Trang chủ PGVN Cửa thiền Nhịp cầu nối đạo & đời

Nhịp cầu nối đạo & đời

207

Chùa quê tuy nghèo, thanh bạch, nhưng khách đến chùa thấy sự tươi vui của đời thường, từ tiếng nói cười bi bô của trẻ nhỏ, đến chuyện làm ăn, chuyện thân phận của thế thái nhân tình… gần 20 năm nay, nhiều số phận, mảnh đời bất hạnh đã tìm đến đây nương nhờ và được vị trụ trì ở đây cưu mang, đùm bọc.

Một cô bé cao lớn, tồ tệch bê ca nước lá, ngượng nghịu mời chúng tôi uống. Sư thầy Thích Diệu Nhân, trụ trì chùa nhắc cô bé lấy cốc, vừa kể như thanh minh: Con bé này nhà chùa xin về từ Thái Bình. Mười bốn tuổi mà ngờ nghệch như trẻ con, đến tội. Cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam, gia đình kinh tế khó khăn, tôi đưa về đã dăm năm nay. Hồi đầu mới đến, cháu phá phách lắm, khi nào cũng cầm sẵn sợi dây, gặp người là trói, nhà chùa phải cắt nhau trông chừng. Ở chùa một thời gian, tự nhiên cháu hiền lành hẳn. Bây giờ thì tiến bộ lắm, khách đến biết chào hỏi, biết giúp thầy đi lấy nước mời khách. Có điều khi thì lấy nước không có cốc, khi thì có cốc không có nước, khi thì dăm người khách chỉ lấy một chiếc cốc… Thầy đi ra ngoài thì chớ, về đến chùa là cô bé lúc nào cũng quyến luyến quanh quẩn bên thầy.

Hiện tại, chùa Đông Trang đang cưu mang hơn bốn mươi trẻ em đang độ tuổi đến trường. Thầy bắt đầu công việc này từ năm 1996, đầu tiên là những trường hợp trẻ em nhiễm chất độc da cam. Rồi như mối lương duyên, bọn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, trẻ mồ côi, trẻ bị cha mẹ ruồng bỏ… bằng duyên này duyên khác mà đến chùa, rồi được sư thầy mở lòng đón nhận, nuôi nấng, dạy dỗ.

Câu chuyện với chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của thầy. Một cậu đang học ở Hà Nội gọi về xin tiền thầy để đóng học phí, điện thoại của thằng bé gần hai tuổi nhà chùa nuôi vừa được bố mẹ cháu đón về, cứ đến bữa ăn là nằng nặc đòi mẹ nói chuyện với thầy, điện thoại của cô giáo chủ nhiệm gọi về phản ánh cậu bé thầy đang nuôi hôm nay trót nghịch dại…

Với phong cách rất nhập thế, tuy nhiên người nghe vẫn cảm nhận rõ nét chân tu của vị sư trong cách xưng hô. Thầy kể: Nhà chùa đã đi tu nhiều năm, từng ở một số chùa lớn ở Hải Phòng, Ninh Bình, chăm chỉ tu tập, cũng ra bẩm vào bạch, nhưng rồi kể từ khi nhà chùa có duyên với mảnh đất này, ngẫm ra nhiều sự đổi thay.

Trên nẻo đường khất thực, vận động tiền của xây chùa, đến đâu thầy cũng thấy những hoàn cảnh trớ trêu, bi kịch. Ngộ ra, duyên Phật của thầy không chỉ là việc tụng kinh gõ mõ đêm ngày ở chốn cửa chùa. Không thể làm ngơ, thầy quyết định trích một phần tiền vận động để xây sửa chùa đem bố thí cho kẻ khó. Khi chùa có chỗ trú mưa trú nắng, thầy bàn với phật tử đón các cháu về chăm sóc.

Thầy nhớ lại, gần 20 năm qua, kể từ khi nhận các cháu nhỏ, nuôi ăn, nuôi học, để trụ được, nhà chùa cùng với các phật tử tham gia cùng người địa phương làm đủ việc. Để giảm bớt gánh nặng tiền thuốc cho các cháu, thầy gia công gầy dựng cả vườn thuốc nam ngay tại mảnh đất trước chùa. Trồng rau, cấy lúa, chăn nuôi gia súc gia cầm, làm nghề phụ… nhà chùa làm việc đồng áng như hầu hết người dân quanh vùng, miễn sao đủ cái ăn, cái mặc, có tiền đóng học cho các cháu.

Hiện đã có nhiều cháu trưởng thành từ mái chùa nghèo này. Hai chị em Đào Thị Thu Hà và Đào Thị Lâm vẫn được sư thầy nhắc đến làm gương cho các em nhỏ hiện nay vì nghị lực vượt lên hoàn cảnh để học giỏi. Bố mất sớm, mẹ bị bệnh hiểm nghèo, Hà và Lâm rơi vào cảnh khốn cùng. Sư thầy biết hoàn cảnh đã quyên góp tiền thuốc chạy chữa cho mẹ của hai cháu, vừa động viên hỗ trợ, tạo điều kiện cho hai cháu ăn học. Hà tốt nghiệp đại học y, rồi cao học, trở thành bác sĩ. Giờ thì cô đã giúp thầy chăm lo sức khỏe cho các em… Lâm noi gương chị, cũng học rất giỏi, hiện đang là sinh viên năm thứ hai của Học viện Ngoại giao.

Tiếp nối theo nhau, đủ năng lực thì vào đại học, cao đẳng, trung cấp, hoặc học xong trung học là học nghề,… nhiều cháu đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, nhà chùa lại đứng ra lo liệu việc dựng vợ gả chồng. Cháu Dương Tuấn Anh, hiện đang học ở Học viện Âm nhạc quốc gia, từng được nhà chùa nuôi gần mười năm, cứ nghỉ hè, Tuấn Anh lại về chùa cả đợt dài, đưa những kiến thức âm nhạc học được ở trường truyền dạy lại cho các em. Chính vì thế, ban nhạc đồng quê của nhà chùa hoạt động rất sôi nổi.

Khi chúng tôi đến, thấy có người đàn ông trung niên dáng khắc khổ nhưng nhiệt tình, chu đáo thu xếp mọi việc ở chùa. Hỏi ra mới biết, ông thân thiết, qua lại chùa như người nhà. Con trai ông là Lê Văn Mạnh lúc mới sinh ra đã mắc bệnh nan y. Vợ chồng ông vốn là nông dân, sau nhiều lần đưa con đi khám, chữa ở bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương, dù rất cố gắng nhưng bất lực trước bệnh tình của con ngày một nặng. Như có cơ duyên, cậu bé gặp sư thầy, được thầy lo thuốc thang, chạy chữa. Hợp thầy hợp thuốc thế nào, bệnh của cậu bé đỡ dần rồi khỏi. Cậu khỏe mạnh, đến tuổi đi học, rồi đỗ vào trung cấp cảnh sát ở Hà Nội. Bố cậu bé Mạnh trở thành người nhà chùa là vì thế. Ông nói: Con người ta ai cũng có lúc đận nọ đận kia. Được thầy Nhân ra tay giúp đỡ lúc khó khăn, gia đình tôi không bao giờ quên ơn thầy. Giờ tôi giúp các cháu nhỏ còn khó khăn, như thằng Mạnh con tôi ngày xưa được thầy cứu vậy…

Hiện cơ sở vật chất ở chùa còn đơn sơ, nơi ăn chốn ở cho các cháu còn ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Tuy nhiên, từng bước một, những người sống ở chùa đã dần ổn định cuộc sống. Thầy chia sẻ, niềm vui lớn là đã có nhiều cháu được trưởng thành, nhiều phận người có được mái ấm, sống thương yêu đùm bọc nhau. Người già đến chùa được lớp trẻ chăm sóc, đứa lớn có trách nhiệm chăm sóc đứa bé. Cuối tuần, những đứa học ở xa lại cùng bạn bè về kèm cặp lớp đàn em. Việc học hành của đám nhỏ vì thế trở nên suôn sẻ hơn. Mỗi lần có thành viên phải xa thầy, xa chùa lên thành phố học tập, công tác, không khí quyến luyến, bịn rịn thật xúc động. Họ luôn hướng về chùa như hướng về ngôi nhà chung ấm áp, tin yêu.


Sư thầy Thích Thiệu Nhân.