Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Nhịp xuân Hương Tích

Nhịp xuân Hương Tích

104

Xuân chùa Hương được đánh dấu bởi ngày khai hội mùng 6, tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội kéo dài suốt ba tháng. Mặc dù vào ngày mùng 6 âm lịch mới là ngày khai hội chùa Hương, song không khí rộn rã, tưng bừng của ngày lễ hội đã ùa về từ những ngày trước tết.


Khuôn viên chùa rực rỡ sắc màu của đèn, hoa, cờ phướn… dải từ suối Yến đến sân Thiên Trù, động Hương Tích. Xuân chùa Hương về trong cái giá lạnh khắc nghiệt của thời tiết nơi vùng núi linh địa, thậm chí nhiều hôm nhiệt độ xuống dưới 10oC. Song điều lạ lùng trời càng lạnh, càng giá dòng người hành hương từ khắp mọi miền đất nước đổ về trảy hội càng đông. 


Trong khung cảnh náo nhiệt của dòng người, của cuộc chạy đua thời gian hối hả, của cảnh bán mua, chen lấn… thế nhưng dường như không làm mất đi không khí thanh tịnh, trang nghiêm nơi cửa Phật. Chính cái nhịp điệu, không gian rất chùa Hương đó, khiến xuân chùa Hương Tích mang nét rất riêng mà không thể lẫn bất cứ lễ hội nào.


Trong thanh âm ồn ã, huyên náo của tiếng người cười, tiếng người nói, tiếng người khấn, tiếng tụng kinh, niệm Phật… vẫn thấy đâu đó vẻ tĩnh lặng, trầm mặc của chốn sơn môn, có những giây phút trải lòng lắng nghe tiếng thinh không, tiếng chim hót, tiếng chuông chùa từ xa vọng lại.


Mọi vật trở nên đồng điệu vận động trong cái tĩnh lặng của không gian, của thời gian, của tiếng hát vút cao, trong vắt, nhuốm màu thiền ca của ca sỹ Phật tử Mỹ Linh, khiến không gian chùa Hương thêm phần linh thiêng màu nhiệm.


Xuân chùa Hương được đón chào bởi những bữa cơm chay, đạm bạc, mang đậm hương vị tương dưa núi rừng. Màn đêm buông xuống, sân Thiên Trù vẫn không ngơi những bước chân của dòng người mộ đạo, khách hành hương đến thắp hương, khấn nguyện. Không gian trùng xuống, mọi vật trở về vị trí nguyên sơ. Tiếng bước chân trở nên khẽ khàng, khoan thai trong nhịp đập, hơi thở của không gian đẫm mầu Phật chất.


Đêm yên ả, đôi khi bị thức giấc bởi tiếng chuông ngân, tiếng tụng kinh, niệm Phật đều đều để cùng hoà theo không khí của mùa xuân song không quên tu tập với những thói quen nhắc nhớ tưởng như nhàm chán. Đêm đặc sánh hương xuân thanh tịnh của núi rừng, phòng của thầy trụ trì vẫn còn sáng đèn, khách đến xin vấn an không ngơi.


Ấy vậy, trên khuôn mặt Thầy vẫn rạng ngời, nụ cười hoan hỷ, an nhiên, tự tại. Vốn là người yêu nghệ thuật và mang đậm chất nghệ sỹ, mỗi lần gặp anh em văn nghệ sỹ, Thầy dành nhiều thời gian trò chuyện, viết thư pháp tặng anh em Phật tử khi màn đêm đã buông từ rất lâu.


Thi thoảng, đôi mắt của Thầy ánh lên cái nhìn tinh anh mà hiền hậu. Từng nét bút uốn lượn nhả vào đó cái tinh thần, chí khí của bậc long tượng, tâm hồn bay bổng của người nghệ sỹ, cái mềm mại, nền nhã và thanh tịnh chốn thiền môn. Sống trong từng sát na, sống trong thực tại, nắm bắt khoảnh khắc của thực tại, dường như cái thực tại đang hiện hữu quanh đây, cái thực tại mà ở đó sức mạnh tinh thần của con người đang chiếm hữu.


Hoà trong sắc xuân, những nụ hoa đào dưới chân bảo tháp Chân Tịnh khẽ khàng vươn mình bung những chiếc cánh tinh khôi, trắng muốt, xua tan dần cái giá lạnh của núi rừng. Một màu trắng bàng bạc, tươi tắn sáng rực một góc trời Hương Tích dù vẫn biết thời gian khoe sắc quá ngắn ngủi.


Hẳn thiếu sót nếu nàng xuân không ghé qua động Hương tích. Nơi đây được coi là một trong những động đẹp nhất xứ Nam với những mảng thạch nhũ muôn màu, lấp loá toả chiếu muôn nơi. Từng giọt nước đọng lại trên vách đá hối hả tuôn rơi, tạo nên một cảnh đẹp lung linh, huyền bí.


Đoàn người cứ thế nối nhau, ai nấy đều cố chen chân để được chiêm bái, thắp hương nguyện cầu nơi thánh tích tương truyền Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện, được khẽ chạm vào bầu sữa mẹ, dang tay hứng đầy những giọt sữa mát trong đêm ngày tuôn trào trong tình thương yêu vô bờ bến của đức Phật bà chùa Hương, để cùng nhau hướng tới cái chân, thiện, mỹ.


Sự vận động của thiên nhiên, của con người trong không khí xuân của Hương Sơn, trong nhịp xuân Hương Tích cứ thế gấp gáp, hối hả nhưng vẫn giữ lại một điều gì đó rất riêng, văng vẳng đâu đây lời giảng pháp của ngài Pháp vương Gyalwang Drukpa trong lần đến thăm Hương tích: “Hẳn chúng ta đã phải nhiều đời tu tập, tích lũy công đức mới được sinh ra ở một đất nước như Việt Nam, nơi có rất nhiều thánh địa linh thiêng như quần thể danh lam chùa Hương, đặc biệt là những ai được sinh ra ở gần chốn thánh địa này. Và có hàng triệu, hàng tỷ chúng sinh trên thế giới không có cơ duyên và thiện nghiệp được như vậy…” như lời tri ân trong một năm mới an lành đang tràn về muôn nhà.