Trang chủ Quốc tế Nhật Bản: 2.000 lãnh đạo tôn giáo bày tỏ khát vọng hòa...

Nhật Bản: 2.000 lãnh đạo tôn giáo bày tỏ khát vọng hòa bình

51

Chủ đề chính của Hội nghị là “Đối mặt với bạo lực và tiến tới chia sẻ an ninh” trong bối cảnh thế giới đang đứng trước mối đe dọa lớn về xung đột sắc tộc, tôn giáo. Hội nghị được khai mạc bằng màn biểu diễn của đại diện thiếu niên đến từ Palestine, Israel, các nước châu Phi, châu Á. Tiếp đó là lễ cầu nguyện đa văn hóa vì hòa bình và hàng loạt bài phát biểu của các đại diện tôn giáo khác nhau trong đó có Hòa thượng Eshin Watanabe thuộc giáo hội Phật giáo Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi, cựu Tổng thống Iran Muhammad Khatami.


 Hoà thượng Eshin Watanabe nhắc lại những thảm họa đã từng xảy ra trên thế giới như thảm họa bom nguyên tử ở Nagasaki, Hiroshima, và các vụ thảm sát người hàng loạt người Do Thái trong Thế chiến II như vụ thảm sát Auschwitz, v.v. Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi nói rằng mặc dù ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực Trung Đông còn hạn chế nhưng phía Tokyo vẫn đưa ra một đề nghị về một “Hành lang hòa bình” trong đó chủ yếu nhằm nâng cao mức sống của người dân trong khu vực này. Ông cho biết đề nghị nói trên đã được một số nhà lãnh đạo ở Trung Đông như Thủ tướng Israel Ehud Olmert, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, và Quốc vương Abdulah của Jordani chấp thuận. Trong vai trò điều khiển Hội nghị, Hoàng tử Jordani El Hassan bin Talal mở đầu bài phát biểu của ông bằng một cử chỉ gây ấn tượng mạnh đối với những người dự.


Hoàng tử El Hassan nói rằng với tư cách một tín đồ Hồi giáo, ông xin lỗi tất cả những tín đồ Phật giáo về việc một số phần tử Hồi giáo Taliban thuộc Chính phủ Afghanistan trước đây đã phá hủy các bức tượng Phật ở Bamiyan hồi năm 2001. Tổng Thư ký của Hội nghị- tiến sĩ William Vendley- kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo khác nhau hãy tôn trọng những sự khác biệt của nhau, tìm ra những điểm tương đồng trên cơ sở đạo đức ở qui mô quốc gia và toàn cầu. Ông cho rằng ngày nay các tôn giáo đang bị lợi dụng bởi các phần tử tôn giáo cực đoan. Lãnh tụ Hồi giáo Mustapha Ceric từ Bosnia – Hezegovina kêu gọi sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tín đồ Hồi giáo và Do Thái giáo nhằm chấm dứt đổ máu tại vùng Đất Thánh và lấy lại sự tin cậy lẫn nhau giữa những người Hồi giáo với phần còn lại của thế giới. Ông nhấn mạnh rằng vấn đề lớn nhất trong thời đại của chúng ta hiện nay là sự tin cậy lẫn nhau, hiện tại nhiều tôn giáo chưa tin cậy lẫn nhau. Theo ông, sự tin cậy phải được dựa trên cơ sở sự thật và sự công bằng. Trong hai ngày thảo luận, các chức sắc tôn giáo khác nhau phát biểu về những quan điểm và sự đóng góp của tôn giáo mình vào việc kiến tạo hòa bình ở các qui mô khu vực và toàn cầu.