Trang chủ Văn học Tùy bút Những buổi cơm chay của mẹ

Những buổi cơm chay của mẹ

64

 

Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung), cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Ngày xá tội vong nhân cũng có nguồn gốc từ lễ Vu Lan, nhưng một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.

Tín ngưỡng bình dân cho rằng ngày xá tội vong nhân là ngày bọn quỷ sứ Diêm Vương tạm tha cho tội nhân về cõi dương ăn lễ cúng của người sống rồi sau đó sẽ bắt trở về cõi âm, cho nên người xưa bày ra hủ tục đốt vàng mã vào rằm tháng bảy. Theo quan niệm của người Việt thì cứ vào ngày rằm tháng bảy âm, mỗi gia đình lại bày cỗ cơm, cháo, giấy tiền… mời những cô hồn (ma đói) không nơi thờ phụng về nhận. Nên dân gian có câu: "Cúng cả năm không bằng rằm tháng bảy".

Ở một số nước Á Đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 hàng tháng âm lịch, để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Tại Nhật Bản ngày lễ này diễn ra vào ngày 7 tháng 7. Để tỏ ước nguyện của mình, người ta viết rồi treo vào cây trúc với mong muốn điều ước đó sẽ thành hiện thực.

Ý nghĩa của lễ Bông hồng cài áo: "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương mẹ dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa".

(Trích Tản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh).

***

Khi còn ở quê, năm nào vào ngày Vu Lan , mình cũng ăn chay. Đó là cách mình chọn để bày tỏ lòng biết ơn dành cho đấng sinh thành, một lời cầu chúc sức khỏe cho gia đình thương yêu. Ngày lễ lớn của những người theo Đạo nhưng nó cũng thật ý nghĩa với những người bình thường như mình. 365 ngày trong năm đều là ngày Vu lan báo hiếu nhưng riêng những ngày này là thời gian đặc biệt để mỗi người chúng ta thể hiện rõ nhất tình cảm của mình.

Ngày trước, khi còn được che chở, bao bọc của ba mẹ ở quê nhà, cứ đến tháng 7 là mình lại… ăn chay! Đều đặn như thế cho đến năm cuối cấp. Mẹ sợ việc ăn chay ảnh hưởng đến sức khỏe của mình nên thay vì 15 ngày chay, mẹ chỉ cho mình ăn 10 ngày. Nhưng không phải như các bạn nghĩ đâu nhé! Mẹ chuẩn bị cho mình rất công phu, 10 ngày như 1, bữa ăn nào cũng đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.

Để có bữa ăn cho mình, mẹ thậm chí đã vất vả hơn ngày thường khi vừa nấu cơm chay, vừa nấu cơm mặn. Từ những loại rau, củ, quả, gia vị rất đỗi bình thường, mẹ làm thành bữa ăn rất tuyệt! Đến độ, bé Loan em mình cứ đòi ăn mãi. Ba thì xuýt xoa: Sao em để nó ăn chay chi vậy? Thi cử tới nơi rồi! hoặc: Dạo này hình như con Linh ốm hơn!

Năm đầu tiên xa nhà, mình không có điều kiện để ăn chay vì nhiều lí do (ăn cơm bụi, không biết đường, không phương tiện đi lại), thế là 3 ngày vỏn vẹn với một hủ chao! Năm thứ hai, một mình nơi đây, chao – vẫn thế! Và bữa cơm chay do mẹ nấu… chỉ còn vương trong tiềm thức!

Đã 3 năm rồi, xa quê, xa nhà, xa mẹ, nhớ quá!
Mùa Vu Lan lại đến! Năm nay, mình không ăn chay… nhưng không vì thế mà mình quên ngày này đâu nhé. Một chuyến về thăm nhà vội vã, những cuộc điện thoại ngắn ngủi dành cho gia đình… với mình thật ít ỏi để cảm nhận và thể hiện hết tình thương yêu.

"Ai còn Mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn, vương mắt mẹ nghe không…"

Đúng vậy! Nếu ai may mắn còn mẹ thì xin hãy đừng làm mắt mẹ thêm vương. Và mùa Vu Lan lặng lẽ đi về, rồi lặng lẽ đi qua như cái vòng tuần hoàn vốn có của trời đất, nhưng bạn hãy làm cho nó thật ý nghĩa bằng những cách của riêng bạn.

Thầm cầu mong trời phật cho tất cả những bà mẹ trên trần gian được hạnh phúc, khỏe mạnh, không còn vất vả sớm khuya, lặng lội đồng sâu… như mẹ! 

(Theo ngôi sao)