Trang chủ Thời đại Truyền thông Chương trình video về các bậc danh tăng

Chương trình video về các bậc danh tăng

100

Nhu cầu chương trình video về các bậc danh tăng thạc đức

Trên các đài truyền hình, loại phim về tiểu sử các nhân vật chiếm một tỷ lệ đáng chú ý trong thể loại phim tài liệu.

Các đài truyền hình coi đây là việc thực hiện “chức năng giáo dục” của truyền hình.

Phật giáo của chúng ta có rất nhiều vị danh tăng, có công lớn trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, là những tấm gương lớn về cuộc sống đạo đức, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Đã có một số sách về cuộc đời các vị danh tăng thời kỳ hiện đại, tuy nhiên, rất hiếm, nếu không muốn nói là không có, các chương trình video về các bậc danh tăng.

Đây là một điều đáng tiếc, vì các chương trình video, qua hình ảnh sinh động, mới có thể tái hiện một cách cụ thể, chân thật chân dung các bậc danh tăng tiền bối hữu công.

Những chương trình như vậy cũng còn là sự thể hiện tình cảm của các môn đồ đối với quí ngài, cũng là một cách để phổ biến và lưu giữ những kỷ niệm về các ngài, khiến cho các bài học do quí ngài để lại có điều kiện phổ biến rộng rãi hơn và dễ đi vào lòng người hơn.

Phật giáo chưa có một cơ sở truyền hình để đứng ra phụ trách việc này, nhưng các tờ báo, cơ sở văn hoá, tự viện, tập thể và các cá nhân môn đệ vẫn có thể tổ chức thực hiện các chương trình video về các bậc cao tăng tiền bối thầy tổ của mình.

Đây là loại chương trình cần thực hiện sớm chừng nào tốt chừng đó, vì càng về sau, khả năng thất tán, mai một tư liệu càng lớn.

Đề xuất nội dung chương trình video về các bậc danh tăng

Các chương trình video về tiểu sử nhân vật chiếu trên các kênh truyền hình đều nhắm vào mục tiêu cung cấp các thông tin xác thực về tiểu sử các nhân vật, giúp người xem nắm được một số yếu tố gia cảnh xuất thân, thời thơ ấu của nhân vật, ảnh hưởng của gia đình và xã hội đến nhân vật trong thời thiếu niên, thanh niên.

Sau đó, sẽ là những đóng góp của nhân vật đối với đất nước, xã hội, đoàn thể… tính cách, phẩm chất của nhân vật…

Các chương trình video về danh tăng Phật giáo cũng không nằm ngoài khuôn khổ chung đó. Nhưng tất nhiên, những chương trình Phật giáo sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến đạo hạnh riêng biệt của từng vị danh tăng, đến đóng góp của các vị vào hoạt động hoằng hóa, những vấn đề chủ đạo trong quá trình dạy dỗ, giáo huấn đệ tử của riêng từng vị.

Đối với những vị danh tăng đã viên tịch, chúng ta vẫn có thể thực hiện các chương trình video về các vị, dù rằng không thể ghi lại hình ảnh các vị được nữa.

Trước tiên, cần thu thập những hình ảnh, hiện vật kỷ niệm và trước tác của các ngài. Đây là điều không thể thiếu cho việc thực hiện chương trình, nhưng không phải là khó thực hiện, vì để thực hiện chương trình, chỉ cần ghi hình tại chỗ hiện vật, không phải tập trung, hay mất công thu thập quản lý.

Những cơ sở mà các ngài đã tạo dựng (chùa, tháp, công trình phúc lợi…) cũng là những tư liệu tốt.

Đặc biệt cần là lời kể về các ngài từ chính các đệ tử gần gũi, thị giả, Phật tử và cả những vị đồng môn, bạn đạo với các ngài khi còn hiện tiền.

Các phim tư liệu trên truyền hình về tiểu sử nhân vật thường sử dụng những lời kể của người cùng thời, đồng nghiệp, đồng học về nhân vật như là một trong những biện pháp thể hiện chính.

Đối với phim về các danh tăng, cần làm sao qua lời kể lại, có thể khắc họa chân dung, tính cách, đạo hạnh, đạo phong của các vị danh tăng, tiền bối, thể hiện được chân dung của các ngài.

Ngày nay, dĩa video (DVD, VCD) cho khả năng lưu trữ tư liệu, hình ảnh qua thời gian bền hơn rất nhiều so với băng video cassette trước đây. Do đó, các chương trình video về các bậc danh tăng Phật giáo sẽ có thể đóng vai trò những “nhà lưu niệm”, những “bảo tàng” nhỏ về các vị danh tăng thạc đức, là niềm tự hào của Phật giáo chúng ta và là những bài học lớn cho những thế hệ đệ tử đời sau.

Chi phí cho một nhà lưu niệm là không nhỏ, nhưng chi phí cho một chương trình video ghi dĩa hiện nay đã là không đáng kể so với vai trò mà nó đảm nhiệm và khả năng tác động của nó.

Chúng tôi được biết trước đây một số Tăng, Ni, Phật tử cũng đã có ý tưởng xúc tiến việc thực hiện phim tài liệu về các vị danh tăng, tiền bối hữu công.

Lễ tang Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết vào năm 1973 đã được quay bằng phim màu, chuẩn bị tư liệu để sau này làm phim về cuộc đời ngài.

Như vậy, đề xuất mà chúng tôi nêu ra ở đây không có gì mới cả. Chỉ có điều phương tiện video ngày nay đã trở thành phương tiện rất phổ cập, thiết bị kỹ thuật và chi phí thực hiện giảm đi rất nhiều, nên việc đề xuất có lẽ thực tế hơn mà thôi.

Việc báo đáp ơn đức của liệt vị danh tăng tổ sư bằng hình thức thực hiện các chương trình video về các ngài là một việc làm nhiều ý nghĩa. Đó là một phương tiện giữ và lưu truyền mãi hình ảnh các ngài trong chúng ta, cũng là giữ quí ngài còn mãi với chúng ta.

MT