Trang chủ Đời sống Phật giáo với sức khỏe

Phật giáo với sức khỏe

67

Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ đến đời Hán truyền nhập vào Trung Quốc và dần dần dung hợp với văn hóa truyền thống Trung Quốc, Việt Nam thành một thể thống nhất.

Bên cạnh đó, những phương pháp tu luyện độc đáo nhằm đạt đến mục đích là bảo vệ sức khỏe, có ảnh hưởng sâu sắc trên toàn thế giới, trở thành một đóa hoa rực rỡ trong khu vườn văn hóa nhân loại.

Trong “Ngũ Minh” mà giáo đồ Phật giáo học có “Y phương minh” là tri thức y học, “Y phương minh ” có hệ thống lý luận riêng có tác dụng chỉ đạo nhất định đối với vấn đề trị bệnh, bảo vệ sức khỏe.

Theo “Tùy thư  – Kinh tịch chí ” thì đương thời sách y học Phật giáo dịch từ Ấn Độ có hơn 10 loại, như “ Long Thọ Bồ Tát dược phương”, “ Thích Tăng y châm cứu kinh”…

Trong đó “ Đại Tạng Kinh ” là tập đại thành của kinh điển Phật Giáo có khoảng 400 bộ chuyên luận về y lý, có vệ sinh y dược, bệnh về sinh lý, tâm lý, tu tâm dữơng tính…nội dung vô cùng phong phú.

Bài này chỉ nói về Phật Pháp đối trị bệnh tật. Bởi vì con người ngày nay gia tăng rất nhiều thứ bệnh mà trong đó có nhiều thứ bệnh kinh niên thế kỷ khó chữa không chữa được như bệnh “Ung Thư, HIV, Phong” …

Trong lý luận căn bản của Phật Giáo về vấn đề cứu khổ chúng sinh có đưa ra phương pháp đối trị về tâm bệnh và thân bệnh. Từ góc độ y học hiện đại mà xét thì các phép tu trì theo Bát chánh đạo, Tam học, Lục đô, Tọa Thiền, Tụng niệm… đều là những phương cách hữu hiệu chữa trị thân tâm, những phương pháp đó có ý nghĩa rất qua trọng trong việc giữ gìn sức khỏe thân tâm, hoàn thiện “ Chân Thiện Mỹ ” mà con người mong đạt tới.

Phật giáo đưa ra phép trị liệu tương ứng đối với bệnh tâm lý, như “ Giáo Thừa pháp số” có nói “ Có 8 vạn 4 ngàn phiền não bệnh thì có 8 vạn 4 ngàn pháp môn đối trị ”. Trong “ Ngũ đình tâm quán ” đã đưa ra 5 phương pháp đối trị là: Bất tịnh quán, Từ bi quán, nhân duyên quán, sở tức quán, Quán giới phân biệt. Phương pháp cụ thể tương tự như liệu pháp trị liệu thân tâm bệnh hiện đại. Ngoài ra còn có hình thức khác trong sinh hoạt hàng ngày như lễ bái , sám hối, thiền hành, niệm Phật… đều có tác dụng phòng trị bệnh tật.

– Sám hối: Bệnh tật trong thân tâm con người thường là do đau khổ trong ý thức nội tâm dẫn đến, đặc biệt là khi người ta làm trái với đạo lý xã hội, hành vi đạo đức sai trái thì gánh nặng tâm lý càng thêm trầm trọng.

Sám hối là vì chúng ta đã tạo ra tội lỗi từ tâm ý cho đến hành động nên cần phải sám hối mới có thể làm cho sạch tội.

Trong Đạo Phật có 4 cách sám hối: Tác pháp sám hối, Thủ tướng sám hối, Hồng danh sám hối, Vô danh sám hối.

Thường nhật mọi người hành dùng pháp Hồng danh sám hối vì pháp này từ sơ đến thượng căn ai ai cũng làm được, pháp này bất cứ ai chí thành kính lễ, thì sẽ diệt trừ được mọi phiền não và tội lỗi đã tạo trong đời hiện tại cũng như nhiều đời qua khứ.

Đức Phật Thích Ca nói: “Thủa xưa, đời Phật Diệu Quang, Ta đi tu nhằm đời mạt pháp, nhờ được nghe danh hiệu 53 vị Phật này, Ta thành tâm lễ bái mà tránh khỏi những đau khổ trong đường sinh tử luân hồi nhiều kiếp

Hồng danh của chư Phật có công đức không thể nghĩ bàn như vậy, nên ngài Bất Động Pháp sư mới soạn ra để làm nghi thức sám hối.

Pháp Hồng Danh sám hối, hiện nay, hầu hết các chùa đều thực hành theo. Điều này rõ ràng có lợi cho việc điều trị bệnh tật thân tâm, khiến con người ta an lạc mạnh khỏe.

– Tọa Thiền: Thiền Tông cũng thuộc thiền pháp Đại thừa, Thiền Tông đề xướng Phật pháp là ở thế gian, Phật tức tự Phật, do đó không nên bỏ thế gian mà tìm chỗ khác cũng không nên lìa tâm mà tìm ở ngoài. “Hành trú tọa ngọa, vận thủy đảm sài, vô vãn phi đạo” (đi , đứng, nằm, ngồi, gánh nước, mang củi, không gì mà không phải là đạo).

Y học đã chứng minh, tình trạng tâm lý con người có liên quan đến các chứng cao huyết áp, tim mạch…

Người an tâm vô ưu thì tỷ lệ phát bệnh thấp hơn người có tâm lý dao động.

Thiền phiên âm theo tiếng Phạn là Thiền na, xưa dịch là tư duy, nay các học giả dịch là Tĩnh lự. Tĩnh lự có nghĩa là dùng tâm thể vắng lặng để thẩm sát các vấn đề đạo pháp.

Định phiên âm theo tiếng Phạn là Tam muội ( Samadhi ), có nghĩa là tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất, không để cho tâm ý tán loạn.

Như vậy khi ngồi thiền là chúng ta thiền định để tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất , không cho tán loạn khiến tâm thể được vắng lặng, tâm dụng mạnh mẽ, hầu quan sát và suy nghiệm chân lý.

Như vậy ngồi thiền rất có lợi cho sức khỏe, có nhiều lợi ích: Ngũ căn được tịch tịnh, chánh định phát khởi – thực hiện được hạnh từ bi thương yêu chúng sinh, muốn cho tất cả được an ổn – Giảm bớt nóng giận đến không còn phát sinh phiền não – An lạc hạnh phúc lâu dài – Khai phát được trí tuệ, các hoặc nghiệp  không còn nhiễu loạn được nữa.

Chứng tỏ Thiền định rất lợi ích cho sức khỏe.

– Tụng Niệm: Khi tụng kinh niệm Phật thì mọi ý niệm đều bỏ, chân thành kính ý, tương hợp với âm thanh của nhạc khí như chuông, mõ, trống theo tiết tấu trầm bổng không khí trang nghiêm của Phật đường có hiệu quả rất tốt cho việc trị liệu bệnh thân tâm, điều này phù hợp với quan niệm y học hiện đại ( như liệu pháp thư giãn, liệu pháp thôi miên).

“Ma Ha chỉ quán ” còn đưa ra cách trị bệnh phải đối chứng hạ dược thì mới mau bớt bệnh, đồng thời phải chấn đoán chính xác bệnh tình và nguyên nhân bệnh, am hiểu và phân biệt các chứng trạng khác nhau của bệnh tật, như thế thì hiệu quả trị bệnh càng lớn.

Phật giáo còn rất chú trọng đến việc chăm sóc bệnh nhân, khôi phục sức khỏe cho bệnh nhân. Trong “ Tứ phần luận” ghi chép: Phật Thích Ca đã từng tự mình rửa ráy, chăm sóc cho tỳ kheo mắc bệnh lâu ngày, lại án ma, thuyết pháp khuyên răn khiến cho người bệnh được an ủi rất lớn, do đó Phật nói: “Nếu muốn cung dưỡng ta thì nên cung dưỡng bệnh nhân trước ”.

Đây tuy là biểu hiện cụ thể về lòng từ bi của Phật giáo, nhưng khách quan mà nói thì làm cho tâm lý người bệnh được nhẹ nhàng, tinh thần được an ủi, có lợi cho việc chữa trị bệnh.

Thấy lợi ích rõ rệt của việc thực hành theo lời Phật dạy đối với chúng ta như vậy, nên chùa Đình Quán đã thường tổ chức các khóa tu cho bệnh nhân Ung Thư và Chạy Thận ở viện K và Bạch Mai Hà Nội khiến cho mọi người hiểu thấu rõ nguyên nhân tật bệnh của mình mà có phương hướng chữa bệnh cũng như tu tập được mạnh khỏe an lạc.

Rất mong quỹ đạo hữu xa gần có thiện tâm tham gia đóng góp cùng nhà chùa giúp cho các bệnh nhân được chia sẻ bớt đi nỗi đau bệnh tật và thế giới chúng ta ngày càng không còn tiếng kêu thống khổ, bình an hạnh phúc hơn, một thế giới hòa bình yên vui.

Dưới đây là một số hình ảnh của khóa tu: