Trang chủ Nghiên cứu Triết học PGVN đang lụi tàn hay khởi sắc (?!), phần 3

PGVN đang lụi tàn hay khởi sắc (?!), phần 3

146

Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc

Phần 3: Ngày Tàn của đạo Phật (?!)
 
Theo NHL thì giới trí thức Phật giáo đang bỏ dần đạo Phật vì thất vọng trước một hệ thống giáo lý không còn hấp dẫn và đáp ứng được nhu cầu tâm linh thời đại(!). 
 
Chẳng rõ khi nêu lên nhận định mang tính quyết đoán nầy, NHL có căn cứ trên những dữ kiện khả tín nào không hay cũng chỉ là một lối phỏng định theo cảm tính thuần triết học của hình ảnh Heraclite ở truồng cố tắm trên dòng sông… “đương niệm hiện tiền”.
 
Nhưng nếu chỉ xét về khía cạnh “chính danh” mà thôi thì đã thấy có điều không ổn về nhóm chữ “trí thức Phật giáo”. 
 
Theo NHL thì “trí thức Phật giáo” là ai? Là những người có bằng cấp đại học, có học hàm, học vị cao theo đạo Phật nhưng chẳng hiểu gì về đạo Phật? Hay là những người có trình độ học vấn cao, đồng thời cũng hiểu giáo lý nhà Phật?
 
Hoặc là những cư sĩ, thiện tri thức đã biết và thực hành pháp môn tu học đạo Phật? Hay là những người nghiên cứu đạo Phật sâu rộng nhưng chỉ cưỡi ngựa xem hoa chứ chưa bao giờ hành hoạt tu trì? Thế nhưng dẫu họ là ai thì điểm then chốt ở đây vẫn là nhu cầu tâm linh. Và nhu cầu tâm linh thực sự của họ trong thời đại ngày nay mang ý hướng và nội dung như thế nào?
 
Hãy khoan đi vào những ngõ ngách tâm lý, luận lý và triết lý nhiêu khê trong rừng thiền bạt ngàn của Phật giáo và xin tạm hình dung ra một trí thức Phật giáo theo nghĩa bình thường.
 
Đó là một người có tầm hiểu biết tương đối rộng, có cách nhìn và nhận xét vấn đề phải chăng và có đủ khả năng nhận thức được những khái niệm cơ bản giáo lý nhà Phật.  
 
Người ấy đến với đạo Phật như tìm về một suối nguồn tâm linh và tư tưởng bằng tinh thần tìm cầu tu học chứ không phải dựa vào đạo Phật để mưu cầu lợi ích kinh tế hay tìm sự hỗ trợ chính trị cho bản thân, cho nhóm phái ồn ào lửa rơm cơm cháy nhất thời.  
 
Người đó sẽ tìm gì từ tôn giáo? Sự che chở, hứa hẹn, phép lạ, cứu rỗi… chăng? Nếu chỉ có thế thì chỉ là tín đồ, con chiên ngoan đạo chứ đâu cần phải vận dụng vai trò người trí thức. 
 
Người đi tìm kho kiến thức phong phú, tìm cách lý giải nguyên lý cuộc đời và nguyên tắc sống chăng? Nếu thế thì làm học giả chứ đâu cần tới cái gọi là “trí thức Phật giáo”!
 
Và nếu nhìn tổng quan lý thuyết Phật giáo như một trò chơi chữ viễn mơ thì đó một trí thức Phật giáo chưa thành! 
 
Hiện tượng “trí thức Phật giáo từ bỏ đạo Phật…” như nhận định của NHL không thực sự xảy ra trên thực tế trong cũng như ngoài nước; kể cả Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới.  
 
Nếu có chăng một mớ hiện tượng “thoái trào” của giới trí thức thuộc nhiều tôn giáo nhưng Phật giáo chiếm đa số là hiện tượng “phiêu lưu thám hiểm” tôn giáo đã xẩy ra vào những năm 1980 tại hải ngoại. 
 
Đấy là hiện tượng một số người Việt, tương đối còn trẻ, có học vị cao về “Tây học” nhưng thiếu sự hòa điệu và tiếp cận với ngọn nguồn và gốc rễ văn hóa Việt Nam vì được du học hay di cư ra nước ngoài ở lứa tuổi còn non.
 
Một vài nhóm trí thức trẻ nầy dấy lên phong trào theo học các pháp môn “chế biến Thượng Đế” của một số hiện tượng nhất thời như pháp môn Quán âm, Vô vi, Nhân điện, Linh quang, Thiền cách tân gồm nhiều tên gọi và nhánh phái. Sự xôn xao thời 1980 nhạt dần trong thập niên 1990 và gần như vắng bóng trong thập niên 2000.
 
Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng nhiều trí thức Phật giáo ngày nay chọn sinh hoạt Phật sự ở nhà thay vì đến chùa như thường lệ. Thái độ không đến chùa sinh hoạt thường xuyên và trực tiếp với “tăng bảo” hoàn toàn không đồng nghĩa với hành động bỏ đạo hay cải đạo. Điều nầy xuất phát từ 5 lý do chính:
 
Một là, do phương tiện truyền thông hiện đại quá phong phú. Người ở nhà cũng có thể tham gia đàm luận, tu tập, nghe pháp, thăm viếng chùa viện qua hệ thống vi tính.
 
Hai là, do hệ thống tổ chức của giáo quyền tan rã và bất lực. Mỗi chùa có một vị trú trì và một đạo tràng riêng, độc lập về mọi mặt tổ chức, kinh tế, tài chính, lễ nghi, tu học mà nếu cần, có thể tự đặt tên, xưng danh và sinh hoạt như một “giáo hội” riêng biệt hoàn toàn hợp pháp trong bối cảnh xã hội phương Tây.
 
Ba là, hiện trạng tăng già chống báng nhau làm Phật tử mất niềm tin và nản lòng trước những lời nói pháp hay ho nhưng không được hành hoạt gắn liền với thực tế.
 
Bốn là, truyền thống lễ nghi và lễ nhạc Phật giáo Việt Nam đang bị “phát huy” một cách tùy tiện, tự phát và mang nặng tính trình diễn hời hợt do hàng tăng ni cao niên và tuổi trẻ thiếu sự hợp tác cần thiết trong vai trò chủ động lễ nghi tôn giáo. Trong lúc nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và tu học đang cần đến là: Dụng phương tiện nghi thức, lễ nhạc hài hòa, thống nhất và đồng bộ Hoằng dương Phật pháp.
 
Năm là, sự bế tắc về một khả năng hóa giải những dị biệt trong cộng đồng Tăng lữ vì mặc cảm (tự tôn là chính) và định kiến (khuynh hướng chính trị; viễn kiến bảo thủ và cấp tiến). Thời đại mới nhưng bản chất cũ: Không chấp nhận và thỏa hiệp với sự khác biệt để hóa giải, khăng khăng bảo thủ cái riêng của mình là đúng.
 
Một trí thức Phật giáo, cư sĩ Minh Tâm viết: “Chưa bao giờ giới trí thức Phật tử Việt Nam thuộc thế hệ cao niên lại đón nhận suối nguồn tư tưởng và các pháp môn tu học, di dưỡng tinh thần của Phật giáo nhiệt tình và đông đảo như trong thời đại ngày nay. Triết lý nhà Phật làm thỏa mãn những nhu cầu tri thức của giới học thuật thời đại vì bản chất tự do, phóng khoáng trong cả Kinh và Luận. Từ mức độ thực tiễn đời thường đến nhu cầu “vô thượng thậm thâm” của tri thức, kinh điển nhà Phật đều đáp ứng linh hoạt và sinh động.
 
Tuy nhiên, không ít những trí thức Phật giáo Việt Nam hiện nay càng có cái Tâm quy ngưỡng đạo Phật mạnh mẽ chừng nào, lại càng tìm cách quay lưng với việc ‘Phật sự’ ở các chùa chiền người Việt chừng ấy. Thậm chí họ xa lánh chư Tăng, Ni và bạn đạo bởi họ không còn chịu đựng nỗi cảnh chùa chiền bị biến thành những trung tâm quyên tiền, gây quỹ còn thô phàm hơn là cảnh thương mãi ngoài đời.
 
Nhiều trí thức Phật giáo khác thất vọng và giảm lòng quy phục các ‘trưởng tử Như Lai’ lại không nương theo đường hướng của đấng cha lành. Giới tăng lữ Phật giáo Việt Nam làm công cụ cho phàm nhân hay tệ hơn nữa là biến tướng thanh phàm nhân chia phe, kết phái nói xấu nhau, bêu riếu nhau trên đài, trên báo, biến cảnh thiền môn thanh tịnh thành cảnh chợ trời hỗn loạn. Tuy nhiên, trong cảnh chợ chiều náo loạn đó, may thay, vẫn còn nhiều đài sen vô nhiễm. Xin quy kính đảnh lễ quý chùa chiền tu viện và chư Tôn đức Tăng Ni vẫn còn giữ được thiền môn thanh tịnh, giới luật nghiêm minh, tâm bồ đề kiên cố…”[8]
 
Một trí thức Ki Tô giáo ở nước ngoài cũng nhận định:
 
“Tới mấy thế kỷ vừa qua và hiện nay, Thiền đi tiếp con đường linh hướng của nó trên khắp thế gian, khi bắt gặp những tâm hồn đồng điệu ở chốn trời tây. Thiền chinh phục các vùng đất xa xôi và thâm nhập sâu rộng hơn vào sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của người phương tây.
 
Thiền không còn chỉ là cốt lõi của văn hóa á đông mà đang trở thành duyên hội ngộ, chốn đồng cảm trên khắp năm châu thế giới. Cái thanh tĩnh, vô ngã và như nhất trong Thiền nay lan tỏa và góp phần qui nguyên loài người trở về đại đồng huynh đệ.” [9]
 
Giới trí thức Phật giáo vẫn còn đó với tín tâm vào Đạo Pháp không hề thối chuyển; nếu không muốn nói là càng phát huy mạnh mẽ hơn do sự chín chắn của tuổi tác và mức độ trải nghiệm với thực tế. 
 
Không chấp nhận những hình thái thế quyền và giáo quyền phi Phật giáo hoàn toàn không đồng nghĩa với sự phủ nhận Phật giáo. Chối bỏ những dòng sông vẩn đục không có nghĩa là từ bỏ đại dương trong xanh.
 
Theo nhận định của Allen Carr trong bài điểm sách nói trên thì các nhà truyền giáo Tin Lành đang gặp phải những bức tường bảo vệ kiên cố của đạo Hồi ở Trung Đông và châu Phi, “vòng đai thánh kinh” đã có sẵn ở châu Mỹ, chiếc nôi đạo Chúa ở châu Âu nên hướng tiến còn lại của những binh đoàn truyền giáo lắm của nhiều người là châu Á.
 
Nơi mà đa số người dân theo đạo Phật với đời sống tâm linh từ bi, hiếu hòa, bất bạo động. Dụng công tiếp cận với bất cứ nhóm dân tộc theo Phật giáo nào, Hattaway cũng tìm thấy khả năng đầy triển vọng cho việc vận động quần chúng tập thể bỏ đạo Phật để cải sang đạo Chúa. 
 
Công cuộc vận động truyền đạo để cải đạo được áp dụng và ứng xử liên tục, quyết đoán đã khai diễn. Các phương tiện khả thi đều được áp dụng triệt để từ việc liên kết với các nhóm kinh tế, từ thiện đến khả năng tranh thủ sự hỗ trợ từ phía chính quyền các cấp…
 
Đạo Phật sẽ có một ngày tàn hay không?
 
Tất nhiên là có. Đó là một chân lý khách quan đã được khẳng định trong tiến trình tất yếu của “Thành, Trụ, Hoại, Diệt”. Thế lực tâm linh hay phàm tục nào đi ngược lại tiến trình khách quan nầy là tự đánh lừa, bị đánh lừa hay chủ tâm đánh lừa một đối tượng khác vì bị vô minh che lấp hay vì thiếu lương thiện.
 
Diệt… trong khái niệm về tiến trình duyên khởi của đạo Phật là một sự biến tướng sinh khởi trùng trùng bất tận chứ chẳng có gì còn mà cũng chẳng có gì là mất tương tự như nguyên lý Bảo Toàn Năng Lượng trong khoa học hiện đại. 
 
Như nước, hơi, mây, mù, mưa, sông, suối, biển cũng chỉ là biến tướng của duyên hợp, duyên tan, duyên tàn, duyên tận, duyên khởi, duyên sinh… đời đời như thế. 
 
Ngày nào tiến trình sinh diệt này chấm dứt bằng sự giác ngộ viên mãn, ngày đó đạo Phật không còn cần thiết nữa và tự… “tan hàng” chứ chẳng cần có sự cải thể hay giải thể nào cả. 
 
Đó là ngày vô minh đã được khai sáng, ngày sự đau khổ không còn hiện hữu và ngày mà tất cả chúng sinh đều đã tới được bến bờ giác ngộ… Paramita!   
 
Tốc độ của dòng chảy thành, trụ, hoại, diệt nầy nhanh chậm như thế nào và khi nào mới thật sự diễn ra?
 
Chỉ một chớp mắt là đã có vô vàn sự sinh diệt diễn ra ở mức độ một tế bào, một vật thể, một sinh thể, một thế giới, một vũ trụ hay cả tam thiên đại thiên thế giới. Dòng luân lưu của những sát na sinh diệt tiếp diễn từ vô thủy đến vô chung. Mai kia – một nháy mắt sau, tuần tới hay vô số tỷ tỷ năm sau – ví thử trái đất nầy bị một biến động vũ trụ làm tan tành ra tro bụi, cho dù cõi Ta Bà nầy có tan thành mây khói thì tam thiên đại thiên thế giới vẫn trường tồn, thường tại luân lưu. 
 
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một tia sáng trong biển hào quang của hằng hà sa số chư Phật. Khái niệm “tàn” và “tận” của pháp thế gian là cái nhìn đom đóm dưới ánh mặt trời.
 
Cho nên, với đạo Phật thì hiện tượng mất, còn chỉ là giả tạm. Cái nghiệp – thiện ác đáo đầu chung hữu báo – mới đeo đẳng người ta như bóng với hình. Đeo mãi cho đến ngày… đoạn nghiệp. Nghiệp, không phải là nụ hôn hay cái tát; không phải là ân đền oán trả từ đâu tới vu vạ, nằm đó mà chờ . Nghiệp là hợp lực, cộng mạng ở ngay chính trong ta từ thời vô thủy của thân mạng nầy nên không ai có thể trốn nghiệp hay thoát nghiệp cả.
 
Giải phóng trong đạo Phật không phải là biến tướng, đổi màu mà là giải nghiệp. Mèo đen, mèo trắng, mèo vàng… thì cũng chỉ là giống mèo biến tướng. Nô lệ da đen, nô lệ da trắng, nô lệ da vàng… thì cũng chỉ là kiếp nô lệ thay màu. Sự giải phóng của đạo Phật là giải thoát, thoát kiếp tử sinh, chấm dứt dòng luân hồi đòi đoạn chứ không phải biến cảnh tôi đòi trần gian ra cảnh tôi đòi… viễn mộng!
 
Tuy vạn pháp sinh diệt không ngừng, nhưng chuẩn đích vẫn là thấy được và tìm cách tới được bến bờ giác ngộ. Pháp thế gian nhìn thấy cảnh núi là núi sông là sông qua đôi mắt trần phàm tục. Pháp quán thế gian nhìn thấy bản chất của núi và sông qua tu học và quán niệm. Pháp xuất thế gian nắm bắt được thật tính của núi và sông qua chứng đạo. 
 
Khi đã chứng đạo giác ngộ giải thoát rồi thì đạo Phật không còn cần thiết nữa. Tam tạng kinh điển cũng trở thành chiếc bè qua sông cần vất bỏ đi. Với trí tuệ bát nhã thì “trong Không là sự rỗng lặng tuyệt đối: Không sinh, không diệt, không sạch, không dơ, không tăng, không giảm”. 
 
Như thế, nói rằng đạo Phật còn, đạo Phật mất hay đạo Phật lụi tàn cũng chỉ là huyễn hóa như nhau! Bản thể của đạo Phật không bị dính mắc vào những phương tiện của một thời, một cõi nào đó; dẫu cho cõi đó là Phật, Pháp, Tăng… mà tất cả là Tính Rỗng Lặng.
 
Sự lăn xả vào nỗ lực tấn công Phật giáo để tranh thủ kiếm người cải đạo giữa các thế lực tôn giáo đông người lắm của hiện nay trên các vùng đất nóng bỏng của thế giới là một cuộc mua bán và đổi chác linh hồn đầy lẩn quẩn của nhiều thế kỷ trước. Viễn ảnh “cao trào” hay “thoái trào” có thể thấy rõ qua lăng kính “nhân quả đồng thời”. 
 
Trong nhân đã có quả.  Bạo phát thì bạo tàn. Trong từ bi đã có mầm có giải thoát. Trong áp đặt, mua chuộc đã có mầm nô lệ, phản tỉnh. Muôn triệu sinh linh bị níu kéo dính chùm trong khu vườn tâm linh tập thể sao bằng những cánh chim hạnh phúc đang tung bay trong bầu trời tự do, an lạc.
 
Còn tiếp


[8] Đặng Minh Tâm: Đạo Phật đang đi về đâu? Liên Hoa Nguyệt San, Cư sĩ, tháng 4 năm 2010
 
[9] Nguyễn Ước: Cẩm Nang Sống Thiền. VHTT, Việt Nam 2007.