suy kém sức khỏe. Chính sức khỏe mới là vấn đề. Người tuổi cao sức yếu, bên cạnh việc không thể làm nhiều việc, và ngược lại công việc sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thì cái đầu của một người già lão, bệnh tật, không thể suy nghĩ như những người mạnh khỏe, cường tráng. Sự trì trệ của Phật giáo trong thời gian qua cũng một phần là từ vấn đề sức khỏe của những nhà lãnh đạo Phật giáo.

Sức khỏe bao giờ cũng là trở ngại lớn đối với công việc lãnh đạo, dù là tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia. Áp lực về sức khỏe là hết sức nặng nề đối với công tác nhân sự của mọi tổ chức, doanh nghiệp, nhà nước, kể cả ở tôn giáo khác. Vì vậy, các nhà lãnh đạo luôn muốn thể hiện một sức khỏe tốt, nhất là trước thềm những cuộc lựa chọn nhân sự. Nhưng dường như ở Phật giáo thì ngược lại!

Có lần, một người bạn của tôi từ nước ngoài về xem trên truyền hình An Viên đã hỏi tôi vì sao nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam lại không ngại khi TV chiếu những hình ảnh bất lợi về sức khỏe, như phải dìu đi trong các buổi lễ chẳng hạn. Trong khi tôi không biết trả lời sao, thì có người giải thích một cách hơi kỳ lạ, là vì các vị hòa thượng muốn như thế, để thể hiện sự tôn kính, như hình ảnh Từ Hi thái hậu luôn có cung nữ hay thái giám dìu đi hay đỡ tay trong phim Hong Kong, Đài Loan vậy.

Tôi không nghĩ đó là lời giải thích đúng, nhưng nếu quả thực như thế thì còn gì là tương lai nhân sự Phật giáo?

Người ta nhìn vào một tôn giáo, một đoàn thể, một quốc gia là thông qua hình ảnh của các nhà lãnh đạo. Vì đó là những hình ảnh đại diện, nên khi các nhà lãnh đạo xuất hiện trước công chúng thì mục tiêu hàng đầu vẫn là sức khỏe, thể lực, rồi sau đó mới đến sự nghiêm trang, tề chỉnh, trịnh trọng, tươm tất. Tổng thống Obama thể hiện sức khỏe bằng những bước đi mạnh mẽ. Tổng thống Nga Yeltsin bị bệnh tim nặng vẫn khiêu vũ kích động nhạc trên sân khấu để thu hình, hay khi đã bệnh thì vẫn cho dựng một căn phòng Kremli giả bằng giấy bồi trong bệnh viện để đọc diễn văn như vẫn đang làm việc tại Kremli. Còn giáo hoàng Phangxicô thì thể hiện sức khỏe bằng sự nhanh nhẹn trong các động tác, dù có vẻ hơi cố ý thái quá. Vì vậy, trong truyền thông, đại kỵ việc thể hiện những hình ảnh các nhà lãnh đạo trong tình trạng suy yếu về sức khỏe, chẳng hạn như đang được dìu đi. Nếu lỡ có xảy ra chuyện đó thì cũng không cho phổ biến. Đàng này, ở Phật giáo thì ngược lại!

Nhưng rất mừng, trong chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự vừa được thỉnh cử, tăng ni Phật tử đã được nhìn thấy một hòa thượng có bước đi nhanh nhẹn, mạnh mẽ. Ở hầu hết các cuộc lễ lớn của Phật giáo đều có sự hiện diện của hòa thượng Thích Thiện Nhơn, hồng hào, tươi tắn, năng nổ, tạo một bộ mặt mới cho hàng lãnh đạo cao nhất của Phật giáo. Hòa thượng Thiện Nhơn, trong cương vị Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự, sẽ là người dẫn đầu đoàn tôn đức giáo phẩm Phật giáo trong các cuộc lễ, trong các dịp xuất hiện trước công chúng. Như vậy là đã qua cái thời hễ dẫn đầu đoàn tôn đức giáo phẩm phải là những vị già lão, gầy gò, bước chân run rẩy, chao đảo có người dìu đỡ hai bên…

Sức khỏe của người lãnh đạo không chỉ là đem lại sinh khí cho Phật giáo Việt Nam về mặt hình thức thể hiện bên ngoài, mà còn đem lại chuyển biến trong hoạt động chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện Phật sự. Với một vị Phó Chủ tịch Thường trực còn dồi dào sức khỏe, quỹ thời gian cống hiến còn nhiều, Phật giáo Việt Nam đã cơ bản để lại phía sau thời kỳ giáo hội bô lão, suy cử chức vụ trước hết từ tiêu chuẩn tuổi tác, hạ lạp, mà nay thì trước hết từ năng lực và sức khỏe.

Mong sao, đây không phải là trường hợp cá biệt riêng rẻ, mà là sự khởi đầu tư duy nhân sự mới của giáo hội, phù hợp với tiêu chuẩn, tập quán của xã hội, của thế giới. Sự chuyển biến mới đây trong hoạt động toàn cầu đạo Ca tô La Mã cho thấy sức khỏe của các nhà lãnh đạo quan trọng như thế nào đối với tôn giáo.

MT