Trang chủ PGVN Cửa thiền Ông sư xóa cầu khỉ, nhà nát

Ông sư xóa cầu khỉ, nhà nát

51

30 năm vẫn “chạy” tốt


Anh Thạch Danh, một người dân cố cựu đang phóng xe mau miệng nói: “Nhờ công của sư cả Trần Nhiếp đấy”. Sư cả Trần Nhiếp hiện là thượng tọa chùa Thanh Gia, ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, huyện Gò Quao. Ông Đào Văn Lẹ, chủ tịch xã Định Hòa, nói: “Sư là người đức hạnh cao, người dân vùng này đều kính nể những việc sư làm suốt mấy chục năm nay”. 40 năm qua, hình ảnh vị sư già bền bỉ liên tục có mặt các nơi để khảo sát, vận động, thiết kế xây gần trăm cây cầu bêtông lớn nhỏ ở các xã nghèo huyện Gò Quao, Giồng Riềng (Kiên Giang) đã in đậm trong tâm trí bao người…


Sư vạch kế hoạch thực hiện, tiền của thì vận động người dân quanh vùng, các nhà hảo tâm, Việt kiều. Thi công tới đâu hô hào trai tráng nơi đó tới phụ, như vậy sẽ hạn chế tiền thuê nhân công tốn kém. “Đem ý định này nói ra bà con đều đồng lòng ủng hộ, không những thế họ còn tự nguyện nấu cơm nước phục vụ” – sư nói. Ngày khánh thành những cây cầu mới ở ấp Hòa Thanh, nhìn những cụ già ung dung bước qua cầu còn thơm mùi vôi mới, trẻ em chạy xe tung tăng đến trường, lúa gạo cũng vận chuyển dễ dàng hơn, sư vui lây và nghĩ đến những con kênh khác đang cần nối nhịp.


Tiền dân quyên góp, nhà hảo tâm,Việt kiều đóng góp sư đều đổ vào các cây cầu. Tới năm 2007 đã có gần trăm cây cầu trị giá hàng tỉ đồng “mọc” lên ở các xã Vĩnh Phước, Định An, Định Hòa, Thiệu Liễu…, huyện Gò Quao và xã Giồng Đá, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Riêng huyện Gò Quao giờ đây không còn cây cầu khỉ nào.


Dù chỉ học lóm từ các kỹ sư cầu đường nhưng những cây cầu do sư đảm trách đến nay đã hơn 30 năm mà chất lượng vẫn còn khá tốt. Tùy thuộc vào kinh phí vận động, mỗi năm sư xây 2-3 cây cầu. Cầu bêtông lớn kinh phí 35-50 triệu đồng, thời gian xây 1-2 tháng, cầu nhỏ thì 10-20 triệu đồng, thời gian hoàn thành khoảng một tháng.


“Tưởng họ nói đùa”


“Nhà mục nát, mưa gió dột lắm, thấy tôi nghèo sư thương nên cho mấy triệu đồng xây nhà mới. Nếu không thì còn lâu mới có được ngôi nhà kiên cố” – bà Danh Lẹ, 80 tuổi, ấp Hòa Thanh, nói. Ông Danh Đức, 46 tuổi, ngồi trong căn nhà tươm tất kể nhà ông lúc trước te tua lắm, muốn sửa ngặt cái thiếu tiền nong. Cứ thế vợ chồng ông và hai đứa con chen nhau trong căn nhà tranh túm húm. Cho tới một ngày đi làm đồng thuê về, nghe bà con kể sắp có nhà mới ông tưởng họ nói đùa. Vài hôm sau đã thấy sư Trần Nhiếp đến hỏi han, tặng tiền cất nhà, ông muốn khóc.


Nhớ lại chuyện này sư kể: “Tháng 6-2006 khi đang xây cầu bêtông thì tình cờ ông Trần Lam, chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang, chạy ngang. Khi ông Lam hỏi chuyện, tôi thiệt tình nói xây cầu cho người dân đi lại dễ hơn, nghe xong ông Lam đã cho địa chỉ và đề nghị nếu có khó khăn gì cứ tìm đến…”. Lúc này sư Trần Nhiếp chợt nhớ người dân phải sử dụng nước giếng, ở nhà sắp sập nên nhanh chóng “bắt mối” cùng ông Lam để làm. Trước nhiệt huyết của sư, ông Lam hỗ trợ tiền xây năm căn nhà, năm cây nước.


Trong năm 2006, bằng các nguồn tài trợ khác nhau, sư đã xây cất chín căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 7 triệu đồng và xây mười cây nước, mỗi cây trị giá 1,6 triệu đồng cho bà con nghèo ở các ấp Hòa Thanh, Răng Rít, Bằng Bé… Hai tháng đầu năm nay, sư lên kế hoạch hoàn thành năm căn nhà tình thương, sau đó tiếp tục khảo sát ở các vùng nông thôn để ghi nhận nhà nào sập xệ, sư lại vận động các nhà hảo tâm.


Nhà sư 77 tuổi này bảo vẫn còn nhiều cây cầu khỉ, cầu ván ở các xã vùng sâu, vùng xa khác trong tỉnh cần đầu tư xây cất. “Ước nguyện của tôi là được khỏe mãi để tiếp tục xóa cầu cũ kỹ ở những vùng sâu, xây nhà cho người nghèo” – sư nói.