Trang chủ Đời sống “Ni cô Huyền Trang” và nỗi tâm tư về thủ tục căn...

“Ni cô Huyền Trang” và nỗi tâm tư về thủ tục căn nhà tình nghĩa

61

Ni cô Huyền Trang – nhân vật trong bộ phim nổi tiếng "Biệt động Sài Gòn" được xây dựng, sáng tạo từ một người thật là nữ tu sĩ – chiến sĩ Phạm Thị Bạch Liên, 78 tuổi, tức ni cô Diệu Thông. Trong phim, "Ni cô Huyền Trang" đã hy sinh nhưng thực tế ngoài đời bà đang sinh sống tại nhà số 638/14/36 tổ 30, khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM.

Trong những năm tháng tuổi cao sức yếu, bà sống lặng lẽ và phải đối chọi với nhiều bệnh tật. Hai tài sản quý giá nhất mà bà trân trọng, giữ gìn là chiếc xe gắn máy do cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trao tặng và căn nhà tình nghĩa do Trường phổ thông cấp II-III Nguyễn Thị Diệu (quận 3) ủng hộ xây tặng từ năm 2001. Căn nhà này bà xem như một ngôi chùa Tam Bảo thứ 2 và là nơi gặp gỡ của nhiều đồng đội ngày xưa. Thế nhưng, đã 8 năm qua kể từ ngày bà được trao tặng nhà tình nghĩa, bà vẫn ngược xuôi để xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho căn nhà…

Bà Liên nhớ lại quãng đời đã qua: "Sau ngày giải phóng, tôi tham gia công tác nhà nước được một thời gian thì nghỉ hưu rồi cùng các tăng ni đi khai khẩn đất hoang ở tỉnh Đồng Tháp. Sau đó, tôi quay lại TP HCM và tá túc ở chùa Trúc Lâm (Gò Vấp) rồi làm nhiều nghề như sản xuất tương hột, chao, ướp trà… để mưu sinh. Khi không còn sức lực, tôi về quận 12 và ở tạm nhà của cô Năm Điệp ở khu phố 1, phường Hiệp Thành. Khoảng cuối năm 2000, nghe thông tin về hoàn cảnh khó khăn của tôi, Hiệu trưởng Trường cấp II-III Nguyễn Thị Diệu lúc bấy giờ là cô Nguyễn Thị Quý đã xuống phường Hiệp Thành để tìm tôi. Gặp nhau, cô Quý nói sẽ vận động cán bộ, thầy cô nhà trường để xây cho tôi căn nhà tình nghĩa. Nhưng vì tôi không có mảnh đất nào nên cô Quý bảo nhà trường sẽ liên hệ với UBND quận 12 để xin xét cấp cho và được UBND quận đồng ý. Ban đầu, mảnh đất ở nơi khác cũng trong phường Hiệp Thành nhưng sau đó, không biết gì lý do gì không cấp ở đó nữa mà chuyển về đây".

"Ni cô Huyền Trang" tại căn nhà tình nghĩa do Trường Nguyễn Thị Diệu xây dựng.

Xây nhà xong, ngày 26/7/2001, bà Liên được UBND quận 12 ra quyết định cấp nhà tình nghĩa. Những tưởng khi có quyết định này, bà Liên dễ dàng liên hệ với các cơ quan chức năng để hợp thức hóa quyền sở hữu nhà thế nhưng nhiều năm trời lui tới UBND phường bà chỉ nhận những lời hứa mà không trả lời dứt khoát.

Thấy "hết cửa" ở cấp phường, bà Liên gửi đơn đến UBND quận 12 và nơi này đã chuyển đơn về UBND phường Hiệp Thành để xem xét giải quyết. Tưởng mọi chuyện sẽ được giải quyết êm xuôi, nào ngờ mới đây bà Liên nhận được Văn bản trả lời của UBND phường Hiệp Thành báo cho bà hay căn nhà tình nghĩa trên không đủ điều kiện để xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Lý do được đưa ra là căn nhà này nằm hoàn toàn trong khu quy hoạch dự án khu công nghiệp Tân Thới Hiệp đã được phê duyệt từ năm 1997 mà nhà của bà Liên thì xây dựng năm 2001 nên theo quy định tại Quyết định 54/2007/QĐ-UBND của UBND TP HCM  thì không được xét cấp.

Theo chúng tôi, nếu nơi quận đã cấp đất tình nghĩa cho bà Liên nằm trong quy hoạch, nên chăng quận tìm và cấp cho bà nơi khác đủ điều kiện để bà làm giấy tờ. Đừng để một việc làm tình nghĩa của chính quyền địa phương với người có công trở nên mất ý nghĩa.