Trang chủ Đời sống Ẩm thực chay Những “cụ tùng” của non thiêng Yên Tử kêu cứu

Những “cụ tùng” của non thiêng Yên Tử kêu cứu

67

Càng ngày những giá trị về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tâm linh của di tích Yên Tử càng được khẳng định. Hàng loạt công trình vật thể, phi vật thể đã được đầu tư vào đây nhằm thể hiện sự quyết tâm giữ vững yếu tố trường tồn. Tuy nhiên, còn một vấn đề khác, có thể do nhiều nguyên nhân khách quan, sự quần cư, khai thác khoáng sản, đô thị hóa và cả sự xói mòn của thời gian, rừng nguyên sinh, tính đa dạng thảm thực vật đã có những dấu hiệu bị ảnh hưởng, đe dọa.

Trong đó, rừng tùng (còn gọi là đường tùng) tồn tại trên 700 năm được nhiều lần cảnh báo đang trong tình trạng bị đe dọa "tử vong".

Các "cụ tùng" đang kêu cứu

Trong suốt một thập kỷ qua, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, huy động, tiến cúng trị giá hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan cho khu di tích Yên Tử. Đáp lại, sự mến mộ của du khách, phật tử trong và ngoài nước ngày càng hướng đến di tích nổi tiếng này. Từ những tình cảm sâu đậm với di tích này, chính du khách phát hiện có những dấu hiệu bất bình thường tại khu vực đường tùng quy tụ.

Truyền thuyết kể rằng, chính vua Trần Nhân Tông là người phát hiện ra giống tùng đỏ rất lạ chỉ có ở Yên Tử nên đã tự tay gây dựng thành rừng tùng từ cách đây hơn 700 năm. Xung quanh khu vực này còn được biết đến là nơi quần sinh của vô số kỳ hoa dị thảo, đồ rằng do các cư sĩ ngày xưa lên núi tu luyện đã gieo mầm gây giống thành vườn dược liệu chữa bệnh cho bá tính.

Trong con mắt các nhà khoa học, hiếm có khu rừng nào như Yên Tử, tuy rất gần gũi với đời sống thường ngày của người dân, du khách nhưng vẫn giữ được tố chất cơ bản của hệ rừng nguyên sinh. Song, bắt đầu có những dấu hiệu đe dọa thảm thực vật, rừng cây cổ thụ tại Yên Tử. Đến dịp trước Tết Canh Dần (2010) Tiến sĩ Vũ Thế Long, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu môi trường của Viện Khảo cổ học Việt Nam, phát hiện đây đó đã có những cây tùng cổ đại bị đổ gục, rễ trơ trên nền đất, nhiều cây đang bị nấm và ký sinh xâm hại. Đến lúc đó, những lời báo nguy của nhà khoa học này mới được báo chí loan tải, các cấp ngành mới bắt đầu coi "sức khỏe" của các "cụ tùng" là… việc lớn.

Giữ lấy "hồn" của non thiêng

Theo khảo sát của các cơ quan chuyên ngành, Ban quản lý di tích Yên Tử, đến nay, qua kiểm đếm, rừng tùng cổ chỉ còn vỏn vẹn 250 cây. Do rừng tùng nằm hai bên đường đi, bộ rễ già nua trồi lên khỏi mặt đất to hơn cả đá lát đường. Có thể do ngẫu nhiên sắp đặt, bộ rễ đồ sộ khỏe khoắn của các "cụ tùng" vô hình trung đã trở thành bậc, thành nấc nâng đỡ từng bước chân của hàng triệu lượt khách hành hương. Một khi bộ phận hấp thụ sinh khí nuôi thân liên tục chịu sự tác động thì chắc chắn sự kỳ diệu, "sức khỏe" của cây sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi những cây tùng đều đã già nua.

Lại có chuyện kể rằng, Yên Tử là vùng đất tụ khí, những cây tùng 700 tuổi chắc chắn đã tích nạp một lượng linh khí rất lớn của đất trời. Những năm gần đây, nhiều môn phái đến Yên Tử chỉ để thụ khí tiếp nhận năng lượng tự nhiên bằng cách ngửa mặt nhìn trời xanh, chân trụ trên rễ, hai tay bám chặt vào thân, yên vị hàng giờ, những mong năng lượng siêu nhiên dẫn nạp qua các "cụ tùng" vào cơ thể họ tạo nên sức mạnh thần kỳ, có thể chữa được bách bệnh. Nhưng sinh khí lại là nguồn có giới hạn, tuần hoàn theo trình tự, thành, thịnh, suy hủy, tùng cổ thụ đương nhiên bị suy kiệt. Chẳng biết thật hư thế nào, nhưng quả thật, rất dễ thấy tại khu vực đường tùng, lúc nào cũng có người thực hiện thao tác "thụ khí" như mô tả nêu trên.

Còn khảo sát thực tế, trong số 250 cây tùng cổ thụ còn lại, đã có 21 cây bị mục thân với nhiều mức độ khác nhau… Có nhiều cây đã gục ngã và mục nát bởi bị bệnh dài ngày nhưng không được chữa trị hoặc xử lý bằng các biện pháp chống, kiềng… 2 năm trước, trên sảnh chùa Hoa Yên, hai "cụ đại" cùng thời với loài tùng đỏ cũng có bị xiêu ngã, rễ trồi khỏi mặt đất thành mục tiêu giẫm đạp hàng triệu bước chân vô thức của bá tính. Nhưng lúc đó, chính quyền địa phương đã kịp thời ra tay, bằng cách cho xây trụ chống, xây bờ quai phần rễ trồi lên mặt đất, đồng thời cắt cử người trông coi ngăn cấm du khách vịn, tựa vào thân, giẫm đạp lên rễ. Kết quả thật khả quan, "cụ đại" lại tiếp tục nở hoa, hương bay thanh khiết chốn non thiêng.

Trao đổi với chúng tôi về số phận các "cụ tùng", các vị lãnh đạo chính quyền thị xã Uông Bí cho biết, trước mắt sẽ áp dụng biện pháp, cách thức chữa trị giống như các "cụ đại", đồng thời giao cho BQL di tích Yên Tử tiến hành ngay các biện pháp nhằm hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp của du khách đến thân, rễ các cây tùng cổ. Về lâu dài, thị xã đang tích cực chuẩn bị hàng loạt các hoạt động cần thiết để phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên ngành nhằm bảo vệ sự tồn tại lâu nhất có thể cho các "cụ tùng". Đề nghị chính quyền, ngành lâm nghiệp cũng cần nghĩ đến việc gây giống tùng đỏ quý hiếm này trồng xen kẽ hàng tùng cổ thụ để kế cận, làm tiếp "sứ mệnh" cao cả mà các "cụ tùng" đã làm.