Trang chủ Quốc tế Nhật Bản :Nhà Sư dùng nhạc Hiphop để truyền bá Phật Pháp

Nhật Bản :Nhà Sư dùng nhạc Hiphop để truyền bá Phật Pháp

165

Tại ngôi chùa Yugasan Rendaiji ở tỉnh Okayama, một nhà sư người Mỹ đã thực hiện một dự án mang tên “Hoodie Monks”, kết hợp nhạc hiphop vào giáo lý Phật giáo. Nhà sư Gomyo, 45 tuổi, thế danh là Kevin Seperic sinh ra tại Michigan, bắt đầu háp rap vào những năm 90. Năm 1994, ông chuyển đến Nhật Bản để học tập và nghiên cứu đạo Phật. Năm 2004, ông thọ giới Tỳ-kheo, trở thành một tu sĩ của Phật phái Chân Ngôn, một tông phái lớn của Phật giáo bí truyền tại Nhật Bản.

bai 166

Nhà sư Gomyo biểu diễn rap trong một nghi lễ tưởng niệm người quá cố được tổ chức hàng năm tại chùa Rendaiji

“Bằng cách truyền tải đạo Phật thông qua văn hóa hiphop, chúng tôi hy vọng sẽ làm được hai điều : giới thiệu tư tưởng Phật giáo đến với mọi người, những người có thể chưa muốn tiếp xúc với đạo Phật và tạo ra một xu hướng hiphop mới”, nhà sư Gomyo chia sẻ. Nhận thấy một số người trẻ đã biết đến Phật giáo, ông tập trung vào việc hoằng pháp theo một cách có ý nghĩa hơn. Bằng việc cung cấp cho mọi người những bài học thiết thực về cuộc sống hàng ngày, ông đang dần chứng tỏ Phật giáo có thể làm nhiều việc hơn chứ không đơn thuần chỉ đóng vai trò là một nghi lễ truyền thống trong cuộc sống của họ.

Hiphop là một thể loại âm nhạc phát triển như là một phần của văn hóa hiphop trong những năm 1970 tại New York. Nó được xác định bởi 4 yếu tố mang phong cách riêng biệt như Mcing/rap, Djing/mix nhạc, breakdance/nhảy, graffiti/tranh phun sơn. Theo như sự giải thích của nhà sư Gomyo thì trong Phật giáo có sự tương đồng với những yếu tố trên : rap được thể hiện bằng nghi thức tụng kinh, các DJ trong Phật giáo sử dụng trống taiko hoặc các khối gỗ để giữ nhịp khi tụng kinh.

Trong Phật giáo nói chung và Phật phái Chân Ngôn nói riêng, giáo dục bằng hình ảnh đóng một vai trò quan trọng, cũng giống như vai trò của bộ môn vẽ tranh đường phố trong văn hóa hiphop. Người ta nói rằng hai bức tranh mạn đà la được sử dụng trong Phật phái Shingon là Kongokai và Taizokai đã chứa đựng tất cả các giáo lý. Nhà sư Gomyo rất thích vẽ tranh tường Phật giáo khi tổ chức các sự kiện về hội họa, khi đó ông có thể chia sẻ các hình ảnh theo một phong cách mà giới trẻ đánh giá cao.

bai 166-1

Nhà sư Tagai được biết đến với tên gọi rapper Hạnh Phúc

Năm 2006, một nhà sư tại ngôi chùa Kyoou-ji 400 tuổi ở trung tâm Tokyo đã sử dụng hình thức hoằng pháp tương tự nhà sư Gomyo để thu hút những người trẻ tuổi đến với Phật pháp. Nhà sư Kansho Tagai được mọi người dành tặng biệt danh là rapper Hạnh Phúc. Ông tổ chức một loạt các sự kiện hướng tới giới trẻ tại Kyoo-ji, thỉnh thoảng mọi người có thể được nghe những bài kinh và những bài học giáo lý kèm theo nhịp điệu của phong cách hiphop.

“Với phương pháp mới, tôi thực sự hy vọng các bạn trẻ sẽ nhìn thấy được mặt vui vẻ của Phật giáo và dành nhiều sự quan tâm hơn đến tôn giáo của mình”, nhà sư Tagai cho biết.